Nội dung chính
Tự doanh và cho vay tăng tốt, lợi nhuận của CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) quý 3 đạt gần 750 tỷ đồng, tăng 11%. Lãi quý 3 tăng 11%, thực hiện 88% kế hoạch năm sau 9 tháng.
Tăng quy mô cho vay gần 30%
Danh mục tài sản FVTPL của SSI ở thời điểm cuối quý 3 giảm 15% so với đầu năm còn gần 37 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Công ty đã giảm mạnh tỷ trọng chứng chỉ tiền gửi gần 30% về còn 20.9 ngàn tỷ đồng.
Ngược lại, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tăng đáng kể. Quy mô cổ phiếu Công ty nắm giữ tăng hơn 70% lên 1.7 ngàn tỷ đồng. Cac cổ phiếu VPB (854 tỷ đồng, tạm lãi 5%), HPG (105.8 tỷ đồng, tạm lỗ 0.6%), TCB (91.8 tỷ đồng, tạm lãi 4.5%), VHM (91.5 tỷ đồng, tạm lãi 0.1%).
Danh mục tài sản FVTPL của SSI tại thời điểm 30/09/2024
Nguồn: SSI
|
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ mới công bố, quý 3/2024, SSI đạt doanh thu hoạt động gần 1,975 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) và lãi cho vay, phải thu chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu doanh thu. Đây cũng là hai khoản kéo doanh thu của SSI tăng mạnh trong quý.
Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024 của SSI
|
Cụ thể, lãi từ tài sản FVTPL quý này đạt 990 tỷ đồng, tăng 32%; lãi cho vay và phải thu đạt gần 550 tỷ đồng, tăng 27%.
Bên cạnh đó, doanh thu môi giới cũng đóng góp hơn 17% vào cơ cấu doanh thu hoạt động, ghi nhận hơn 340 tỷ đồng.
Xét riêng mảng tự doanh, mảng này báo lãi tăng tốt so với cùng kỳ dù lỗ tài sản FVTPL tăng 56% lên 240.5 tỷ đồng và chi phí tự doanh gấp đôi lên hơn 47 tỷ đồng. Nhờ lãi tài sản FVTPL tăng mạnh, tự doanh quý 3 của SSI thu lãi hơn 700 tỷ đồng, tăng hơn 20%.
Các khoản chi phí môi giới, chi phí tư vấn, chi phí lưu ký được tiết giảm so với cùng kỳ còn 618 tỷ đồng, giảm 2%. Tuy vậy, chi phí tài chính tăng 8%, chiếm 385.4 tỷ đồng.
Khép lại quý 3, SSI báo lãi ròng gần 750 tỷ đồng, tăng 11%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động đạt hơn 6,140 tỷ đồng, tăng 25%. Lãi trước thuế và sau thuế lần lượt là 2.87 ngàn tỷ đồng và 2.3 ngàn tỷ đồng.
SSI ước hợp nhất doanh thu đạt 2,076 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 979 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ước đạt 6,452 tỷ đồng tổng doanh thu và 2,981 tỷ đồng lãi trước thuế, hoàn thành lần lượt 80% và 88% kế hoạch năm.
Ở thời điểm này, Công ty tăng nhẹ quy mô trái phiếu nắm giữ lên gần 13 ngàn tỷ đồng.
Cuối quý 3, tổng tài sản của SSI ở mức hơn 65.3 ngàn tỷ đồng, giảm gần 5%. Tài sản FVTPL (37 ngàn tỷ đồng), dư nợ cho vay (19.4 ngàn tỷ đồng) là hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất. So với đầu năm, quy mô cho vay của Công ty tăng gần 30%.
Nợ phải trả của công ty giảm nhẹ về còn gần 42 ngàn tỷ đồng, giảm 8.6%. trong đó chủ yếu là vay nợ ngắn hạn với giá trị xấp xỉ 39.3 ngàn tỷ đồng.
HCM: Chứng khoán HSC báo lãi 222 tỷ đồng, môi giới lọt Top 5 thị trường nhưng lợi nhuận lao dốc, lãi vay margin tăng mạnh, tự doanh lãi nhẹ
Tự doanh HSC mua mạnh cổ phiếu ngân hàng
Tại thời điểm ngày 30/9, quy mô tài sản của HCM là 32.715 tỷ đồng, tăng 14.805 tỷ đồng so với ngày đầu năm (+74%). Trong đó, margin trở thành “gà đẻ trứng vàng” trong hoạt động kinh doanh của HCM. Doanh nghiệp tăng cường cho vay với dư nợ margin tại thời điểm ngày 30/9 lên đến 19.286 tỷ đồng, tăng 7.151 tỷ đồng (+59%). Phần còn lại chủ yếu được dồn vào tự doanh với quy mô 8.701 tỷ đồng, tăng 6.479 tỷ đồng (+292%).
