Bão giá vàng vừa càn quét qua thị trường tài chính trong nước. Dù không phải cơn bão như từ thiên nhiên ập đến để lại những hậu quả nặng nề, nhưng “cơn bão” này cũng khiến nhiều người phải trả giá đắt cho những bài học cũ.
Giá vàng vừa trải qua tuần biến động mạnh đáng nhớ. Đầu tuần giá mới chỉ ở mức 35 triệu đồng/lượng, nhưng nhanh chóng bật lên vùng 37, 38 và rồi nhảy vọt lên 40 triệu đồng/lượng vào giữa tuần ngày 6/7, sau đó lại quay đầu lao dốc về quanh 37 triệu đồng/lượng vào cuối tuần.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới từ mức chưa đến 300 nghìn đồng/lượng bỗng chốc cũng nhảy vọt lên hơn 3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào của các doanh nghiệp và ngân hàng không phải vài chục nghìn đồng như mọi khi mà lên tới hơn 1 triệu đồng mỗi lượng.
Hòa theo “vũ điệu” của vàng, không khí mua bán trên thị trường cũng khá náo nhiệt. Trong phiên giá tăng vọt từ 37 lên 40 triệu đồng/lượng ngày 6/7 ghi nhận doanh số của các nhà vàng đều tăng mạnh, có nơi tăng gấp 4 lần thông thường, tỷ lệ người đến mua chiếm áp đảo người đến bán. Đặc biệt ở Hà Nội dù trời mưa tầm tã cũng không ngăn nổi một số người vác tiền đến mua vàng bằng được.
Đến khi giá giảm vào phiên 7 và 8/7, người người lại kéo nhau đi bán vàng. Các doanh nghiệp vàng lớn (Doji, Bảo Tín Minh Châu, SJC) đều ghi nhận lượng khách đến bán chiếm áp đảo cùng doanh số mua vào, có đơn vị (công ty Phú Quý) do nhiều người đến bán vàng nên phải viết giấy hẹn trả tiền sau vì công ty không đủ tiền mặt.
Các chuyên gia thì lưu ý, việc kinh doanh là của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trên thế giới cũng vậy, mỗi khi dự báo trước được biến động có thể xảy ra, dù nhỏ, nhà đầu tư sẽ đẩy giá lên, sau khi thỏa mãn ở mức giá nào đó sẽ bán ra chốt lời. Ngược lại, họ cũng có thể hành động tương tự với giá xuống để mua vào.
Còn người dân và nhà đầu tư không chuyên nếu không nắm bắt tốt các yếu tố của kinh tế trong nước và thế giới thì chớ đua theo giá vàng bởi điều này chẳng khác gì một trò chơi mạo hiểm, có thể dính “bẫy” bất cứ lúc nào. Giống như trong đợt “sóng” lần này, vì tranh mua khi giá lên và bán bằng được khi giá xuống nên nhiều người thua lỗ “chỏng vó”. Nếu chẳng may ai bắt đúng đỉnh giá 40 triệu đồng/lượng rồi bán lại thì đã nắm chắc khoản lỗ hơn 3 triệu đồng mỗi lượng, còn người tranh thủ lướt sóng cũng chẳng được lời lãi bao nhiêu vì các doanh nghiệp giãn khoảng cách giá mua và giá bán tới cả triệu đồng/lượng.
Cũng theo các chuyên gia, trong quá khứ vàng đã nhiều lần biến động “điên loạn”, nhưng tâm lý cố mua khi giá lên vì sợ giá sẽ lên hơn nữa và bán bằng được khi giá xuống vì sợ giá sẽ rớt sâu đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Nên dù có nhiều bài học cay đắng về thua lỗ, nợ nần lẫn cả phá sản của doanh nghiệp vàng những năm trước cũng chưa đủ khiến một bộ phận nhà đầu tư và người dân cảm thấy sợ hãi. Chừng nào vàng còn là một tài sản an toàn trước những sóng gió của nền kinh tế, còn là tài sản có thể sinh lời dù rủi ro, còn có thể dùng như một phương tiện thanh toán… thì người ta vẫn còn yêu thích vàng. Chỉ có điều, người dân hãy bình tĩnh trước mọi quyết định mua, bán, chớ chạy theo “đội lái” kẻo chuốc hại không đáng có.