Sau ngành điện, dầu khí được cho là sẽ nhận được những tác động tích cực từ Quy hoạch điện VIII, bởi định hướng phát triển điện khí sẽ đẩy mạnh tiến độ các dự án, đặc biệt là Lô B – Ô Môn.
Doanh nghiệp dầu khí “vui” theo Quy hoạch điện VIII
Ngày 15/5 vừa qua, ngành điện đón nhận tin vui sau nhiều thời gian dài chờ đợi: Thủ tướng Chính phủ chính thức ký Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Thị trường cũng kỳ vọng rằng, Quy hoạch điện VIII sẽ mở nút thắt cho nhiều chính sách liên quan, điển hình là việc cung cấp khung pháp lý vững chắc cho việc phát triển các dự án dầu khí quan trọng, bao gồm dự án Lô B.
Quy hoạch điện VIII nêu rõ sẽ ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện. Trong trường hợp sản lượng khí trong nước suy giảm thì nhập khẩu bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc LNG. Đồng thời phát triển các dự án sử dụng LNG và hạ tầng nhập khẩu LNG đồng bộ với quy mô phù hợp, sử dụng công nghệ hiện đại.
Với mục tiêu tăng công suất nhà máy điện khí gấp đôi lên 14.930 MW vào năm 2030 và sản xuất được 72,7 tỷ kWh, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu tập trung đẩy nhanh các dự án khai thác khí Lô B, Cá Voi Xanh và 6.900 MW các dự án hạ nguồn bám sát tiến độ các dự án thượng nguồn như nhà máy điện khí Ô Môn II, III và IV (tổng công suất 3.150 MW); Miền Trung I, II và Dung Quất I, II, III (tổng công suất 3.750 MW).
Bên cạnh định hướng quan trọng của quy hoạch điện VIII liên quan đến phát triển nguồn điện khí, Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) kỳ vọng, Luật Dầu khí sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/07/2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thăm dò và khai thác tại Việt Nam.
Trong quý IV/2022, Bộ Công thương cho biết, dự án Lô B sẽ nhận được quyết định đầu tư cuối cùng chậm nhất vào tháng 6/2023 và đón dòng khí đầu tiên chậm nhất vào quý IV/2026. Nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn I và IV sẽ tiêu thụ khí đầu tiên, sau đó là các dự án Ô Môn III và II.
VCSC giả định mỏ khí này sẽ đón dòng khí đầu tiên vào năm 2028 và giá khí từ Lô B dự kiến sẽ không cạnh tranh với giá LNG nhập khẩu. Mặt khác, các chuyên gia cho rằng việc phát triển dự án Lô B là rất quan trọng, do dự án này đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tạo việc làm cho các công ty dầu khí cũng như việc làm cho tỉnh Cà Mau.
“Việc khởi công dự án này sớm hơn dự kiến sẽ là tiềm năng tăng đối với GAS, PVS và PVD”, VCSC nhận định.
GAS là công ty hưởng lợi nhiều nhất từ dự án Lô B vì có 51% cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ USD. GAS sẽ có lợi thế nguồn khí tăng lên, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu điện – đạm. Trong khi đó, PVS sẽ là công ty hưởng lợi sớm nhất với các hợp đồng cơ khí dầu khí tiềm năng trị giá 500 triệu USD từ năm 2024.
Đối với PVD, doanh nghiệp ước tính sẽ có hơn 1.000 giếng cho dự án lớn này, cần ba giàn khoan của PVD từ đầu năm 2026. Bên cạnh các hợp đồng khoan tiềm năng, PVD dự kiến tham gia đấu thầu các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan, các dịch vụ liên quan đến khoan cho dự án Lô B và đang xem xét các phương án khả thi nhất để tham gia.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc PVD thông tin thêm, hiện tại dự án lô B – Ô Môn đang được đánh giá gói thầu EPC, nếu mọi thứ thuận lợi, giá vẫn trong dự đoán thì quyết định đầu tư cuối cùng sẽ được duyệt trong quý III này.
“PV Drilling đã sẵn sàng chuẩn bị tham gia với thị phần lớn nhất tại đây”, ông Cường khẳng định.
Đối với dự án khí Cá Voi Xanh, VCSC giả định mỏ khí này sẽ đóng dòng khí đầu tiên vào năm 2030. Do đó, các chuyên gia nhận thấy việc phê duyệt dự án này sẽ mang lại lợi ích cho PVS và PVD; trong khi đó, dự án này không có tác động đối với GAS.
Mới đây, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) – Nhà điều hành dự án khí Lô B cũng đã ký kết hợp đồng khung cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý dự án (PMSS) với các nhà cung cấp dịch vụ (Liên danh PSL Orion, CTCP Dịch vụ Logistics Dầu khí Việt Nam, Liên danh PV Chem – Amoria Bond, Xí nghiệp Dịch vụ Đầu tư Khoan Dầu khí – thuộc PVD).
Cổ phiếu dầu khí bùng nổ
Trên sàn chứng khoán, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt không những trở thành chất xúc tác cho nhóm cổ phiếu điện, mà còn tạo hiệu ứng lan toả tới các cổ phiếu dầu khí. Trong phiên giao dịch ngày 16/5, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giao dịch sôi động không kém nhóm điện, đà tăng chiếm ưu thế ở nhiều mã.
Đến phiên sáng ngày 19/5, đi ngược với xu hướng chung của thị trường, nhóm cổ phiếu dầu khí bùng nổ mạnh mẽ với sắc xanh gần như phủ sóng hầu hết các mã. Trong phiên sáng ngày 19/5, tăng mạnh nhất có thể kể đến PVC và PVS tăng 6,02%, PVD tăng 4,69%, GAS cũng tăng thêm 2,26%…
Nhìn chung, kể từ khi công bố quyết định về Quy hoạch điện VIII, PVS đã tích luỹ thêm hơn 9%, PVD bật tăng hơn 7,3%, PVC tăng hơn 8% và GAS thêm hơn 3,1%…
Cổ phiếu dầu khí trong phiên giao dịch sáng 19/5. |
Trong báo cáo mới đây về ngành dầu khí, Công ty Chứng khoán KIS đã đánh giá khả quan đối với triển vọng ngành dầu khí do ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái hơn so với các ngành khác. Đồng thời, kỳ vọng đến từ tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2023 – 2025 của các công ty thượng nguồn và triển vọng dài hạn vững chắc nhờ các dự án tiềm năng.
KIS kỳ vọng, giá dầu Brent sẽ đi ngang trong năm 2023 vì có sự cân bằng giữa cung và cầu, cùng với việc áp giá trần để kiềm chế giá dầu. G7 và EU đã thông qua mức giá trần 60 USD/thùng cho dầu thô của Nga và có thể điều chỉnh được. Áp trần giá đã được thiết lập để hạ nhiệt giá dầu toàn cầu trong khi vẫn giữ cho thị trường nguồn cung toàn cầu ổn định.