Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…
Tại Toạ đàm Data Talk số đầu năm với chủ đề “Bản đồ tài sản 2025 – Chiến lược từ các quỹ lớn” do Vietnambiz tổ chức ngày 9/1, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, đánh giá động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đến từ đầu tư trong nước, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo đó, các nhóm ngành tiêu dùng, xây dựng, vật liệu xây dựng có khả năng sẽ thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, xu hướng phát triển công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo mang lại sự thay đổi lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Những tập đoàn lớn đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, AI. Do đó, Việt Nam cũng cần tập trung vào nhóm ngành này.
Đối với ngành ngân hàng, ông Minh cho rằng mức định giá hiện đang tương đối hấp dẫn cho chiến lược đầu tư dài hạn. “Cho dù ở bất kỳ ngành nào, việc lựa chọn cổ phiếu luôn mang tính quan trọng. Trong một ngành tốt vẫn có những công ty không tốt hoặc đã bị đẩy giá lên quá đắt. Ngược lại, trong một ngành có thể chưa tốt, nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy được công ty có tiềm năng tăng trưởng cao”, ông Minh nhấn mạnh.
Bàn về nhóm ngành thu hút dòng tiền, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam, nhận định chu kỳ kinh tế Việt Nam đang trong phục hồi và tăng trưởng. Khi đó, thông thường các nhóm ngành mang tính chất chu kỳ sẽ hưởng lợi, tăng trưởng hơn, kể đến tài chính, công nghệ, công nghiệp, nguyên vật liệu.
Tuy nhiên trong 2025, thị trường hiện hữu nhiều yếu tố bất định, tạo rủi ro biến động. Do đó, bà Thảo cho rằng đầu tiên, nhà đầu tư cần hướng đến những ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt và ổn định xuyên suốt cả năm, đồng thời có sức chống chịu cao với rủi ro có thể xảy ra, kể đến như các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rủi ro tỷ giá. Đó là các nhóm ngành như ngân hàng, công nghệ.
Chủ đề thứ hai liên quan đến lĩnh vực đầu tư công. Chính phủ đang chi đáng kể cho đầu tư cơ sở hạ tầng, với 6-7% GDP Việt Nam – cao hơn hẳn so với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, nhóm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và liên quan (kể đến nguyên vật liệu, năng lượng, cảng biển, logistics…) sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Ngoài ra, xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn diễn ra mạnh. Các tập đoàn lớn trên thế giới, bao gồm lĩnh vực công nghệ, cũng đã tìm đến Việt Nam. Việt Nam sẽ dần đặt ra các cải cách về thể chế, cơ sở hạ tầng, cũng như tham gia các xu hướng lớn trên thế giới (như chuyển đổi số, AI, xanh hóa…). Do đó, các ngành công nghệ thông tin, viễn thông, năng lượng tái tạo cũng tiềm năng thu hút dòng tiền đầu tư.
Quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều lên sẽ hỗ trợ cho nhóm tiêu dùng, bán lẻ trong trung dài hạn. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng cũng đang chuyển dịch sang các kênh bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử. Những doanh nghiệp lĩnh vực logistics cũng sẽ hưởng lợi.
Tiếp theo, Chính phủ đang tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhu cầu vốn sẽ rất lớn cả từ khu vực công và tư nhân. Do đó, về dài hạn, nguồn vốn vẫn phụ thuộc vào kênh ngân hàng. Những năm qua, kênh ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, VCBF có phần quan ngại về chất lượng tăng trưởng, ví dụ như tốc độ tăng trưởng tín dụng đến từ cho vay để trả nợ.
Tín dụng tiêu dùng đã có tín hiệu khởi sắc. Do đó, ông Linh cho rằng ngành ngân hàng thời gian sẽ tăng trưởng cả về tài sản và chất lượng cho vay cũng cải thiện, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát.
Cuối cùng, ông Linh đồng thuận góc nhìn lạc quan về lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ, AI. Những doanh nghiệp dẫn đầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển về cả doanh thu và thị trường.