Nội dung chính
A. Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam
Mở đầu bằng việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam vào ngày 28-11-1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, 2 năm sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh khi Nghị định số 48/CP của Chính phủ được ký vào ngày 11-7-1998.
Ngay trong ngày hôm đó, Chính phủ cũng ký quyết định thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán và sẽ đặt cơ sở tại TP.HCM và Hà Nội.
Chưa đầy 2 năm sau đó, ngày 28-7-2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (TTGDCK TP.HCM) đã chính thức đi vào hoạt động, thực hiện phiên giao dịch đầu tiên với 2 mã cổ phiếu REE và SAM.
Không lâu sau đó, Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội cũng chính thức ra mắt vào ngày 8/3/2005. Nếu như TTGDCK TP.HCM là nơi niêm yết giao dịch chứng khoán của những công ty lớn, thì TTGDCK Hà Nội là nơi tập trung niêm yết của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong hơn 20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua khá nhiều biến động, nhưng cũng đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn từ 2000-2005 đánh dấu khởi đầu của thị trường chứng khoán, hay còn được coi là giai đoạn chập chững tập đi. Trong suốt giai đoạn này, vốn hóa thị trường chỉ đạt mức trên dưới 1% GDP, gần như không có thay đổi gì nhiều.
Tuy nhiên qua giai đoạn bắt đầu từ năm 2006, khi Luật Chứng khoán được Quốc ban hành và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2007, đã dần cải thiện những bất cập, xung đột với các văn bản pháp lý khác, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng hội nhập hơn với các thị trường vốn quốc tế và khu vực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên an toàn minh bạch hơn, tăng khả năng quản lý giám sát cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Về quy mô thị trường, năm 2006 đánh dấu bước nhảy vọt mạnh mẽ khi đạt 22,7% GDP, con số thậm chí tiếp tục tăng mạnh tới mức trên 43% vào năm 2007.
Tất nhiên “có lên thì phải có xuống“, do ảnh hưởng của thị trường tài chính và nền kinh tế trong nước và thế giới, năm 2008 là một năm “thị trường buồn” với mức vốn hóa thị trường giảm mạnh, xuống còn 18% GDP.
Qua năm 2009, thị trường bắt đầu hồi phục nhẹ với vốn hóa thị trường đạt 37,71% GDP. Đi kèm với sự phục hồi này là sự gia tăng đáng kể của các công ty niêm yết trên thị trường.
Và tính đến thời điểm hiện tại, mức vốn hóa thị trường đã tăng thần tốc lên tới hơn 82% GDP, thể hiện sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang và sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, các nhà đầu tư hãy nắm bắt cơ hội để tham gia vào thị trường trước khi chuyển qua giai đoạn bão hòa.
Thị trường chứng khoán phái sinh
Nửa cuối năm 2017 đánh dấu thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam ra đời (10/8/2017), trở thành một kênh đầu tư sinh lời mới cho nhà đầu tư cá nhân. (Xem thêm).
B. Đầu tư chứng khoán cho người bắt đầu từ A-Z
Đầu tư chứng khoán là một cách tuyệt vời để gia tăng sự giàu có. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã từng nói: “Đầu tư là đặt tiền ngay bây giờ để nhận thêm tiền trong tương lai”. Nhưng làm thế nào để bạn thực sự bắt đầu? Làm theo các bước dưới đây để tìm hiểu cách đầu tư vào thị trường chứng khoán.
LÀM RÕ KHÁI NIỆM: “ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN – KHÔNG CHƠI CHỨNG KHOÁN”
Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất trong hơn 10 năm đầu tư là: cách chơi chứng khoán như thế nào?. Rất nhiều người đã mắc phải sai lầm khi có suy nghĩ CHƠI chứng khoán thay vì ĐẦU TƯ, chỉ với 1 chi tiết nhỏ như này thôi cũng tạo nên sự khác biệt rất lớn đến cách quản lý tài chính cá nhân cũng như kế hoạch đầu tư của bạn.
Sẽ có không ít người phản đối quan điểm của tôi, hãy để tôi giải thích cho bạn hiểu.
Vấn đề này liên quan đến tiềm thức của tư duy.
Khi bạn tham gia thị trường với tâm lý CHƠI tiềm thức sẽ gửi tín hiệu đến não bộ và đưa ra những quyết định để phục vụ nhu cầu CHƠI một cách đầy ngẫu hứng của bạn.
Trong đầu tư cổ phiếu, chứng khoán, 100% bạn sẽ thất bại khi không tuân thủ kỷ luật một cách khắt khe những quy tắc đã đề ra.
