Dựa trên kết quả kinh doanh quý III tích cực và triển vọng dài hạn từ dự án Dung Quất 2, AGR đưa ra khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu Hòa Phát (HPG) với giá mục tiêu 32.000 đồng/cp.
Với kết quả kinh doanh quý III tích cực và triển vọng dài hạn từ dự án Dung Quất 2 dự kiến cho ra sản phẩm vào quý I/2025, Chứng khoán Agriseco (AGR) mới đây đưa ra khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu HPG với giá mục tiêu là 32.000 đồng/cp, tương ứng mức sinh lời kỳ vọng 20%.
HPG hiện đang giao dịch tại mức P/B là 1,59x thấp hơn so với mức P/B trung bình 3 năm gần nhất là 1,9x. Đóng cửa phiên giao dịch 28/10, cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoà Phát ( HoSE: HPG) tăng 1,13% lên mức 26.750 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG |
Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2024, doanh thu của Hòa Phát đạt hơn 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.022 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 51% so với cùng kỳ năm.
Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn ghi nhận gần 105.000 tỷ đồng doanh thu và 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23% và 140% so với cùng kỳ năm. Với kết quả này, Hòa Phát hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 92% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Theo AGR, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát sẽ tiếp tục được cải thiện trong quý IV/2024 khi: (i) thị trường xây dựng sôi động trở lại sau mùa mưa, (ii) các luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thẩm thấu vào nền kinh tế giúp thị trường đẩy mạnh nguồn cung trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc tăng tốc triển khai các dự án đầu tư công những tháng cuối năm theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng thép xây dựng.
Biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Với việc giá quặng sắt thế giới đã tăng khoảng 15% sau khi Trung Quốc tung ra một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Hòa Phát cũng đã điều chỉnh tăng giá thép đầu ra từ đầu tháng 10 theo diễn biến giá nguyên vật liệu. Do đó, biên lợi nhuận của tập đoàn này có thể được cải thiện trong quý IV nhờ lượng tồn kho nguyên vật liệu giá rẻ từ quý trước.
VCBS phân tích chỉ tiêu tài chính HPG |
Đồng quan điểm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu HPG, giá mục tiêu 32.000 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:
(1) Ngành thép hồi phục theo sự hồi phục của thị trường bất động sản nội địa.
Thị trường bất động sản trong nước sau nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn đóng băng trước đó. Ngoài ra, HPG với vị thế là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam tiếp tục gia tăng thị phần lên 38%. VCBS dự báo kết quả kinh doanh cả năm 2024 HPG sẽ có mức tăng trưởng trở lại theo sự hồi phục của sản lượng tiêu thụ, cụ thể doanh thu ước đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 12.350 tỷ đồng, tăng 81%.
(2) Triển vọng giá thép thế giới tạo đáy và bắt đầu chu kỳ đi lên.
Triển vọng lãi suất hạ trên toàn thế giới giúp kích thích thị trường nhà ở tại các quốc gia đối tác chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu, ASEAN. Điều này tiếp tục là bàn đạp cho thị trường xuất khẩu thép thuận lợi và duy trì được mức sản lượng tốt trong các quý tiếp theo. Ngoài ra, yếu tố thay đổi lớn tới nhu cầu thép toàn thế giới tới từ Trung Quốc sau biện pháp kích thích lớn nhất từ đại dịch. VCBS cho rằng, nhu cầu cho ngành thép Trung Quốc đã tạo đáy và có nhiều động lực phục hồi và kích thích giá thép tăng trong năm tới.
(3) Động lực từ đại dự án Dung Quất 2.
Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành sớm hơn tiến độ đề ra với việc có sản phẩm HRC chạy thử đầu tiên vào quý IV/2024 và đưa vào hoạt động nhà máy giai đoạn 1 kể từ quý I/2025. Sau khi dự án hoàn thành và hoạt động hết công suất sau 2-3 năm, quy mô doanh thu của tập đoàn có thể duy trì ở mức 175.000-200.000 tỷ đồng/năm với lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng. VCBS cho rằng thời điểm HPG đưa nhà máy Dung Quất 2 vào hoạt động cũng khá trùng khớp với thời điểm quyết định áp thuế CBPG với thép HRC Trung Quốc. Nhóm phân tích cho rằng khả năng tiêu thụ HRC của HPG phụ thuộc khá lớn vào chính sách bảo hộ thép HRC của chính phủ, vì vậy việc được thông qua có thể là thông tin tích cực cho nội tại cơ bản của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các thông tin về tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD cũng đang trở thành một động lực tích cực khác cho Hòa Phát.
