“Chúng ta đứng thứ 2 ở EU sau Ecuador tại thị trường Châu Âu. Đương nhiên, đã đứng thứ hai thì ai cũng muốn phấn đấu để đứng thứ nhất. Nhưng nói vậy thôi cũng rất khó. Muốn qua mặt được Ecuador khó lắm. Họ bán ở Châu Âu 3 con thì mình bán được 1 con”
Nội dung chính
Khó cạnh tranh nếu bán ở phân khúc tôm giá rẻ, vượt qua Ecuador là điều rất khó
Trên bản đồ ngành tôm thế giới hiện nay, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 3 sau Ecuador và Ấn Độ, tập trung vào phân khúc tôm chế biến sâu, cao cấp và đặt tham vọng sẽ dẫn đầu thị phần thế giới trong vài năm tới.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo Nhu cầu và xu hướng thị trường thuỷ sản hậu COVID-19 mới đây, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho rằng đây là mục tiêu này rất khó bởi Ecuador có rất nhiều lợi thế từ vị trí địa lý gần thị trường trọng điểm, đến kỹ thuật nuôi, con giống tốt giúp tỷ lệ tôm chết thấp và sản lượng cao, giá bán rẻ.
Hiện cả Việt Nam và Thái Lan đang theo đuổi phân khúc này, các nước còn lại hầu hết tập trung vào phân khúc tôm nguyên liệu hoặc sơ chế giá rẻ.
Bên cạnh đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng sản lượng tôm Việt Nam cao hơn so với trung bình thế giới nhưng Ecuador có tốc độ nhanh hơn nhiều.
Theo đó, sản lượng tôm toàn cầu khoảng 5 triệu tấn và tốc độ tăng trưởng 5%/năm. Sàn lượng của Việt Nam năm 2021 đạt 930 nghìn tấn và đặt mục tiêu đạt 1 triệu tấn trong năm 2022, tương đương khoảng 1/5 tổng sản lượng thế giới. Tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Ecuador lên tới 20% năm nhờ phương pháp nuôi thâm canh 3 vụ/năm. Năm 2021, sản lượng của nước này chính thức vượt 1 triệu tấn.
Chia sẻ trên trang UnderCurrentnews mới đây, ông Robins McIntosh, Phó Chủ tịch của Tập đoàn Charoen Pokphand Foods (C.P. Foods) cho rằng sản lượng tôm của Ecuador có thể tăng lên tới 2,5 triệu tấn đến năm 2027. Con số này cao gấp gần 2,5 lần so với sản lượng hiện tại và gần bằng lượng tôm mà thế giới nhập khẩu mỗi năm.
Nhu cầu nhập khẩu của các nước khoảng 2,8 triệu tấn, dẫn đầu là Mỹ (1 triệu tấn) và Trung Quốc (900 nghìn tấn).
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang duy trì tốt thị phần ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Australia, Việt Nam dẫn đầu thị trường trong khi tại Châu Âu đứng thứ 2 (sau Ecuador) và đứng thứ 4 tại Mỹ ( sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia).
“Chúng ta đứng thứ 2 ở EU sau Ecuador tại thị trường Châu Âu. Đương nhiên, đã đứng thứ hai thì ai cũng muốn phấn đấu để đứng thứ nhất. Nhưng nói vậy thôi cũng rất khó. Muốn qua mặt được Ecuador khó lắm. Họ bán ở Châu Âu 3 con thì mình bán được 1 con”, ông Lực nói.
Chi phí logistics cao khiến việc cạnh tranh không công bằng
Đó là câu chuyện ở Châu Âu, còn tại thị trường Mỹ, cước vận chuyển quá cao khiến việc cạnh tranh không còn công bằng.
Theo ông Lực, chi phí vận chuyển 1 container (loại 40 feet) tôm từ Việt Nam sang Mỹ tăng từ 4.000 USD lên 20.000. Còn tại Ecuador, chi phí này chỉ 4.000 USD.
3 quốc gia dẫn đầu tại thị trường này là Ấn Độ, Ecuador, Indonesia đang chiếm thị phần rất lớn, lên tới 80%. Còn Việt Nam vẫn đang cố gắng duy trì miếng bánh của mình khoảng 8%.
Tuy nhiên, việc duy trì này sẽ giữ được bao lâu là một câu hỏi lớn trong bối cảnh chi phí xuất khẩu sang Mỹ quá cao và doanh nghiệp lớn tính đến chuyện rời bỏ thị trường này.
Mặc dù Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất của CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú nhưng tại ĐHĐCĐ hồi tháng 6, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc công ty cho biết sẽ dần giảm tỷ trọng vì chi phí bán hàng quá cao, đặc biệt là cước vận chuyển. Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn cầu cảng tại Mỹ càng kéo dài thời gian xử lý đơn hàng.
“Thuế giảm có mấy phần trăm nhưng chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng tới nhiều lần. Khi kinh doanh, chúng ta cần làm vì lợi nhuận; do đó việc bán hàng sang Mỹ lợi nhuận không cao, pháp lý phức tạp thì có nên bán hàng vào đó hay không? Tôi cứ hỏi hoài tại sao Ấn Độ và Ecuador bán tôm rất rẻ, bán lỗ thế mà vẫn đâm đầu vào Mỹ. Bán hàng sang Mỹ lúc đầu thấy lời đấy, thế nhưng tính toán chi phí vào cũng hết lời luôn, thậm chí còn lỗ. Thế nên, Minh Phú cần thay đổi chiến lược”, ông Quang chia sẻ.
Còn tại Trung Quốc, thị trường này chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu giá rẻ từ các thị trường như Ecuador, Ân Độ về chế biến.
“Tôm chế biến của Việt Nam khó bán qua Trung Quốc bởi họ nhập tôm nguyên liệu từ Ecuador, Ấn Độ về chế biến lại. Do đó, tại Trung Quốc, Việt Nam chỉ duy trì thị phần thôi, chủ yếu là tôm sú luộc đỏ”, ông Lực nói.