Nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ bắt đầu giảm trong tháng 4. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng đây là hiệu cho thấy thị trường tôm đã bắt đầu chững lại sau khoảng thời gian bùng nổ những tháng đầu năm.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, nhập khẩu tôm nước này trong tháng 4 đạt 66.761 tấn, trị giá 651 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 11% về giá trị so với tháng 3. Tuy nhiên, con số này khá thuận lợi khi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Undercurrent News, giới chuyên giá cho rằng sự sụt giảm này là dấu hiệu cho thấy thị trường tôm đã bắt đầu chững lại sau khoảng thời gian bùng nổ những tháng đầu năm.
Ông Kevin Tang, Giám đốc điều hành của Union City, công ty thuỷ sản có trụ sở tại California, coi việc nhập khẩu tôm giảm là dấu hiệu của tình trạng dư cung trên thị trường.
Ông Travis Larkin, chủ sở hữu công ty nhập khẩu và chế biến Seafood Exchange có trụ sở tại Bắc Carolina cho biết thời gian qua rất nhiều lô hàng tôm được đưa vào Mỹ. Tôi cho rằng câu hỏi lớn nhất lúc này là làm sao hấp thụ được khối lượng hàng khổng lồ hiện nay. Nếu khối lượng tôm tiếp tục tăng lên thì lượng hàng đó sẽ được tiêu thụ thế nào? Và giá liệu còn duy trì được đà tăng hay không?”.
Theo ông Tang và Larkin, việc khối lượng tôm nhập khẩu của Mỹ giảm trong tháng 4 chính là phản ứng của thị trường khi tồn kho đang ở mức cao, trong khi các đơn hàng mới vẫn còn khá thấp.
Ngoài ra, các vấn đề gây ra bởi đại dịch như thiếu lao động, lạm phát gia tăng và căng thẳng Nga – Ukraine cũng tác động không nhỏ đến nhu cầu tôm.
Mặc dù đơn đặt hàng giảm nhưng đơn giá tôm nhập khẩu của Mỹ trong tháng 4 trung bình quanh mức 9,75 USD/kg, tăng 2,4% so với tháng 3.
Giá tôm nhập khẩu vào Mỹ duy trì đà tăng trong suốt 1 năm qua đã đẩy kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 4 tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều quốc gia thuộc top đầu xuất khẩu tôm sang Mỹ ghi nhận giảm sút trong tháng 4.
Điển hình như Ấn Độ khi xuất khẩu tôm của nước này trong tháng 4 giảm gần 16% so với tháng 3 xuống khoảng 20.000 tấn. Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 giảm 24% so với tháng trước đó.
Mặc dù vậy, nông dân Ấn Độ có thể chịu tác động nông nề bởi lạm phát. Chi phí đầu tư, đặc biệt thuốc, thức ăn tại các vùng nuôi tôm ngày một tăng cao. Bên cạnh đó, ngành tôm nước này cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với tôm của Indonesia và Ecuador bởi đây là 2 quốc gia có lợi thế thế về cước tàu do ở vị trí gần Mỹ hơn.
Mặc dù vậy, cả Indonesia và Ecuador cũng phải chứng kiến tình hình xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm.
Theo đó, trong tháng 4, Indonesia xuất khẩu hơn 17.000 tấn, trị giá 164 triệu USD, giảm 15,2% so với tháng 3.
Còn Ecuador xuất khẩu 15.300 tấn, trị giá 119,4 triệu USD, giảm khoảng 17% so với tháng 3.
Ông Tang cho biết việc duy trì mức giá bán cao tại Mỹ có thể là bài toán khoán đối với Ecuador trong thời gian tới do nước này đang phải tranh giành thị phần, tìm đầu ra cho tôm khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn. Trước đó, hàng trăm container tôm đông lạnh của Ecuador đã bị Trung Quốc từ chối thông quan do cơ quan chức năng phát hiện có virus COVID-19 trên bao bì sản phẩm.
Cả Ecuador và Ấn Độ đang trong thời điểm thu hoạch tôm. Điều này đồng nghĩa tôm ở kích cỡ lớn nhất, với số lượng lớn nhất sẽ chuẩn bị đổ bộ vào Mỹ trong vài tháng tới. Tuy nhiên, phải chờ cho đến tháng 9 nhu cầu nhập hàng ở Mỹ mới tăng trở lại bởi đó là thời điểm các công ty chuẩn bị tích trữ hàng phục vụ mùa lễ hội cuối năm.
Giá có thể giảm trong thời gian tới bởi một số nguồn tin cho biết tình trạng tồn đọng tàu container tại một số cảng lớn của Mỹ như Los Angeles hay Long Beach đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau đại dịch. Điều này có nghĩa hàng nhập khẩu từ nhiều tháng trước sẽ sớm được tung ra thị trường và giá có thế xuống sâu hơn, ông Tang nói.
“Lượng hàng lớn tiếp theo sẽ cập cảng khoảng tháng 6 và tháng 7”, ông Tang cho biết.