Ngày 15/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, Nghị định quy định rõ điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
Nghị định quy định thành lập cụm công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện:
- Có trong Danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;
- Có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý;
- Có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp không vượt quá 100 ha.
Mở rộng cụm công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện:
- Tổng diện tích cụm công nghiệp sau khi mở rộng không vượt quá 75 ha;
- Có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;
- Có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý;
- Có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
- Đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% hoặc nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm công nghiệp;
- Hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung thiết yếu (gồm: Đường giao thông nội bộ, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Nội dung chính
Bình Dương sẽ đầu tư thêm 10 khu công nghiệp
Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, trong giai đoạn 2023-2030, tỉnh sẽ đầu tư thêm 10 khu công nghiệp.
Ngày 15/3, trong Hội nghị tổng kết hoạt động các khu công nghiệp năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp FDI đến và gắn bó với tỉnh, giai đoạn 2023-2030, Bình Dương đầu tư 10 khu công nghiệp.
Theo đó, tổng số khu công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 33 khu công nghiệp, chiếm 7,9% trên tổng số khu công nghiệp cả nước (416 khu công nghiệp) với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Trong số đó, có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.962ha. Riêng khu công nghiệp Cây Trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) với diện tích 700 ha, đang triển khai các bước tiếp theo để đưa khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Khu công nghiệp Cây Trường có tổng vốn đầu tư hơn 5.459 tỷ đồng
Khu công nghiệp này có tổng vốn đầu tư hơn 5.459 tỷ đồng do Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã chứng khoán BCM ) làm chủ đầu tư. Hồi giữa năm 2022, Becamex IDC đã thông qua kế hoạch đầu tư dự án khu công nghiệp Cây Trường. Thời gian xây dựng dự kiến từ năm 2022 đến 2026 và cho thuê cơ sở hạ tầng giai đoạn 2022 – 2030.
Hiện tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp, tổng diện tích 12.600ha, tỷ lệ lấp đầy 91%. Tỉnh đang quy hoạch thêm 15 KCN với tổng diện tích 10.200 ha, sẽ đáp ứng được yêu cầu thu hút, bố trí các dự án đầu tư.
Tiềm năng thu hút FDI của Bình Dương
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, giữa lúc khó khăn, dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào địa phương này. Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương là địa phương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP.HCM.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến nay, Bình Dương có trên 4.100 dự án FDI từ 65 quốc gia vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ đô la Mỹ. Trước đó, quý I/2023, Bình Dương thu hút được hơn 437 triệu USD vốn đầu tư FDI, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong năm 2023, Tập đoàn LEGO đang xây dựng nhà máy hơn 1,3 tỉ USD tại KCN VSIP III, là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất tại Bình Dương. Lãnh đạo tỉnh này đang tạo mọi điều kiện để nhà máy LEGO hoạt động đúng tiến độ. Theo kế hoạch, LEGO sẽ tuyển dụng khối văn phòng và chuẩn bị cho quá trình điều hành nhà máy trong quý III và quý IV/2023 và việc tuyển dụng công nhân sẽ bắt đầu từ năm 2024.
Sau cú hích từ LEGO, nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm tìm hiểu và đầu tư các dự án vào Bình Dương ngày càng chất lượng hơn. Bao gồm Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) cũng đã quyết định đầu tư dự án 100 triệu USD vào Bình Dương. Hay gần đây nhất Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) quyết định đầu tư phát triển cụm công nghiệp trung hòa carbon (Net Zero) đầu tiên tại của Việt Nam trên diện tích 180 ha.
Song song với đó, Bình Dương hiện tập trung đẩy mạnh hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết vùng. Cụ thể, Bình Dương hiện dồn lực để triển khai các dự án trọng điểm như: Vành đai 3, Vành đai 4 (TP.HCM) đoạn qua Bình Dương; cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An, nút giao Sóng Thần… Cùng với 99 dự án giao thông lớn sẽ được rót vốn trong năm với tổng kinh phí lên tới 12.819 tỷ đồng, trong năm 2023, Bình Dương sẽ phân bổ vốn cho 103 dự án giao thông hạ tầng trên tổng số 311 dự án đầu tư công.
Sau khi các địa phương phía Nam như TP.Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An đã đầy ắp dự án công nghiệp, Bình Dương hiện đang đẩy nhanh quá trình mở rộng các khu công nghiệp liên phía Bắc như Bến Cát, Tân Uyên, Bàu Bàng… Hàng chục khu công nghiệp với quy mô lớn đang được phát triển để đón làn sóng đầu tư FDI đang đổ về.
Đến cuối 2025, dự kiến thành lập mới 2 khu công nghiệp, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000 ha tại huyện Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên; trong đó, khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí với diện tích khoảng 800 ha với mục tiêu thu hút các ngành cơ khí theo hướng công nghệ cao, tự động hóa ít thâm dụng lao động và khu công nghiệp Tân Lập I với diện tích 200 ha, chuyên ngành gỗ.
Đến cuối 2030, dự kiến triển khai thêm 8 khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo nhằm phát triển đồng bộ công nghiệp tại các vùng huyện của tỉnh với diện tích quy hoạch mới trên 6.000 ha dọc theo vành đai 4.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất quan tâm việc kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp qua các chương trình xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp.
Năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút trên 1,22 tỷ đôla Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, đạt 111% kế hoạch và 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đạt 548% kế hoạch.
Quý I năm 2024, đã thu hút được 177 triệu đôla Mỹ, tăng 385% so với cùng kỳ, đạt 14,75% kế hoạch năm 2024.
Tính đến nay, trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 3.112 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.433 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 29,5 tỷ đôla Mỹ và 679 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 94.000 tỷ đồng.
Hiện có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong tỉnh; trong đó, đứng thứ nhất là Hong Kong (Trung Quốc), thứ hai là Nhật Bản; thứ ba là Singapore, thứ tư là Hàn Quốc…
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 về quy hoạch và xây dựng, ban quản lý khu công nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương trong lập Quy hoạch chung cho ít nhất là 2 khu công nghiệp để tạo quỹ đất có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh sẳn sàng cho đầu tư thứ cấp triển khai dự án.
Đẩy nhanh quy hoạch một số khu công nghiệp mới theo hướng quy hoạch chi tiết phân khu chức năng tạo diện tích quỹ đất phù hợp (2.000 – 5.000 m2) để tiếp nhận các doanh nghiệp di dời từ các đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương vào khu công nghiệp.
Tham mưu quy hoạch khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái phù hợp quy hoạch của tỉnh.
Nghiên cứu chuyển đổi các khu công nghiệp phía Nam thành các khu công nghiệp chất lượng cao hoặc thành các khu đô thị- thương mại- dịch vụ phù hợp quy hoạch kinh tế, xã hội của địa phương.