Để lịch sử không lặp lại như đại án Vạn Thịnh Phát – SCB , Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 đã quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm ngăn chặn sở hữu chéo, chi phối, thao túng trong hoạt động ngân hàng.
Vụ án Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan từng gây rúng động một thời khi trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB (giai đoạn I), Hội đồng xét xử xác định bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ đến 91.5% cổ phần Ngân hàng SCB thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên giùm. Bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Vạn Thịnh Phát lập các hồ sơ khống, rút tiền SCB.
Cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản trong giai đoạn 2012 – 2017. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132,000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Hành vi này của bà Lan gây thiệt hại hơn 64,000 tỷ đồng.
Tiếp đó, trong giai đoạn từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo nhóm cán bộ của SCB lập khống 916 hồ sơ vay vốn 545,000 tỷ, chiếm đoạt 304,000 tỷ. Hành vi này của bà Lan bị cáo buộc gây thiệt hại gần 130,000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.
Bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo nhóm lãnh đạo SCB giải ngân 2,500 khoản vay cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Kết quả điều tra xác định các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát còn gần 1,300 khoản vay dư nợ 677,000 tỷ đồng gốc và lãi.
Bản án còn cáo buộc bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thuộc cấp chi số tiền lớn mua chuộc Đoàn Thanh tra để giúp Ngân hàng SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Sự liên quan mật thiết giữa Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế – một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam vốn đã nhức nhối nhưng không được giải quyết triệt để trong hơn một thập kỷ qua.
Để lịch sử không lặp lại như đại án Vạn Thịnh Phát – SCB , Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm ngăn chặn sở hữu chéo, chi phối, thao túng trong hoạt động ngân hàng.
Theo quy định trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn, hoặc sở hữu của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 đã yêu cầu phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước gồm cả cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, anh em rể, chị em dâu, ông bà nội ngoại… để đảm bảo sự minh bạch, hạn chế tình trạng doanh nghiệp “sân sau” chi phối hoạt động của ngân hàng.
Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó giảm từ 20% xuống 15%.
Để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Luật Các TCTD 2024 đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, từ ngày 01/07/2024 (thời điểm Luật này có hiệu lực), cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Tính đến ngày 01/10/2024, đã có 19/27 ngân hàng công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ, dựa trên thông tin cổ đông cung cấp. Còn lại 8 ngân hàng: Bac A Bank (BAB), Saigonbank (SGB), Viet A Bank (VAB), Vietbank (VBB), SeABank (SSB), SHB, Sacombank (STB), NCB (NVB) chưa công bố danh sách.
Khang Di
Thiết kế: Khang Di
FILI