Tại cuộc họp ngày 31/3 tại Vienna (Áo), 13 thành viên của OPEC và 10 quốc gia đồng minh do Nga dẫn đầu đã ủng hộ mức tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày từ tháng 5, cao hơn một chút so với mức tăng của các tháng trước.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh bao gồm Nga, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí duy trì chính sách về sản lượng dầu hiện tại, đồng thời nâng sản lượng “một cách khiêm tốn” lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 tới.
Tại cuộc họp ngày 31/3 tại Vienna (Áo), 13 thành viên của OPEC và 10 quốc gia đồng minh do Nga dẫn đầu đã ủng hộ mức tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày từ tháng 5, cao hơn một chút so với mức tăng của các tháng trước. Mức tăng này khá khiêm tốn so với những lời kêu gọi từ phương Tây, trong đó có Mỹ, về việc đẩy mạnh việc bơm thêm dầu ra thị trường nhằm “xoa dịu cơn khát” nguồn cung dầu đang bị gây ra bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na).
Trong tuyên bố chung, OPEC+ cho biết, các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn được duy trì và sự đồng thuận về triển vọng sản lượng đã cho thấy một thị trường cân bằng. Theo OPEC+, sự biến động hiện tại của thị trường “vàng đen” không phải do các nguyên tắc cơ bản bị xáo trộn, mà là do những diễn biến địa chính trị đang diễn ra.
Trước đó, Mỹ đã nhiều lần hối thúc OPEC+ đẩy nhanh việc nâng sản lượng dầu mỏ nhằm “hạ nhiệt” giá dầu vì giá năng lượng cao đã góp phần đáng kể làm tăng lạm phát trên thế giới, đe dọa làm “trật bánh” đà phục hồi kinh tế toàn cầu từ đại dịch COVID-19.
Nhà Trắng dự kiến sẽ công bố kế hoạch giải phóng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vài tháng tới vào ngày 31/3 (giờ địa phương), với tổng cộng lên đến 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược. Nhà phân tích Carsten Fritsch từ ngân hàng Commerzbank (Đức) cho biết, nếu việc giải phóng kho dự trữ dầu khổng lồ này thực sự diễn ra, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu sẽ không còn trong quý II/2022, thậm chí nguồn cung sẽ vượt quá cầu trong quý III/2022.
Các nhà phân tích cho rằng, kế hoạch trên của Mỹ cũng làm thu hẹp khả năng OPEC+ gia tăng sản lượng mạnh tay.
Trong báo cáo nội bộ được công bố cùng ngày, OPEC+ đã cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ phải hứng chịu một đòn giáng mạnh từ cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Báo cáo nhận định: “Tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp được cho là sẽ suy sụp không chỉ ở châu Âu mà còn ở phần còn lại của thế giới, khi chỉ tính đến tác động lạm phát mà cuộc xung đột này đã gây ra”.