Sử dụng dữ liệu từ Báo cáo Thống kê Năng lượng Thế giới cảu BP, biểu đồ thông tin dưới đây thể hiện các quốc gia sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới năm 2021…
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, giá khí đốt tự nhiên thế giới đã tăng vọt. Điều này diễn ra trong bối cảnh nguồn cung khí đốt vốn đã eo hẹp kể từ mùa thu năm 2021.
Càng làm trầm trọng thêm tình hình, Nga sau đó cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, đẩy giá khí đốt tại khu vực này tăng gần gấp 10 lần so với mức bình quân trước chiến tranh.
Nga là quốc gia sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, chiếm 17,4% sản lượng toàn cầu, chỉ sau Mỹ với 23,1%. Các quốc gia còn lại trong top 5 gồm Iran, Trung Quốc và Qatar với tỷ trọng lần lượt là 6,4%, 5,2% và 4,4%.
Khí đốt đóng vai trò quan trọng trong hầu hết lĩnh vực của đời sống thường nhật, từ dùng để sưởi ấm, nấu ăn, sản xuất điện cho đến làm nhiên liệu cho phương tiện đi lại, sản xuất phân bón, sản xuất nhựa…
Khí đốt tự nhiên là khí hydrocacbon có trong tự nhiên và là nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo được hình thành bên dưới bề mặt Trái Đất. Dù Trái đất có lượng khí tự nhiên khổng lồ, nhưng phần lớn trong số đó nằm ở những khu vực xa so với nơi cần sử dụng chúng. Để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển và giảm trọng lượng, khí tự nhiên được chuyển đổi thành khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thông qua một quy trình gọi là hóa lỏng.
Bất chấp những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, việc tiêu thụ khí tự nhiên vẫn đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2021, cao hơn 3,3% so với mức kỷ lục thiết lập vào năm 2019. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ giảm nhẹ trong năm 2022 và tiếp tục giảm tới năm 2025.