Trước khi đi vào hướng dẫn đầu tư chứng khoán chi tiết, tôi muốn nhắc bạn một điều:
“Hơn 80% nhà đầu tư cá nhân thua lỗ trên thị trường chứng khoán”
Do đó nếu không muốn bị mất tiền thì hãy chắc chắn rằng bạn xem thị trường chứng khoán như 1 kênh kiếm tiền nghiêm túc. Hãy gạt bỏ ngay suy nghĩ chơi chứng khoán, bởi nó giống như bạn đang đánh bạc vậy.
Hãy nhớ: Bạn là 1 nhà đầu tư, không phải dân cờ bạc
Luôn có những công thức thành công trong đầu tư chứng khoán. Việc bạn cần làm là học hỏi từng bước mà tôi sẽ hướng dẫn sau đây.
Khi đầu tư chứng khoán, bạn không chỉ nghĩ về lợi nhuận có thể kiếm được, mà quan trọng hơn, bạn cần phải đảm bảo không bị thua lỗ.
Vì thế, trước khi đi vào chi tiết từng bước, tôi khuyên bạn nên xem hướng dẫn 5 cách (đơn giản) để tránh bị mất tiền khi mới đầu tư (hình minh họa)
ĐỂ BẮT ĐẦU BẠN CẦN THỰC HIỆN 4 BƯỚC CƠ BẢN SAU ĐÂY
Nếu các bạn muốn đầu tư chứng khoán thì bước đầu tiên bạn phải có tài khoản chứng khoán, về cơ bản thì một tài khoản chứng khoán cũng giống như một tài khoản Ngân hàng.
Bạn có thể mở tài khoản ở bất cứ Công ty Chứng khoán nào trong số 70 Công ty Chứng khoán (CTCK) ở Việt Nam. Tài khoản chứng khoán giúp bạn thực hiện giao dịch (trading) mua bán cổ phiếu.
Sau khi đã mở tài khoản, bạn nộp tiền vào là có thể mua bất cứ mã cổ phiếu nào mà bạn muốn (trong số 1.350 mã cổ phiếu đang niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX).
Cổ phiếu bạn mua được thể hiện dưới hình thức dữ liệu điện tử (bạn không thể cầm nắm được như sổ cổ đông thông thường – được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ hay bút toán ghi sổ).
Số lượng cổ phiếu mà bạn có thể mua tương ứng với số tiền bạn đang có trong tài khoản. Ngoài ra, công ty chứng khoán nơi bạn mở tài khoản còn cho bạn vay gấp đôi hoặc gấp ba số tiền mà bạn đang có để mua cổ phiếu, đây gọi là dịch vụ đòn bẩy tài chính – margin, bạn có thể sử dụng dịch vụ này hoặc không (theo mình thì các bạn không nên sử dụng dịch vụ này, đặc biệt là đối với các bạn mới).
- Mở 1 tài khoản giao dịch chứng khoán
- Tìm hiểu các “luật chơi” cần biết trước khi bắt đầu mua/bán
- Tìm hiểu cách xem và phân tích bảng giá chứng khoán
- Tìm hiểu kiến thức cơ bản về cổ phiếu, bao gồm:
-
- Cổ phiếu là gì? Tại sao bạn nên sở hữu cổ phiếu?
- Cổ phiếu có phải là “cuộc chơi” chỉ dành cho những người nhiều tiền?
- Cách xác định thời điểm mua phù hợp
- Cách xác định khi nào nên bán
Tuy nhiên, để có thể thực sự kiếm tiền được từ chứng khoán, bạn cần phải thực hiện 3 bước quan trọng nữa (nâng cao hơn).
1. CÁCH MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN
Nếu bạn muốn mua bán cổ phiếu niêm yết thì bạn bắt buộc phải có 1 tài khoản giao dịch chứng khoán.
a. Đăng ký mở tài khoản chứng khoán ở đâu?
Bạn không cần phải đến trực tiếp công ty chứng khoán. Điều duy nhất bạn cần làm là điền thông tin vào bản đăng ký mở tài khoản chứng khoán ở các website công ty chứng khoán cung cấp.
Chú ý: Việc mở tài khoản hoàn toàn MIỄN PHÍ.
Hãy điền những thông tin cá nhân cần thiết như mẫu dưới đây:
Quan trọng:
Hãy cung cấp địa chỉ cố định lâu dài của bạn vì đây sẽ là địa chỉ mà các công ty gửi thư mời và tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên cho bạn.
Tiếp theo…
Đăng ký dịch vụ và cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của bạn.
Hiện tại tôi chỉ sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến. Tôi khuyên bạn cũng chỉ cần sử dụng dịch vụ này là đủ.
Bạn có thể đặt lệnh bất cứ lúc nào mà chỉ cần máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet.
Dịch vụ giao dịch qua điện thoại khá tốn thời gian vì bạn phải gọi điện trực tiếp cho bộ phận môi giới để đặt lệnh. Phí dịch vụ giao dịch qua điện thoại cũng cao hơn.
Ngoài ra trong nhiều trường hợp, người nhận lệnh còn đặt nhầm lệnh BÁN thành lệnh MUA (hoặc ngược lại). Việc giải quyết tranh chấp sau đó rất mất thời gian.
b. Mở tài khoản chứng khoán ở công ty nào?
Đầu tiên, bạn cần quan tâm đến mức phí giao dịch mà các công ty chứng khoán thu của bạn.
Phí giao dịch là phí mà công ty chứng khoán thu trên mỗi giao dịch mua hoặc bán thành công của bạn. Mức phí này phụ thuộc vào từng công ty chứng khoán và giao động trong khoảng 0.15 – 0.5%/giao dịch.
Trong ví dụ bên cạnh mức phí giao dịch đang là 0.3%.
Dưới đây là so sánh mức phí của các công ty chứng khoán:
Mức phí 0.15% thường được các công ty chứng khoán áp dụng cho những khách hàng VIP có giá trị giao dịch hàng tháng lớn. Thường là trên 500 triệu VNĐ.
Tiếp theo…
Chú ý đến tỷ lệ margin cho phép và lãi suất vay margin.
Đây là mức lãi suất trong trường hợp bạn muốn vay tiền của công ty chứng khoán để mua thêm cổ phiếu. Lãi suất margin được áp dụng theo ngày, nếu quy theo năm trong khoảng 13 – 13.5%/năm.
Tôi không khuyến khích bạn sử dụng margin khi đầu tư. Vì chỉ cần một sai sót trong giao dịch thôi cũng có thể “thổi bay” toàn bộ thành quả của bạn trong 1 năm.
Tin tôi đi… nếu bạn không muốn mất nhiều tiền “học phí”.
c. Đánh giá tổng thể thì 4 công ty chứng khoán sau là tốt nhất:
- VCBS (Chứng khoán Vietcombank)
- SSI (Chứng khoán SSI)
- MBS (Chứng khoán MB)
- VDSC (Chứng khoán Rồng Việt)
Bạn có thể mở tài khoản ở những công ty chứng khoán này.
d. Chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán
Để bắt đầu mua cổ phiếu, bạn cần nộp tiền vào tài khoản chứng khoán vừa được mở. Ngay sau khi mở tài khoản bạn sẽ được cung cấp số tài khoản (ví dụ: 009C123456) và hướng dẫn chuyển tiền.
Bạn có thể chuyển tiền từ bất kỳ ngân hàng nào với nội dung thông thường là:
“Nộp tiền vào tài khoản số ……… <số tài khoản> của ……… <tên chủ tài khoản>”
Lưu ý:
Tài khoản chuyển đến là tài khoản của công ty chứng khoán mở tại 1 ngân hàng nào đó. Thông tin này sẽ có trong hướng dẫn chuyển tiền.
e. Cần bao nhiêu tiền để bắt đầu đầu tư
Đừng quá lo lắng! Bạn không cần phải có vài trăm triệu thì mới có thể đầu tư.
Bạn có thể chuyển vào tài khoản chỉ với 200K – 500K hoặc 2 triệu là có thể bắt đầu mua/ bán được rồi.
2. NHỮNG “LUẬT CHƠI” CẦN BIẾT TRƯỚC KHI MUA BÁN CỔ PHIẾU
Bất kỳ một thị trường hay sàn giao dịch nào cũng đều có “luật chơi” hay những quy định riêng của nó. Và đương nhiên khi bạn tham gia vào thì bạn phải tuân thủ.
a. Ở Việt Nam hiện tại có 3 sàn giao dịch chứng khoán:
Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và sàn UPCOM, ở đây tôi sẽ gọi tắt là sàn.
Chú ý: về bản chất UPCOM không được coi là 1 sàn giao dịch (hay exchange). UPCOM viết tắt của Unlisted Public Company Market. Là nơi giao dịch cho những công ty đại chúng chưa niêm yết.
b. Sàn mở cửa trong thời gian nào?
Các sàn đều mở cửa vào các ngày làm việc trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6. Tất nhiên là trừ những ngày lễ, Tết.
Thời gian giao dịch trong ngày từ: 9:00 – 11:30 sáng, 13:00 – 14:45 chiều.
