Trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2022, tăng trưởng GDP vượt mục tiêu, vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp quý IV tăng chậm, quy mô tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn như thời điểm chưa COVID-19.
Nội dung chính
Kinh tế năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 12 năm
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo kinh tế xã hội quý IV và năm 2022. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý IV ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.
Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%). Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%; ngành thủy sản tăng 4,43%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%. Ngành khai khoáng tăng 5,19%. Ngành xây dựng tăng 8,17%.
Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021).
Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).
CPI năm 2022 tăng 3,15%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Theo cơ quan thống kê, CPI bình quân năm 2022 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu như giá xăng dầu trong nước tăng 28,01% so với năm trước; giá gạo tăng 1,22% so với năm 2021; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,62% so với năm 2021; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục tăng 1,44% so với năm 2021. Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2022. Cụ thể giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước; giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước; giá bưu chính viễn thông giảm 0,37%.
Sản xuất công nghiệp quý IV tăng chậm nhất trong năm
Sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm trước (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 9,51%; quý III tăng 11,06%; quý IV tăng 3,6%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%; ngành khai khoáng tăng 5,19%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV/2022 tăng 3%, là mức tăng thấp nhất so với các quý của năm 2022 do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.
Chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 7,8% so với năm trước; tăng ở 61 địa phương và giảm ở hai địa phương trên cả nước (Hà Tĩnh giảm 16,5%; Trà Vinh giảm 24,1%).
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2022 tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,1% so với năm 2021 (năm trước tăng 4,8%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2022 tăng 10,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 21,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2022 là 78,1% (năm 2021 là 79,2%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm trước.
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 20%
Trong tháng 12, cả nước có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9,8% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2021; 3.776 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 5,7% và tăng 25,4%; 5.847 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14,8% và giảm 35,4%; 1.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% và giảm 6,2%.
Tính chung năm 2022, cả nước có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước; bình quân một tháng có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143.200 doanh nghiệp, tăng 19,5%; bình quân một tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chưa phục hồi về mức trước COVID
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2022 ước đạt 1.514,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với quý trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.
Vận tải hành khách quý IV/2022 ước đạt 874,8 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 41 tỷ lượt khách.km, gấp 3 lần.
Tính chung năm 2022, vận tải hành khách ước đạt 3.664,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 52,8% so với năm trước (năm 2021 giảm 32,7%) và luân chuyển đạt 171,8 tỷ lượt khách.km, tăng 78,3% (năm 2021 giảm 40,9%). Vận tải hàng hóa quý IV/2022 ước đạt 537,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 121,5 tỷ tấn.km, tăng 23,8%.
Tính chung năm 2022, vận tải hàng hóa ước đạt 2.009,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 23,7% so với năm trước (năm 2021 giảm 8,4%) và luân chuyển 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% (năm 2021 tăng 0,5%).
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12 đạt 707.100 lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và gấp 41,2 lần so với năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,66 triệu lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.089,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước.
Tính đến ngày 20/12/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 776 triệu USD). Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 534 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 367 triệu USD) so với năm trước.
Ngân sách bội thu 222.500 tỷ đồng
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 125,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 203,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tỷ trọng bằng năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD).