Theo dự báo của Savills, lĩnh vực cung ứng toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai gần. Trong đó, động lực chính xuất phát từ sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) và cuộc đua mở rộng không gian kho hàng hóa nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng của các công ty quốc tế.
Năm 2021, lĩnh vực logistics toàn cầu ghi nhận 297 tỷ bảng vốn đầu tư, tăng 81 tỷ bảng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ trống trên toàn chuỗi cung ứng tại châu Âu là 3,5% và 4,4% tại Mỹ.
Giá thuê BĐS khu công nghiệp dự kiến tăng nhanh. |
Nội dung chính
Khan hiếm nguồn cung
Trong vòng 2 năm qua, những tác động từ Covid-19 và cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine đã khiến doanh nghiệp trên toàn thế giới đối mặt với nhiều thách thức khi duy trì chuỗi cung ứng.
Ông Kevin Mofid – Giám đốc kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu EMEA BĐS khu công nghiệp và logistics – cho rằng các công ty cần dịch chuyển từ “chiến lược phòng bị” (JIC) sang “sản xuất tức thời” (JIT) nếu muốn đảm bảo chuỗi cung ứng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phải tăng số lượng hàng tồn kho lẫn kéo gần dây chuyền sản xuất.
Một cuộc khảo sát vào năm 2021 của McKinsey cho thấy 61% công ty đã tăng số lượng lưu trữ các hàng hóa cần thiết. Đây được xem là động lực quan trọng cho công suất lấp đầy của nhiều nhà kho trên toàn thế giới trong vòng 2 năm qua và trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ phận dịch vụ Logistics và BĐS Khu Công Nghiệp Savills ghi nhận tỷ lệ trống ở mức thấp kỷ lục vào năm 2021. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nguồn cung và thiếu quy hoạch cho nguồn cung mới là những thách thức lớn của thị trường.
Ông Gregg Healy, Giám đốc Dịch vụ BĐS Khu công nghiệp Savills tại Bắc Mỹ cho biết: “Tại Mỹ, nhu cầu nguồn cung mới lớn đến mức chúng tôi đang chứng kiến một số tòa nhà văn phòng Hạng A bị dỡ bỏ và thay bằng các khu công nghiệp. Đây được xem là cách sử dụng quỹ đất tối ưu”.
Thị trường khu công nghiệp toàn cầu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại do nguồn cung trong tương lai tại các quốc gia còn khá thấp. Savills dự báo điều này sẽ khiến giá thuê tiếp tục tăng nhanh.
Doanh nghiệp hứng chịu chi phí cao
Ông Marcus de Minckwitz cho hay: “Trước tình trạng lệch pha cung cầu và giá thuê tăng mạnh trên toàn cầu, người thuê sẽ phải chịu một chi phí rất cao. Đây là mối quan tâm đối với người thuê kho hàng song khoản tiền này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trên tổng chi phí của họ, khoảng 5% tổng chi phí cho vận tải và người lao động”.
Savills đánh giá áp lực về nguồn cung sẽ buộc các doanh nghiệp phải đổi mới. Trong thời gian tới, thị trường sẽ thấy nhà kho nhiều tầng hơn tại Châu Âu, đặc biệt là những vị trí đắc địa ở thành phố lớn. Việc tích hợp công nghệ cao cho ngành công nghiệp sẽ cần thiết để ngăn chặn những thách thức về chuỗi cung ứng trong tương lai.
Trên thực tế, ngành sản xuất có nhiều khó khăn không thể tránh khỏi trong năm nay như lạm phát tăng, sự xung đột leo thang tại Ukraine và sự siết chặt không khoan nhượng của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Những vấn đề này sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, ngành logistics toàn cầu vẫn có một vài tín hiệu khởi sắc. Ông Mofid lý giải: “Trong dài hạn, những tín hiệu này vẫn có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc chuyển sang sản xuất gần (nearshoring production) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường công nghiệp của các quốc gia phát triển. Sự tăng trưởng GDP cũng như sự phát triển của thương mại điện tử tại các quốc gia này sẽ thúc đẩy nhu cầu kho bãi ngay cả khi giảm sản xuất”.
Triển vọng tăng trưởng bất động sản công nghiệp cao
Tại Việt Nam, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế hậu Covid-19 và biến động kinh tế – chính trị trên thế giới, ngành công nghiệp vẫn ghi nhận những kết quả tích cực và triển vọng tăng trưởng cao.
Theo Tiêu điểm ngành Công nghiệp Việt Nam quý 1/2022 do Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam thực hiện, điểm tích cực ghi nhận trong tháng 3 vừa qua là sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 9,2% trong tháng 2. Bất chấp đại dịch, đây là tháng thứ năm liên tiếp sản lượng công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Theo ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam đánh giá các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi thị trường của Việt Nam.
“Không thể phủ nhận rằng năm 2021 là một năm rất khó khăn, đặc biệt là với những làn sóng bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, từ cuối năm 2021 đến nay, chúng ta đã có một số bước phát triển tích cực, mới nhất là việc mở lại biên giới và miễn visa cho công dân của 13 quốc gia. Điều này rất có ý nghĩa với các chủ đầu tư cũng như khách thuê là các công ty đa quốc gia chưa thể đến Việt Nam. Các công ty này có thể đến xem dự án trực tiếp, ký hợp đồng thuê, thiết lập các cơ sở tại Việt Nam cũng như hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC)”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường, ông John Campbell khẳng định trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong những năm qua trong việc khuyến khích các công ty chuyển đến Việt Nam, đặc biệt là trong nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Việt Nam cũng đưa ra ưu đãi về thuế cho các công ty công nghệ hoặc R&D, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh.