Việc EC ban hành Quy định này diễn ra sau cuộc điều tra do 14 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu, cho thấy biện pháp tự vệ tiếp tục cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép của EU. Ngoài ra, nó cho thấy ngành công nghiệp EU đang điều chỉnh để đáp ứng mức nhập khẩu cao hơn.
Việc kéo dài và điều chỉnh Quy định được chứng minh qua sự kết hợp của các yếu tố gây áp lực nhập khẩu đáng kể trên thị trường EU.
Mức dư thừa thép toàn cầu cao và sự gia tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước thứ ba, đặc biệt là ở châu Á, dẫn đến xuất khẩu tăng từ các nước thứ ba đó sang EU. Báo cáo điều tra của EU nêu: “Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã đạt được tốc độ tăng trưởng công suất từ 35% đến 95%, trong khi nhu cầu thép giảm hoặc tăng nhẹ (…) và một số nền kinh tế khác ở Trung Đông, Nam Á và Bắc Phi cũng đang chứng kiến mức tăng trưởng mất cân đối, ví dụ như Iran, Pakistan và Algeria”.
Số lượng các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp hạn chế thương mại khác do các nước thứ ba khác áp đặt ngày càng tăng gây chuyển hướng đến xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp vào EU như Mục 232 của Hoa Kỳ đối với một số sản phẩm thép và biện pháp khác một số nước áp dụng. Chẳng hạn, tháng 8/2023, Mexico đã tăng thuế nhập khẩu từ 15% lên 25% đối với một số sản phẩm thép. Tháng 2/2024 Brazil tăng thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép. Tháng 4/2024, Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm thép sang Israel.
Nhu cầu thép ở EU hiện giảm đáng kể. Tháng 3/2024, Chủ tịch tại Ủy ban Thép của OECD dự báo năm 2024 và 2025 tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu sẽ tiếp tục rất chậm chạp. EUROFER chỉ ra sự bất ổn kinh tế đang diễn ra sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng thị trường thép trong các quý sắp tới năm 2024.
Các điều chỉnh kỹ thuật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Biện pháp này sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2026, tám năm sau khi được áp dụng lần đầu tiên, đây là thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tối đa được phép theo quy định của EU và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ủy ban Châu Âu vẫn có thể xem xét việc thực hiện biện pháp này trước ngày 30/6/2026 nếu thấy cần điều chỉnh thêm.
Việt Nam cũng là một trong số các nước xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của việc gia hạn quy định này.
Các doanh nghiệp/ hiệp hội có thể truy cập trang đường link vào trang Web của EU để xem cụ thể hạn ngạch của các nước và Việt Nam cho từng loại sản phẩm: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=OJ:L_202401782