Phiên | Phương thức giao dịch | Giờ giao dịch |
Sáng | Khớp lệnh định kỳ | 9h00’ – 9h15’ |
Khớp lệnh liên tục | 9h15’ – 11h30’ | |
Nghỉ trưa | 11h30’ – 13h00’ | |
Chiều | Khớp lệnh liên tục | 13h00’ – 14h30’ |
Khớp lệnh định kỳ | 14h30’ – 14h45’ |
Ở bảng trên có nhắc đến khớp lệnh định kỳ và khớp lệnh liên tục. Hai phiên khớp lệnh này có nguyên tắc khớp lệnh khác nhau.
./ Phiên khớp lệnh định kỳ – Lệnh ATO và ATC
Phiên khớp lệnh định kỳ diễn ra vào 15 phút đầu tiên và 15 phút cuối cùng của 1 ngày giao dịch.
Mục đích của phiên khớp lệnh định kỳ là xác định mức giá mở cửa và mức giá đóng cửa của 1 ngày giao dịch.
Trong các phiên giao dịch này, mức giá mở/đóng cửa được xác định dựa trên mức giá mà tại đó khối lượng khớp lệnh là lớn nhất. Các lệnh ATO (At-the-open) và ATC (At-the-close) sẽ được sử dụng trong phiên khớp lệnh định kỳ. Đây là 2 loại lệnh chỉ có khối lượng mà không có mức giá cố định, và được ưu tiên khớp trước tất cả những loại lệnh khác.
Ví dụ:
Ở phiên khớp lệnh mở cửa ATO của ngày 18/8/2020, tôi có danh sách lệnh của 1 cổ phiếu HSM như sau (đơn vị giá: nghìn đồng):
Lưu ý:
Các lệnh mua/bán sẽ không được khớp ngay khi được nhập vào trong phiên khớp lệnh định kỳ mà phải chờ khi kết thúc 15 phút nhập lệnh.
Sau khi hết 15 phút nhập lệnh, hệ thống của sàn sẽ tổng kết lại bằng cách…
…tính tổng lũy kế khối lượng mua (theo mức giá giảm dần) và khối lượng bán (theo mức giá tăng dần).
Ta có bảng sau:
Kết quả?
Tại mức giá 20.1, khối lượng khớp lệnh là 13.000 cổ phiếu (CP), lớn nhất so với các mức giá khác. Do đó, mức giá mở cửa của phiên giao dịch ngày 18/8/2020 là 20.100đ/CP với khối lượng giao dịch 13.000 CP.
Nếu bạn đặt mua ở mức giá cao hơn hoặc bằng 20.1 (cụ thể: giá 20.1 – 20.3) hoặc mua bằng lệnh ATO thì bạn đều khớp mua lệnh ở mức giá 20.1. Bạn sẽ không mua được CP nào nếu bạn đặt mua ở mức giá từ 19.8 – 20.0.
Nếu bạn đặt bán ở mức giá thấp hơn hoặc bằng 20.1 (cụ thể: giá 19.8 – 20.1) hoặc bán bằng lệnh ATO thì bạn đều khớp bán ở mức giá 20.1. Bạn sẽ không bán được CP nào nếu bạn bán ở mức giá 20.2.
Ví dụ trên có rõ ràng với bạn không?
Cách xác định mức giá đóng cửa trong phiên khớp lệnh định kỳ ATC (at-the-close) cũng được thực hiện hoàn toàn tương tự.
Chú ý:
Có một thuật ngữ luôn được sử dụng đó là: Giá tham chiếu.
Giá tham chiếu chính là giá đóng cửa của phiên giao dịch liền trước đối với 2 sàn HOSE và HNX.
./ Phiên khớp lệnh liên tục
Đây là phiên giao dịch mà các lệnh mua/bán sẽ được khớp ngay lập tức sau khi nhập vào hệ thống. Loại lệnh được sử dụng nhiều nhất là lệnh LO (hay lệnh giới hạn, limited order).
Lệnh LO là lệnh yêu cầu mua hoặc bán tại 1 mức giá xác định (mức giá bạn đặt) hoặc TỐT HƠN.
Ví dụ:
Cổ phiếu VNV đang có dư bán tại mức giá 20.5 với khối lượng 3.000 cổ phiếu. Giả sử bạn đặt mua tại mức giá 20.5 hoặc cao hơn, chẳng hạn 20.6, với khối lượng mua 1.200 cổ phiếu.
Trong trường hợp bạn chấp nhận mua ở giá 20.6, mức giá bán 20.5 được hiểu là TỐT HƠN so với yêu cầu của bạn.