Hòa Phát bày tỏ mong muốn tham gia đấu thầu các hạng mục trong dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam |
Tại hội nghị với các doanh nghiệp lớn do Chính phủ tổ chức, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, khẳng định Tập đoàn sẵn sàng tham gia đấu thầu và có đủ năng lực cung cấp thép cho dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam.
Ngoài việc sản xuất thép đường ray, ông Long khẳng định Hòa Phát sẵn sàng tham gia vào nhiều hạng mục khác của dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, không chỉ giới hạn ở thép làm đường ray.
Theo Chứng khoán Yuanta, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các ngành liên quan. Đáng chú ý nhất là nhóm sắt thép với tổng giá trị các hạng mục liên quan lên đến 51,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 chiếm 21,5 tỷ USD.
Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng thép trong nước, giúp Hòa Phát hưởng lợi nhờ lợi thế thép HRC và mở rộng năng lực sản xuất với dự án Dung Quất 2.
Dung Quất 2 có thể vận hành sớm, giúp lãi ròng Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chạm ngưỡng 1 tỷ USD
Kết thúc quý 3 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG – sàn HoSE) ước tính doanh thu đạt khoảng 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3.022 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận của tập đoàn này có mức tăng trưởng ấn tượng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ của hầu hết các dòng sản phẩm thép đều phục hồi mạnh, giúp hiệu suất sản xuất trong quý 3/2024 đạt gần 100%, so với mức chỉ 70 – 80% của cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc giảm nhanh hơn so với giá bán thép, giúp hỗ trợ cho biên lợi nhuận. Ngoài ra, mảng nông nghiệp kinh doanh thuận lợi khi giá heo hơi tăng đáng kể, giúp mức lãi tăng hơn 80% so với cùn kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcombank, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong quý 4/2024 khi hoạt động xây dựng tăng tốc trở lại.
Đặc biệt, giá thép thế giới được Chứng khoán Vietcombank nhận định đã tạo đáy trong bối cảnh giá thép Trung Quốc phục hồi mạnh 21% chỉ trong vài tuần trở lại đây, đạt 3.420 Nhân dân tệ/tấn. Thị trường phản ứng tích cực sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố các biện pháp kích thích kinh tế lớn nhất kể từ hồi đại dịch COVID-19 với trọng tâm là “giải cứu” thị trường bất động sản.
Chứng khoán Vietcombank đánh giá, diễn biến hiện nay của ngành thép Trung Quốc khá giống với giai đoạn năm 2015-2016. Dữ liệu lịch sử cho thấy cần mất 6 – 12 tháng để các chính sách trên thẩm thấu vào nền kinh tế Trung Quốc. Do đó, giá thép thế giới đang có dư địa tăng trưởng lớn trong năm sau.
Trong khi đó, giá quặng sắt thế giới lại giảm mạnh từ mức nền 107 USD/tấn xuống 91 USD/tấn trong quý 3/2024. Giá than cốc cũng chạm đáy 3 năm, còn 186 USD/tấn. Qua đó hỗ trợ đáng kể cho biên lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát trong bối cảnh giá bán thép đầu ra không điều chỉnh nhiều và có khả năng tăng giá trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, Chứng khoán Vietcombank nhận định biên lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát có thể bứt phá ấn tượng nhờ việc tích trữ được tồn kho giá thấp trong các quý trước.
Triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát còn được củng cố bởi việc đưa vào hoạt động Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án này đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% tiến độ phân kỳ 2.
Chứng khoán Vietcombank dự báo Dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành sớm hơn tiến độ đề ra với việc có sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên trong quý 4/2024, đi vào vận hành thương mại ngay trong quý 1/2025. Phân kỳ 2 của dự án này dự kiến sẽ được chạy thử vào quý 3/2025 và hoạt động chính thức trong quý 4/2025.
Với tổng công suất lên đến 5,6 triệu tấn HRC, Dự án Dung Quất 2 sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Tập đoàn Hòa Phát trong năm 2025.
Sau khi dự án hoàn thành và hoạt động hết công suất sau 2-3 năm, quy mô doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát có thể duy trì ở mức 175.000 – 200.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế ước khoảng 20.000 – 25.000 tỷ đồng/năm, theo Chứng khoán Vietcombank.