Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008, là sự thể chế, cụ thể hoá một cách nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Tuy nhiên, so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều Luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã ký kết gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do, tham gia thêm vào một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất.
Cùng với quá trình thực thi dài, một số quy định trong Luật Hóa chất đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
“Do vậy, việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết, nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia”, ông Phùng Mạnh Ngọc nhấn mạnh.
Từ sự cần thiết sửa đổi Luật Hóa chất như đã nêu, trong năm 2022 và 2023, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cùng với các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá 15 năm thi hành Luật Hóa chất, làm căn cứ lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hóa chất sửa đổi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 với 4 nhóm Chính sách:
– Chính sách 1: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại.
– Chính sách 2: Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời.
– Chính sách 3: Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm.
– Chính sách 4: Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Sau khi xem xét đề nghị của Chính phủ và chương trình công tác Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật. Trong đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì soạn thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 6/2024 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2024.
Do thời gian xây dựng Luật gấp rút nên ngay khi có Quyết định phân công nhiệm vụ của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và khẩn trương tổ chức triển khai xây dựng Luật.
Đến ngày 12/3/2024, sau khi được sự nhất trí của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ Công Thương đã đăng tải dự thảo hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) lên Cổng thông tin của Chính phủ, Cổng thông tin của Bộ Công Thương và gửi lấy ý kiến bằng văn bản tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo 2 của Luật Hóa chất (sửa đổi) đang gửi lấy ý kiến gồm 11 Chương và 95 Điều (tăng 01 Chương và 24 Điều so với Luật Hóa chất năm 2007).
Tại Hội thảo, đại diện Cục Hóa chất đã trình bày, làm rõ thêm về các điều khoản trong dự thảo Luật tương ứng với 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở các nội dung này, các đại biểu đã có nhiều góp ý đa chiều, chi tiết, cụ thể từ kinh nghiệm thực tế trong công tác quản lý ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Các ý kiến sẽ được Bộ phận thường trực tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).