Dầu Brent tương lai tăng 2,24% lên $ 109,03 vào lúc 11:45 (giờ Việt Nam), sau khi tăng gần 9% vào thứ Năm đây là mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ giữa năm 2020. Tương tự, giá WTI tương lai cũng tăng 2,62% lên 105,72 sau khi tăng 8% trong ngày trước đó.
Nội dung chính
1. Thủ tướng Anh trắng tay trở về từ chuyến thăm vùng Vịnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson đến Abu Dhabi ngày 16.3 để hội đàm với Thái tử Mohammed bin Zayed sau đó bay đến Riyadh gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nhằm thuyết phục UAE và Saudi Arabia tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên, cả UAE và Saudi Arabia đã không đáp ứng lời đề nghị của ông Boris Johnson. Ở 1 diễn biến khác, Saudi Arabia thậm chí còn tuyên bố bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ.
2. IEA cảnh báo thiếu hụt nguồn cung
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo dầu và các sản phẩm của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày từ tháng 4. IEA cho biết mức giảm đó sẽ lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu dự kiến 1 triệu thùng/ngày do giá nhiên liệu tăng cao.
Cơ hội tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga ngày càng giảm làm gia tăng khả năng các lệnh trừng phạt vào Nga sẽ thắt chặt hơn và tiếp tục gián đoạn nguồn cung dầu.
3. Động thái từ Trung Quốc
Thời gian gần đây, khi dịch bệnh Covid bùng phát ở Trung Quốc và nước này thực hiện biện pháp phong toả mạnh khiến cho dự đoán nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ giảm. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc cam kết các chính sách thúc đẩy thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế, các lệnh tạm ngừng hoạt động sẽ được dỡ bỏ và các nhà máy sẽ tiếp tục sản xuất thì dự đoán mức độ sụt giảm nhu cầu sẽ không cao.
Ngân hàng Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 20 USD trong quý thứ ba lên 120 USD/thùng, dự đoán sản lượng của Nga giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày từ tháng Tư.