Đối với danh mục tự doanh cổ phiếu niêm yết, quy mô tăng gần gấp 3 lần so với ngày đầu năm, đạt 1.773 tỷ đồng. Trong đó, HCM chủ yếu mua nhóm ngân hàng như ACB, TCB, STB, VPB, MBB, HDB. Các cổ phiếu khác lọt vào “mắt xanh” gồm: HPG, FPT, BMP. Nhìn chung, tất cả đều đã có lãi so với giá gốc nhưng mức lãi khá mỏng.
Danh mục tự doanh cổ phiếu niêm yết của HCM |
Phần tài sản tăng thêm được tài trợ chủ yếu từ nguồn vốn vay ngắn hạn, đạt 22.148 tỷ đồng vào ngày 30/9, tăng 12.988 tỷ đồng so ngày ngày 1/1. Vốn chủ sở hữu của công ty là 10.057 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là 1.776 tỷ đồng.
VCI: Chứng khoán Vietcap báo lãi quý 3 tăng 20%, tự doanh bán MSN, MBB, STB, PNJ
Cuối quý 3, giá trị tài sản FVTPL VCI nắm giữ tăng lên mức 476 tỷ đồng do Công ty mua thêm hơn 450 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết.
Hầu hết chứng khoán Công ty nắm giữ vẫn nằm ở khoản mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Danh mục này có giá trị tính theo giá mua là 3.6 ngàn tỷ đồng, tăng giá 80%.
So với đầu năm, VCI đã bán một số khoản đầu tư nổi bật như MSN, MBB, PNJ, STB và bán một phần khoản đầu tư KDH. Ngược lại, Công ty tăng tỷ trọng vào TDM, FPT. Công ty cũng tăng tỷ trọng trái phiếu trong danh mục AFS lên gần 540 tỷ đồng.
Hoạt động chốt lời đã thu hẹp quy mô tài sản AFS hơn 20% so với đầu năm (tính theo giá mua).
Danh mục tài sản AFS của VCI
Nguồn: VCI
|
Tổng tài sản của Công ty tới cuối quý 3 vượt mức 20 ngàn tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay chiếm phân nửa, phần còn lại tập trung ở danh mục tài sản AFS và khoản tiền có giá trị hơn 2.5 ngàn tỷ đồng.
Nợ phải trả ở thời điểm này tương đương gần 60% nguồn vốn của VCI, ở mức 11.7 ngàn tỷ đồng.
SHS giảm 65% lãi ròng quý 3, đang ôm lỗ một mã ngân hàng
CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3, ghi nhận các mảng đều có sự sụt giảm về doanh thu. Riêng tự doanh quý này lỗ hơn 50 tỷ đồng.
Tại cuối tháng 9/2024, SHS có quy mô tài sản FVTPL tăng thêm 1,850 tỷ đồng so với đầu năm, đạt gần 6,800 tỷ đồng do Công ty tăng tỷ trọng cổ phiếu niêm yết; trái phiếu niêm yết và công cụ thị trường tiền tệ.
Cụ thể, danh mục cổ phiếu niêm yết tính theo giá mua hơn 3,500 tỷ đồng, tăng 560 tỷ đồng về quy mô so với đầu năm và tạm lãi 5%. Trong đó, 4 mã có tỷ trọng lớn nhất là cổ phiếu VPB giá gốc gần 350 tỷ đồng (tạm lỗ 11%); FRT (201 tỷ đồng, tạm lãi 111%); MWG (141 tỷ đồng, tạm lãi 28%) và FPT (78 tỷ đồng, tạm lãi 72%).
Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) có giá mua 475 tỷ đồng, tương đương đầu năm, trong đó nắm giữ SHB hơn 275 tỷ đồng (tạm lãi 114%) và TCD (200 tỷ đồng, tạm lỗ 65%).
Danh mục tài sản tài chính của SHS. Nguồn: BCTC quý 3/2024 của SHS
|
Cuối quý 3, tổng tài sản của SHS hơn 12,900 tỷ đồng, tăng gần 1,500 tỷ đồng so với đầu năm, tập trung ở tài sản FVTPL và dư nợ cho vay.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả gần 1,900 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu vay ngắn hạn ngân hàng 1,585 tỷ đồng, chủ nợ lớn nhất là VPBank (500 tỷ đồng); Vietcombank (394 tỷ đồng) và BIDV (245 tỷ đồng).
9 tháng thực hiện 92% mục tiêu lợi nhuận năm
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của SHS đạt 1,440 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, lãi trước thuế ở mức 953 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, thực hiện được 92% kế hoạch năm (1,035 tỷ đồng). Lãi ròng gần 780 tỷ đồng.
Quý 3, SHS ghi nhận hơn 276 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm không tương xứng, đạt hơn 163 tỷ đồng, giảm 21%. Sau cùng, lãi ròng của SHS chỉ còn 69 tỷ đồng, lao dốc 65% so với cùng kỳ.
Bóc tác từng mảng, quý 3, SHS có lãi từ tài sản chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ 62 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ. Trừ đi phần lỗ FVTPL gần 107 tỷ đồng và chi phí 5.5 tỷ đồng khiến mảng tự doanh ghi lỗ hơn 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 43 tỷ đồng.
