Ảnh: Reuters
Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất tính từ trước khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, nhà đầu tư băn khoăn về khả năng kinh tế suy thoái từ cuối năm nay sẽ khiến cho nhu cầu năng lượng tổn hại nghiêm trọng.
Theo CNBC, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai đóng cửa phiên giao dịch gần nhất trên thị trường London giảm 2,75% xuống còn 94,12USD/thùng, trong phiên đã có lúc giá dầu rớt xuống 93,20USD/thùng – thấp nhất tính từ ngày 21/2/2022.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao hợp đồng tương lai hạ 2,3% xuống còn 88,54USD/thùng, trước đó giá dầu chạm mức thấp nhất tính từ ngày 3/2/2022.
Việc giá dầu giảm mang đến khoảng thời gian dễ chịu tạm thời cho nhiều nước tiêu thụ nhiều xăng dầu trên thế giới như Mỹ cũng như các nước tại châu Âu. Cho đến nay, chính phủ các nước này vốn đã hối thúc các nhà sản xuất mở rộng quy mô nhằm bù lại cho nguồn cung hạn chế và đương đầu với lạm phát leo thang.
Vào đầu năm nay, giá dầu đã có lúc tăng lên hơn 120USD/thùng sau khi nhu cầu dầu hồi phục từ những ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19 kết hợp với gián đoạn nguồn cung từ các biện pháp trừng phạt với nhiều nước sản xuất dầu lớn như Nga vì để leo thang căng thẳng với Ukraine.
Phiên bán vào ngày thứ Năm diễn ra sau khi dự trữ tồn kho dầu tăng đột biến trong tuần trước. Dự trữ xăng, chỉ báo quan trọng của nhu cầu, cũng tăng đột biến khi mà nhu cầu chững lại dưới sức ép quá lớn của giá xăng 5USD/gallon, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố.
Triển vọng nhu cầu dầu hiện khá bi quan khi mà nỗi lo về khả năng kinh tế suy giảm tại Mỹ và châu Âu tăng lên, căng thẳng nợ nần tại nhóm các nền kinh tế phát triển tăng cao, biện pháp hạn chế đi lại ngặt nghèo ngăn COVID-19 tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
“Việc giá dầu xuống dưới ngưỡng 90USD/thùng và duy trì ở khoảng giá này là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra bởi xét đến điều kiện ngặt nghèo của thị trường và không có nhiều khả năng giải quyết vấn đề đó”, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại quỹ Oanda tại London – ông Craig Erlam khẳng định.
Tuy nhiên, các cuộc đối thoại liên quan đến suy thoái kinh tế đang ngày một thu hút sự chú ý và nếu nó trở thành sự thật, nhiều yếu tố thiếu cân bằng trên thị trường năng lượng sẽ được giải quyết.
Hiện đang xuất hiện ngày một nhiều áp lực sau những nỗi lo rằng lãi suất tăng cao sẽ có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế và giảm bớt nhu cầu nhiên liệu. Vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất và cảnh báo về rủi ro suy thoái kinh tế.
Vào ngày thứ Tư, OPEC+ đã thống nhất về việc nâng sản lượng mục tiêu lên thêm chỉ 100.000 thùng dầu/ngày từ tháng 9/2022, tương đương với chỉ khoảng 0,1% nhu cầu toàn cầu. Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng đây là tín hiệu tiêu cực với thị trường.
Nhóm nước có nhiều quyền lực trong OPEC như Saudi Arabia hay UAE cũng sẵn sàng nâng mạnh sản lượng dầu nếu thế giới quá thiếu nhiên liệu trong mùa đông năm nay, theo nguồn tin từ vùng Vịnh.