Trong quý IV, nợ xấu của các ngân hàng đã bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống so với cuối quý III/2023. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối năm 2022, số dư nợ xấu của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính vẫn cao hơn 40,5%.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2023, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (không bao gồm Agribank), đã bắt đầu có dấu hiệu quay đầu giảm.
Nếu so với đầu năm, số dư nợ xấu của các ngân hàng này đã tăng 40,5%, lên gần 195.000 tỷ đồng. Ngoại trừ Vietbank, tất cả ngân hàng còn lại trong nhóm khảo sát đều có số dư nợ xấu tăng lên.
Tuy nhiên nếu so với kết quả cuối quý III/2023, số dư nợ xấu đã giảm khoảng 15.000 tỷ đồng. Có 18/28 ngân hàng đã ghi nhận số dư nợ xấu giảm xuống, trong đó dẫn đầu là BIDV (giảm 4.165 tỷ đồng so với quý III) và LPBank (giảm 3.678 tỷ đồng).
Các ngân hàng thuộc nhóm Big4 và ngân hàng TMCP lớn (MB, ACB, Techcombank và VPBank) đều chứng kiến số dư nợ xấu cải thiện trong quý IV. Nhờ vậy, khi so với đầu năm, nợ xấu của một số ngân hàng như VietinBank, hay VPBank chỉ tăng dưới 20%, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành.
Ngoài ra, một số ngân hàng như SHB, LPBank VietBank, VietABank, Kienlongbank và SaigonBank cũng đều ghi nhận số dư nợ xấu so với đầu năm tăng dưới 20% hoặc thậm chí quay đầu giảm.
Tuy nhiên, nhìn chung, xu hướng cải thiện của nợ xấu vẫn còn khiêm tốn và một số nhà băng vẫn báo cáo nợ xấu tiếp tục tăng lên trong quý IV so với cuối quý III, có nơi gần gấp đôi hay gấp ba lần năm trước.