Khi đó, ngay lập tức lệnh mua – bán sẽ ngay lập tức được khớp. Bạn sẽ khớp được 1.200 cổ phiếu tại mức giá 20.5 (hoặc 20.6, nếu bạn đặt giá LO là 20.6). Dư bán còn lại tại mức giá 20.5 là 1.800 cổ phiếu.
c. Có những loại lệnh nào được sử dụng khi mua/bán?
Ngoài lệnh ATO, ATC và lệnh LO đã được tôi lấy ví dụ ở trên thì còn một số loại lệnh cũng được sử dụng trong phiên khớp lệnh liên tục…
…bao gồm: MP, MTL, MOK, MAK…
Tuy nhiên, bạn không cần phải biết và sử dụng hết tất cả các loại lệnh này.
Theo tôi, nếu bạn là nhà đầu tư mới, bạn chỉ cần hiểu và biết cách sử dụng 3 loại lệnh: ATO, ATC và LO là đủ.
3. CÁCH XEM VÀ PHÂN TÍCH BẢNG GIÁ CHỨNG KHOÁN
Bảng giá điện tử chứng khoán là nơi mà cảm xúc của bạn bị tác động nhiều nhất trong quá trình đầu tư.
Tại sao lại thế?
Chúng ta luôn bị chú ý và thu hút bởi những thay đổi về màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng. Bảng giá điện tử đem đến cho bạn sự “cám dỗ” đó với những con số nhấp nháy xanh đỏ liên tục.
Bạn bè tôi thường hay nói vui rằng:
Sáng đi làm từ 8h nhưng chỉ ngồi thấp thỏm chờ 9h sàn mở cửa để xem bảng giá. Chiều thì phải hết 2h45 khi sàn đóng cửa thì mới tắt bảng giá đi để làm việc. Tóm lại, một ngày làm việc 8 tiếng thì thực tế chỉ làm việc từ khoảng 3h – 5h30 chiều.
a. Bảng giá có những gì?
Giống như mọi giao dịch mua bán hàng hóa khác, bảng giá niêm yết giá và khối lượng của từng mã chứng khoán và các chỉ số.
Dưới đây là ví dụ bảng giá chứng khoán trực tuyến của VNDirect:
Bạn cần nhớ 1 số quy ước về màu sắc khi giao dịch ở thị trường Việt Nam, cụ thể:
- Màu vàng: màu của mức giá tham chiếu
- Màu tím: màu của mức giá trần
- Màu xanh lam: màu của mức giá sàn
- Màu xanh lá cây: áp dụng khi mức giá khớp lệnh đang CAO HƠN giá tham chiếu
- Màu đỏ: áp dụng khi mức giá khớp lệnh đang THẤP HƠN giá tham chiếu
Ví dụ #1:
CP AAA đang khớp lệnh ở mức giá 17.85 nhỏ hơn mức giá tham chiếu 18.25. Do đó, mã AAA, mức giá khớp lệnh, khối lượng khớp lệnh đều có màu đỏ.
Ví dụ #2:
CP AAM đang khớp lệnh ở mức giá 10.70 cao hơn mức giá tham chiếu 10.65. Do đó, mã AAM, mức giá khớp lệnh, khối lượng khớp lệnh có màu xanh lá cây.
b. Giá trần và giá sàn là gì?
Đây là mức giá tối đa (giá trần) và giá tối thiểu (giá sàn) cho phép được mua/bán trong phiên giao dịch ngày hôm đó.
Quy định về giá trần và giá sàn ở mỗi sàn là khác nhau.
Đối với sàn HOSE, giá trần và giá sàn được tính +- 7% so với giá tham chiếu. Hay +-7% là biên giao dịch tối đa cho phép ở sàn HOSE.
Còn với sàn HNX, con số này là +-10%.
Ví dụ:
CP AAA ở sàn HOSE có giá tham chiếu là 18.25.
Khi đó giá trần là: 18.25 x (1 + 7%) = 19.5275, làm tròn là 19.5. Giá sàn là: 18.25 x (1 – 7%) = 16.9725, làm tròn là 17.0.
c. Thông tin quan trọng khác?
Có 2 thông tin rất quan trọng khác trên bảng giá mà bạn cần để ý bao gồm…chỉ số thị trường và thông tin giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).
./ Chỉ số thị trường
Chỉ số thị trường giúp bạn có góc nhìn tổng quan về toàn bộ thị trường. Cả thị trường đang tăng hay giảm, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch như thế nào.
