Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện VIII, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước.
Thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Xác định các giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện lực theo Quy hoạch điện VIII trong thời kỳ quy hoạch; cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.
Định hướng cho các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Nội dung chính
Các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030
Về danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030, trong đó, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW; tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW; tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW; tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW.
Công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030: Tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW; tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW.
Dự kiến phát triển 300 MW các nguồn điện linh hoạt. Ưu tiên phát triển tại các khu vực có khả năng thiếu hụt công suất dự phòng; tận dụng hạ tầng lưới điện sẵn có.
Dự kiến nhập khẩu điện khoảng 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện xuất khẩu của Lào. Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương nhập khẩu và phương án lưới điện đấu nối đồng bộ đối với từng dự án cụ thể.
Nguồn điện năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới như sau:
Những vị trí có tiềm năng xuất khẩu điện ra nước ngoài là khu vực miền Trung và miền Nam. Quy mô xuất khẩu từ 5.000 MW đến 10.000 MW khi có các dự án khả thi. Bộ Công Thương báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương xuất khẩu điện và phương án lưới điện đấu nối đồng bộ đối với từng trường hợp cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật.
Sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất các loại năng lượng mới (như hydro xanh, amoniac xanh) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu: Ưu tiên phát triển tại các khu vực có tiềm năng năng lượng tái tạo tốt, cơ sở hạ tầng lưới điện thuận lợi; quy mô phát triển phấn đấu đạt 5.000 MW (chủ yếu là nguồn điện gió ngoài khơi). Bộ Công Thương báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định với từng dự án cụ thể khi đã cơ bản đánh giá được tính khả thi về công nghệ và giá thành. Công suất nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới không tính vào cơ cấu nguồn điện cung cấp cho phụ tải hệ thống điện quốc gia.
Các dự án lưới điện truyền tải và liên kết lưới điện khu vực
Kế hoạch cũng nêu cụ thể danh mục các dự án lưới điện truyền tải quan trọng, ưu tiên đầu tư, lưới điện liên kết với các nước láng giềng.
Khối lượng “lưới điện dự phòng phát sinh các đường dây và trạm biến áp” được phép sử dụng để:
(i) Triển khai các dự án lưới điện truyền tải xây dựng mới hoặc các công trình đầu tư bổ sung mới để nâng cao năng lực lưới điện truyền tải, khả năng điều khiển và vận hành hệ thống điện trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII nhưng chưa có danh mục cụ thể tại Quyết định số 500/QĐ-TTg.
(ii) Đấu nối đồng bộ các dự án nguồn điện nhập khẩu (từ Lào, Trung Quốc…) vào hệ thống điện Việt Nam.
(iii) Đấu nối đồng bộ (cấp điện áp 220 kV trở lên) các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác…) trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII với hệ thống điện quốc gia.
Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thống nhất khi triển khai các dự án cụ thể.
Phát triển điện nông thôn, miền núi và hải đảo
Về Chương trình phát triển điện nông thôn, miền núi và hải đảo, cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 911.400 hộ dân (trong đó, khoảng 160.000 hộ dân chưa có điện, 751.400 hộ dân cần cải tạo) của 14.676 thôn bản trên địa bàn 3.099 xã, trong đó, số xã khu vực biên giới và đặc biệt khó khăn là 1.075 xã (43 tỉnh) thuộc các tỉnh, thành phố Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau; khu vực còn lại là 2.024 xã.
Cấp điện 2.478 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ (13 tỉnh) khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuộc các tỉnh, thành phố Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau, kết hợp cấp điện cho nhân dân.
Cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Đảo Thổ Châu, An Sơn – Nam Du tỉnh Kiên Giang; Huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng
Về kế hoạch phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng trong giai đoạn tới năm 2030 như sau:
Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo tại Bắc Bộ có vị trí tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình,… Trong tương lai có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận.
Quy mô của Trung tâm này điện gió ngoài khơi khoảng 2.000 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 500 MW.
Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ – Nam Bộ có vị trí tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh,… Trong tương lai có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận.
Trung tâm này có quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000-2.500 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 1.500-2.000 MW.
Thủ tướng: Chậm nhất 30/6 phải đóng điện đường dây 500kV mạch 3
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu 9 tỉnh có dự án đi qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự họp tại đầu cầu tỉnh Khánh Hòa.
Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình; lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519 km, tổng mức đầu tư khoảng 22.356 tỷ đồng.
Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư; có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc.
Dự án gồm 4 dự án thành phần: Quảng Trạch – Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu – Thanh Hóa; Thanh Hóa – Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 và Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 – Phố Nối. Các dự án này đều khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024.
Tại cuộc họp, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan báo cáo tình hình triển khai các dự án đường dây 500kV mạch 3; phản ánh các khó khăn, vướng mắc; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để các dự án được triển khai thuận lợi hơn.
