“Rủi ro cao nhất và rõ ràng nhất từ việc áp trần giá lên dầu Nga là Nga có thể trả đũa bằng cách giảm xuất khẩu dầu”…
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Reuters. |
Giá dầu thế giới có thể tăng lên mức “thảm hoạ” 380 USD/thùng nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn tới việc Nga trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng khai thác dầu – một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đang vạch ra một cơ chế phức tạp để áp đặt trần giá lên dầu thô Nga, nhằm siết nguồn thu ngân sách phục vụ cho chiến tranh Nga-Ukraine của Moscow. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của JPMorgan Chase, với vị thế tài chính vững vàng của Chính phủ Nga hiện nay, nước này có thể hoàn toàn có thể cắt giảm sản lượng dầu thô về mức khoảng 5 triệu thùng/ngày mà không ra quá nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia. Đầu năm nay, trước khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine, nước này sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
“Rủi ro cao nhất và rõ ràng nhất từ việc áp trần giá lên dầu Nga là Nga có thể trả đũa bằng cách giảm xuất khẩu dầu”, hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của JPMorgan Chase. “Chính phủ Nga có thể đáp trả bằng cách cắt giảm sản lượng dầu để gây tổn thất cho phương Tây. Sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu đang đứng về phía Nga”.
Vấn đề trần giá đối với dầu Nga đã được đưa ra trong tuyên bố chung khi lãnh đạo nhóm G7 kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh ở Schlos Elmau, Đức trong tuần này. Các nước trong nhóm hiện đang vạch ra các biện pháp chi tiết để thực hiện kế hoạch.
Theo giới phân tích, mục tiêu của việc phương Tây áp trần giá lên dầu Nga là một mục tiêu kép: vừa siết nguồn thu của Moscow, vừa không gây ảnh hưởng nhiều đến giá dầu thế giới. Tuy nhiên, đây được xem là một việc nói dễ hơn làm.
Mỹ hiện đã cấm vận dầu Nga, châu Âu đã cắt giảm nhập khẩu dầu Nga. Tuy nhiên, Nga lại bán được nhiều dầu hơn cho châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu dầu Nga tăng thêm 1,7 tỷ USD trong tháng 5, đạt khoảng 20 tỷ USD – theo IEA. Con số này cao hơn nhiều so với mức bình quân 15 tỷ USD mỗi tháng mà Nga thu được trong năm 2021 nhờ xuất khẩu dầu.
Trong một động thái leo thang cuộc chiến tranh kinh tế với phương Tây và đồng minh, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký một sắc lệnh giành quyền kiểm soát toàn bộ dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga. Động thái này có thể loại bỏ hãng Shell và các nhà đầu tư Nhật Bản khỏi dự án.
Theo hãng tin Reuters, sắc lệnh ký hôm thứ Năm thành lập một công ty mới để tiếp quản toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của Sakhalin Energy Investment Co., công ty trong đó Shell và hai công ty giao dịch của Nhật Bản là Mitsui và Mitsubishi nắm cổ phần gần 50%.