Các chỉ số thông dụng như ví dụ bảng giá ở trên bao gồm:
- VN-Index: đây là chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn HOSE
- VN30-Index: đây là chỉ số tập hợp 30 CP lớn nhất (thông thường được tính theo vốn hóa thị trường) giao dịch trên sàn HOSE
- VNXAllshare: đây là chỉ số tổng hợp tất cả CP giao dịch trên cả 2 sàn HOSE và HNX
- HNX-Index: đây là chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn HNX
- HNX30-Index: chỉ số tập hợp 30 CP lớn nhất (thông thường được tính theo vốn hóa thị trường) giao dịch trên sàn HNX
- UPCOM: đây là chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn UPCOM
./ Giao dịch của NĐTNN
Đây là thông tin rất quan trọng mà bạn cần quan sát trên bảng giá.
Ở một thị trường nhỏ như Việt Nam, dòng tiền từ NĐTNN ảnh hưởng rất lớn đến biến động giá cổ phiếu. Vì thế bạn nên chú ý đến hoạt động mua/bán của NĐTNN đối với cổ phiếu mà bạn đang quan sát hoặc nắm giữ.
Nếu bạn thấy cổ phiếu đó được NĐTNN mua vào với khối lượng lớn liên tục trong nhiều ngày, có vẻ đó là 1 dấu hiệu tích cực. Ngược lại, nếu NĐTNN liên tục bán, hãy cẩn thận và tìm hiểu kỹ xem điều gì đang xảy ra.
C. BỐN ĐIỀU CƠ BẢN VỀ CỔ PHIẾU MÀ BẠN CẦN PHẢI BIẾT
Sau 3 bước ở trên, bạn đã có 1 tài khoản giao dịch, bạn đã hiểu về “luật chơi”, bạn đã biết cách xem bảng giá, vậy bạn đã có thể bắt đầu mua/bán chưa?
CÓ, bạn có thể mua/bán cổ phiếu được rồi!
Nhưng nếu bạn bắt đầu ngay lúc này, tôi đảm bảo đến 99% bạn sẽ thua lỗ và bị mất tiền. Làm việc này cũng giống như bạn lao ra chiến trường với 2 tay không trong khi kẻ địch thì dùng súng máy, phải vậy không?
Bạn cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức tối thiểu, và dưới đây là 4 vấn đề bạn cần hiểu rõ:
a. Tại sao bạn nên sở hữu cổ phiếu?
Đầu tiên, bạn hiểu như thế nào về cổ phiếu?
Những nhà đầu tư mới thường dễ bị vướng vào 1 suy nghĩ sai lầm rằng: cổ phiếu đơn giản chỉ là 1 công cụ/hàng hóa để trao đổi và kiếm lời từ việc mua giá thấp và bán giá cao.
Thực tế là chỉ cần bạn sở hữu 1 cổ phiếu của công ty thôi bạn đã trở thành cổ đông và là chủ sở hữu của công ty đó. Hay nói cách khác, cổ phiếu là đại diện cho quyền sở hữu của công ty.
Ở góc độ đầu tư, cổ phiếu là 1 công cụ để bạn tạo ra những nguồn thu nhập thụ động bên cạnh những kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng hay trái phiếu. Hầu hết những người giàu có trên thế giới đều có phần lớn tài sản là cổ phiếu.
Có thể kể đến như Bill Gates với cổ phiếu Microsoft, Warren Buffett với cổ phiếu Berkshire Hathaway, Larry Page với cổ phiếu của Google, Jeff Bezos với cổ phiếu Amazon… Những người này thậm chí chỉ nhận mức lương tượng trưng 1$ – 1000$/năm từ những công ty của họ.
Điểm khác biệt ở đây là gì?
Họ không nắm giữ cổ phiếu với suy nghĩ sẽ kiếm lời từ chênh lệch giá. Mặt khác họ tập trung vào việc biến công ty đó thành 1 doanh nghiệp tuyệt vời. Từ đó giá trị tài sản của họ cũng tăng lên tương ứng với giá trị của công ty.
Còn bạn thì sao?
Có hai điều bạn cần phải nhớ, đó là…
- Thứ nhất, nếu bạn không làm chủ doanh nghiệp thì sở hữu cổ phiếu là việc thay thế (gần như bắt buộc) nếu bạn muốn trở nên giàu có và tự do tài chính.
- Thứ hai, để làm được điều đó bạn phải tìm cho mình những doanh nghiệp tuyệt vời để đầu tư vào. Bạn phải bỏ suy nghĩ rằng mua/bán cổ phiếu với hy vọng mua giá thấp và bán giá cao. Đây là cách nghĩ như hoạt động đầu cơ, thậm chí là đánh bạc và bạn sẽ rất dễ bị thua lỗ.
b. Đây có phải là cuộc chơi chỉ dành cho những kẻ nhiều tiền?