Hiện nay, toàn bộ 4 dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện ký kết hợp đồng cho 225/226 gói thầu. Cả 4 dự án đã thực hiện bàn giao mặt bằng tại 1.177/1.177 vị trí móng cột và 231/503 khoảng néo, đạt khoảng 46%.
Các nhà thầu đang triển khai thi công móng đồng loạt trên toàn tuyến tại 100% vị trí; hoàn thành đúc móng được 430/1.177 vị trí; bàn giao 182/1.177 cột thép; hoàn thành lắp dựng 43/1.177 vị trí cột; đang lắp dựng 59/1.177 vị trí cột.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị EVN, EVNNPT xây dựng phương án huy động, sử dụng hiệu quả trang thiết bị đóng cọc móng, bảo đảm số lượng, chất lượng cấu kiện thép đúc lớn cho cột đường dây 500kV; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thành khung giá bồi thường giải phóng mặt bằng; bố trí quỹ đất tái định cư; khẩn trương phê duyệt các phương án mở đường tạm phục vụ thi công các vị trí cột.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền các địa phương có dự án đường dây 500kV đi qua đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan thúc đẩy triển khai dự án; phối hợp xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; đặc biệt cảm ơn người dân nơi có dự án đi qua đã nhường đất, nhường chỗ ở, nơi làm ăn, sinh kế cho dự án…
Thủ tướng biểu dương EVN, trực tiếp là EVNNPT đã phát huy truyền thống Anh hùng, triển khai, thúc đẩy dự án; các nhà thầu đã tập trung cao độ, huy động nhân lực, thiết bị, máy móc, thi công các dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên Tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thi công đồng bộ trên tất cả các vị trí, công đoạn, công việc thuộc phạm vi dự án; được thể hiện qua khí thế lao động sôi nổi trên toàn tuyến.
Hơn lúc nào hết, tinh thần đó phải được phát huy hơn nữa để bù đắp những thiếu hụt, chậm trễ thời gian qua, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng ghi nhận Bộ Công Thương thường xuyên giao ban, đôn đốc, kiểm tra; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường… phối hợp chặt chẽ giải quyết các công việc; Văn phòng Chính phủ đã giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng hợp, nắm bắt tình hình; Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc triển khai dự án.
Đánh giá các dự án có ý nghĩa quan trọng, tiến độ triển khai cơ bản đáp ứng yêu cầu, song khối lượng công việc còn rất lớn, để hoàn thành theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phải tập trung phối hợp triển khai đồng bộ các phần việc còn lại, tiếp tục phối hợp, rà soát các vấn đề liên quan; kịp thời xử lý các vướng mắc theo thẩm quyền; nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, bảo đảm kịp thời tiến độ, chất lượng và an toàn lao động, nhất là an toàn lao động tại các vị trí có địa hình khó khăn, phức tạp và vào thời điểm thời tiết không thuận lợi.
Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan, địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ với nhau và với nhân dân, doanh nghiệp vì mục tiêu chung, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, tránh phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình triển khai dự án, trên tinh thần “lắng nghe, chia sẻ, hành động”, “cùng làm, cùng thắng và cùng hưởng”.
Thủ tướng cũng khẳng định, tư tưởng phải thông, nhất trí cao về tầm quan trọng, vai trò, vị trí dự án, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm lớn hơn nữa, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, xác định trọng tâm, trọng điểm, “dây không đợi cột, cột không đợi móng, móng không đợi một người làm mà phải nhiều người làm”.
Các địa phương khẩn trương giải phóng mặt bằng, bàn giao hành lang tuyến để chủ đầu tư thực hiện công tác rải, kéo dây dẫn; khẩn trương di dời tái định cư và thực hiện các thủ tục tái định cư cho các hộ dân, bảo đảm an toàn hành lang tuyến.
EVN, trực tiếp là EVNNPT tiếp tục đôn đốc các nhà thầu xây dựng tập trung nhân lực, máy móc thi công sớm hoàn thành xây dựng móng cột và tổ chức thực hiện lắp dựng cột, rải căng dây theo đúng tiến độ cam kết; các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị khẩn trương hoàn thành công tác chế tạo và vận chuyển đến công trường để lắp dựng đồng bộ.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, EVN chia sẻ công việc phù hợp, hợp lý với các doanh nghiệp ở địa phương, phát huy tinh thần, nghệ thuật “chiến tranh nhân dân”, “chiến tranh du kích” trước đây vào công việc này nhưng phải làm với yêu cầu hiện đại, chuyên nghiệp, đúng yêu cầu kỹ thuật với tinh thần nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Chốt lại một số mốc thời gian quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu hoàn thành khung chính sách để đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án trước ngày 10/4/2024; hoàn thành đúc các vị trí móng trước ngày 30/4; hoàn thành dựng cột trước ngày 30/5; hoàn thành cơ bản các hạng mục dự án thuộc dự án vào ngày 20/6/2024 để đóng điện đường dây 500kV mạch 3, đưa vào khai thác chậm nhất vào ngày 30/6/2024.