Lãi cho vay và doanh thu môi giới cũng đồng loạt giảm 47% và 33%, đạt 110 tỷ đồng và 49 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tính đến ngày 30/09/2024 gần 3,900 tỷ đồng, trong đó dư nợ margin gần 3,700 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities – HOSE: CTS)
Vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024, ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 301,66 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của CTS tăng gần 10% so với thời điểm đầu năm lên 9.281 tỷ đồng. Trong đó, các khoản cho vay đạt 3.119 tỷ đồng, bao gồm 3.048 tỷ đồng cho vay margin và 71 tỷ đồng cho vay ứng trước tiền bán; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 2.218 tỷ đồng (toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn); 883 tỷ đồng tài sản tài chính sẵn sàng để bán, bao gồm 102 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết và 780 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết.
Danh mục tự doanh cổ phiếu niêm yết của CTS. Ảnh: BCTC CTS |
Chiếm phần lớn cơ cấu tài sản của VietinBank Securities là 2.569 tỷ đồng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL). Trong số đó, VietinBank Securities rót gần 998 tỷ đồng (giá gốc) vào các cổ phiếu niêm yết. Những khoản đầu tư này tính đến ngày 30/9/2024 có giá trị thị trường đạt 993 tỷ đồng, tương ứng lỗ 6 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục tự doanh của CTS là 264,9 tỷ đồng cổ phiếu EIB (tương đương 14,1 triệu cổ phiếu) của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Khoản đầu tư này mang về gần 28 tỷ đồng lợi nhuận so với giá gốc.
Tuy nhiên, những khoản đầu tư lớn khác như cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank, cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex vẫn chưa mang lại “quả ngọt” cho CTS, khi lỗ lần lượt 13 tỷ đồng và 5,3 tỷ đồng.
Tại cuối quý 2/2024, CTS vẫn lãi 10,1 tỷ đồng từ cổ phiếu VSC của CTCP Container Việt Nam (Viconship). Tính đến cuối quý 3/2024, khoản đầu tư này của CTS lỗ hơn 19 tỷ đồng.
Chia sẻ về chiến lược tự doanh của công ty, tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức đầu tháng 4/2024, Tổng giám đốc Vũ Đức Mạnh cho biết VietinBank Securities là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời là một công ty chứng khoán, công ty dựa trên cách tiếp cận đầu tư an toàn, hiệu quả và tận dụng tối đa cơ hội thị trường.
Chia sẻ với cổ đông, ông Vũ Đức Mạnh nhận định, công ty khi đầu tư vào một mã cổ phiếu đều có lý do, có những luận điểm đầu tư, cơ sở riêng, phải đảm bảo giá trị nội tại cao hơn giá trị thị trường mới đầu tư vào. Đối với các mã cổ phiếu công ty đầu tư, có thể trong 6 tháng, những mã này sẽ đi ngang, nhưng khi thị trường nhận ra giá trị nội tại của doanh nghiệp, thị trường sẽ mua vào mạnh hơn và giá trị cổ phiếu sẽ gia tăng.
VND: Danh mục tự doanh VNDirect bất ngờ tăng lên gần 1 tỷ USD, trái phiếu chiếm phần lớn
Lợi nhuận sau thuế giảm 21% so với quý III năm trước về 505 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 11% so với cùng kỳ về 4.113 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế tăng 23% đạt 1.467 tỷ đồng, do chi phí hoạt động giảm 13%.
Tổng tài sản tại cuối tháng 9 gần 43.300 tỷ đồng, giảm 4% sau ba tháng. Phần lớn tài sản nằm ở mảng tự doanh (không kể cổ phiếu cho hoạt động phòng ngửa rủi ro của chứng quyền). Cụ thể, giá gốc FVTPL và HTM (chủ yếu là khoản tiền gửi ngắn hạn) ghi nhận lần lượt 24.327 tỷ đồng và 4.880 tỷ đồng.
FVTPL có giá trị thị trường 24.356 tỷ đồng cuối kỳ, cao hơn không đáng kể so với giá gốc. Danh mục đang bao gồm 3.279 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, 13.129 tỷ đồng trái phiếu, 7.949 tỷ đồng chứng chỉ quỹ.
Giá trị trái phiếu đã tăng 22%, tương đương tăng 2.359 tỷ đồng, so với cuối tháng 6. Khoản trái phiếu hiện chiếm 45% danh mục tự doanh cuối kỳ – khoảng 29.200 tỷ đồng (xấp xỉ 1,2 tỷ USD).
Danh mục cổ phiếu được thuyết minh một số khoản đầu tư lớn như VPB, HSG, C4G, LTG. Mặt khác, khoản đầu tư ACB với giá gốc gần 30 tỷ đồng tại cuối tháng 6 không còn được thuyết minh khoản đầu tư lớn tại báo cáo quý III, nên có thể bộ phận tự doanh đã bán ra cổ phiếu ngân hàng này (một phần hoặc toàn bộ).
Dư nợ cho vay margin và ứng trước cuối kỳ ghi nhận 10.823 tỷ đồng, giảm 3% sau một quý. Trong đó, cho vay margin chiếm 10.398 tỷ đồng, giảm 4%.