KHÔNG!
Thậm chí bạn lại có những lợi thế rất lớn khi là nhà đầu tư cá nhân.
Những kẻ nhiều tiền được nhắc đến trong chứng khoán với thuật ngữ Tay to (Big Boys hay BBs). Đây là những quỹ đầu tư, công ty chứng khoán hoặc những người có số vốn rất lớn, tối thiểu là 100 – 200 tỷ.
Dù họ có rất nhiều tiền nhưng tôi khẳng định lại 1 lần nữa…bạn hoàn toàn có lợi thế để có thể kiếm tiền từ thị trường chứng khoán!
3 Điểm yếu của BBs
- Thứ nhất, vì có số vốn quá lớn nên BBs sẽ bị hạn chế trong việc lựa chọn các cơ hội đầu tư. Họ chỉ có thể lựa chọn trong khoảng 40 – 50 cổ phiếu có đủ độ lớn về thanh khoản để họ có thể mua bán.
- Thứ hai, vì các quy định khắt khe trong việc quản lý vốn nên BBs sẽ rất khó và “chậm chạp” trong việc thay đổi điều chỉnh danh mục của mình cho phù hợp với xu hướng của thị trường.
- Thứ ba, vốn đầu tư của BBs không ổn định và khó có thể nắm giữ cổ phiếu dài hạn vì bản chất tiền của họ sử dụng đều là tiền huy động từ những cá nhân, tổ chức khác.
Và quan trọng nhất là:
Giá trị thực của công ty sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức giá mà BBs mua bán trên thị trường. Dù BBs có làm giá, đẩy giá, đè giá như thế nào thì điều này cũng không làm ảnh hưởng đến giá trị thực của công ty.
Vì vậy nếu bạn thực sự đầu tư cổ phiếu như 1 kênh thu nhập thụ động (giống như cách những người giàu thực hiện) thì “tay to” BBs không có ý nghĩa gì với bạn.
c. Khi nào bạn nên mua 1 cổ phiếu?
Mỗi chiến lược đầu tư sẽ có 1 cách xác định thời điểm mua khác nhau.
Nếu bạn mua bán cổ phiếu theo phân tích kỹ thuật thì các điểm mua sẽ được xác định đơn giản bằng các chỉ báo và mẫu hình. Tất cả các chỉ báo và mẫu hình này đều được xác định dựa trên giá và khối lượng cổ phiếu giao dịch. Một số chỉ báo phổ biến như: Moving Average, MACD, Bollinger Bands, Stochastic Momentum…
Khi mới tiếp cận với phân tích kỹ thuật, bạn sẽ thấy phương pháp này khá đơn giản và có tính chính xác. Điều này là do bạn có thể quan sát thấy những chỉ báo/mẫu hình đó có vẻ đúng khi nhìn vào dữ liệu quá khứ.
Lời khuyên của tôi là:
Đừng quá tin vào phân tích kỹ thuật khi mua bán cổ phiếu. Mặc dù tôi không phản đối phương pháp phân tích kỹ thuật nhưng dựa trên hơn 10 năm kinh nghiệm của mình tôi có thể nói với bạn rằng:
Chưa có ai giàu lên nhờ phân tích kỹ thuật!
Vì sao?
Lý do đơn giản là vì BBs hoàn toàn có thể “vẽ” được biểu đồ, hay những chỉ báo và hình mẫu, mà HỌ MUỐN BẠN NHÌN THẤY. Bạn không thể đánh bại BBs chỉ bằng phân tích kỹ thuật.
Vậy đâu là giải pháp?
Nếu bạn nhìn nhận cổ phiếu dưới góc độ đầu tư thực sự. Coi việc sở hữu cổ phiếu chính là sở hữu doanh nghiệp và tập trung vào giá trị của doanh nghiệp. Khi đó, việc xác định điểm mua sẽ có 3 bước cơ bản sau:
- Bước 1: Chọn 1 doanh nghiệp tuyệt vời: đó là một công ty có lợi thế cạnh tranh trong ngành, có sức khỏe tài chính lành mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định và có 1 Ban lãnh đạo tuyệt vời. Bạn có thể bắt đầu với những cổ phiếu Bluechip.
- Bước 2: Học cách định giá công ty đó. Có khá nhiều phương pháp định giá đơn giản mà bạn có thể áp dụng như P/E, P/B, P/CF, EV/EBITDA.
- Bước 3: Mua khi mức giá trên thị trường thấp hơn so với định giá của bạn từ 30 – 50%.
Ví dụ:
Bạn ước tính Thế giới di động (Mã chứng khoán: MWG) có giá trị thực khoảng 120.000đ/cổ phiếu. Khi đó, bạn sẽ mua nếu giá cổ phiếu thấp hơn 84.000đ/cổ phiếu, tương đương mức chiết khấu khoảng 30% so với giá trị thực.
d. Khi nào bạn nên bán cổ phiếu?
Sự thật là tôi và đội ngũ của tôi vẫn thường mắc sai lầm khi mua/bán cổ phiếu. Chúng ta đều là con người và việc mắc phải những sai lầm là điều dễ hiểu.
Trong đầu tư cũng vậy!
Tuy nhiên, điều quan trọng bạn cần làm là đảm bảo tỷ lệ bạn làm đúng (win) cao hơn tỷ lệ bạn làm sai (loss). Đồng thời, lợi nhuận từ những lần bạn làm đúng cũng cao hơn tổn thất từ những lần bạn mắc lỗi.
Để làm được điều này, một lần nữa tôi phải nhắc lại, hãy từ bỏ cách nghĩ về đầu cơ, mua giá thấp và bán giá cao trước khi bắt đầu bất kỳ 1 giao dịch nào. Hãy nghĩ về doanh nghiệp và giá trị doanh nghiệp trước khi mua hoặc bán cổ phiếu.
Tại sao tôi lại nhắc về điều này nhiều như vậy?
Với hơn 10 năm kinh nghiệm của mình, tôi có thể nói với bạn rằng:
Đầu tư chứng khoán là sự kết hợp 50% là khoa học và 50% là nghệ thuật. Bạn sẽ không có 1 công thức chính xác 100% để có thể chiến thắng vì bạn không thể dự đoán trước được tương lai.
Vì thế điều đầu tiên bạn cần phải làm là giảm thiểu khả năng mắc lỗi xuống mức thấp nhất có thể.
D. HAI NGUYÊN NHÂN QUAN TRỌNG NHẤT DẪN ĐẾN NHỮNG SAI LẦM KHI ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU
Thứ nhất, bạn không biết rõ mình đang làm gì
Hay cụ thể hơn, bạn đang không hiểu gì về doanh nghiệp và giá trị doanh nghiệp mà bạn đang nắm giữ. Đặt tiền của mình vào 1 thứ mình không hiểu gì về nó thì có khác gì đánh bạc không?
Thứ hai, bạn không kiểm soát được tâm lý của mình
Đây chính là 1 nửa nghệ thuật mà tôi nói đến. Hàng ngày, bộ não của bạn bị nhồi nhét với quá nhiều thông tin. Cộng thêm những tác động từ đám đông, từ bạn bè, người thân khiến bạn không thể ổn định tâm lý được.
Vào 1 ngày thời tiết không tốt, bạn vừa cãi nhau với vợ (hoặc chồng) mình, đồng nghiệp của bạn nói rằng họ vừa bán cổ phiếu XYZ. Bạn mở bảng giá điện tử và thấy cổ phiếu đang giảm 1 chút ít…
…và bạn đăng nhập vào tài khoản và đặt lệnh bán, không 1 chút do dự. Liệu khi đó bạn có tự đặt câu hỏi: “Giá trị doanh nghiệp XYZ hiện tại là bao nhiêu” không?
5 lý do quan trọng bạn nên cân nhắc bán cổ phiếu
Dựa trên kinh nghiệm của mình và tham khảo từ nhiều cuốn sách nổi tiếng khác… Tôi đúc rút ra 5 lý do quan trọng mà bạn nên cân nhắc bán cổ phiếu.
Hãy nghĩ về 5 lý do này và bình tĩnh kiểm soát tâm lý trước khi đặt lệnh bán:
- #1. Bạn phát hiện ra mình đã mắc lỗi trong việc đánh giá/định giá cổ phiếu đó
- #2. Công ty bị suy giảm trong các yếu tố kinh doanh và định giá, không còn đạt các tiêu chí đầu tư của bạn
- #3. Bạn lo lắng đến mất ngủ vì khoản đầu tư của mình
- #4. Bạn cần tiền và phải rút số tiền đầu tư ra trong khoảng từ 1 – 3 năm tới
- #5. Bạn tìm thấy 1 cổ phiếu khác có thể đem đến 1 lợi nhuận cao hơn
E. TỔNG KẾT
Hi vọng với nội dung bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu đủ và rõ hơn về lịch sử chứng khoán Việt Nam, cho đến cách thức đầu tư chứng khoán và lưu ý những rủi ro khi đầu tư chứng khoán.
Chúc các bạn thành công./
Nguồn: MBAz.net – ảnh govalue