Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu thành lập các đoàn liên ngành xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”. Theo Phó Thủ tướng, việc gỡ thẻ vàng, tuyệt đối không để Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ đỏ” là rất cấp bách.
Ngày 20/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) họp về tình hình gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến cấp xã của 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Thông tin về kết quả thực hiện chống khai thác IUU, ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản – cho biết, hiện tổng số tàu cá toàn quốc là hơn 90.000 chiếc. Tính đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã có tiến bộ đạt hơn 95%, tăng hơn 5% so với trước. Từ quý IV/2021 đến nay, các lượng lực đã kiểm tra, kiểm soát gần 80.000 lượt tàu cá.
Tuy nhiên, theo ông Luân, hiện một số địa phương chậm chuyển biến trong gỡ thẻ vàng IUU như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đặc biệt, việc rà soát, đăng ký, đăng kiểm tàu cá tại các địa phương chưa đạt yêu cầu.
“Cả nước mới có 20 tỉnh tổ chức trực theo dõi các tàu cá 24/24 giờ. Tình trạng mất kết nối định vị tàu cá còn diễn ra phổ biến. Luật Thủy sản 2017 nêu rõ, việc thành lập kiểm ngư địa phương thuộc thẩm quyền của tỉnh. Nhưng đến tháng 9/2022, mới có 7/28 tỉnh ven biển thành lập nhóm công tác này”, ông Trần Đình Luân nêu thực trạng.
Cuộc họp tìm giải pháp gỡ “thẻ vàng” thủy sản. |
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) – cho biết, đến nay khung pháp lý của Việt Nam về chống IUU hiện tương đối đầy đủ, thể hiện rõ được cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thể gỡ được thẻ vàng, như nhật ký đánh bắt, ngư dân ghi chép không chuẩn; nhiều tỉnh ven biển xử lý vi phạm về chống IUU chưa quyết liệt.
“Có hiện tượng tàu từ tỉnh nọ chạy sang tỉnh kia khi cập bờ để xuất bán hải sản khai thác được, dẫn đến không thể truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng cá còn chậm, khiến nhiều cảng cá loại 1 không thể kiểm soát được sản lượng khai thác. Đáng lo nhất hiện có tỉnh mới chỉ kiểm soát được 3% tổng sản lượng đánh bắt”, ông Tiến cho hay.
Xử lý nghiêm tàu cá “3 không”
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định việc gỡ thẻ vàng, tuyệt đối không để EC rút “thẻ đỏ” là rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thuỷ sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu về cam kết, nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU; đề nghị EC sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng, nếu không quyết liệt khắc phục những tồn tại hiện nay, ngành thủy sản không những gỡ được “thẻ vàng” mà có nguy cơ áp “thẻ đỏ” (Ảnh: Đức Tuân). |
“Chính phủ và Thủ tướng đã có các chỉ đạo, chỉ thị thực hiện các biện pháp để tháo gỡ vấn đề này. Nếu không khắc phục được những tồn tại hiện nay, không những ngành thủy sản Việt Nam không gỡ được thẻ vàng mà còn có nguy cơ bị nâng lên cảnh báo thẻ đỏ”, Phó Thủ tướng nói.
Trước tình hình cấp bách, Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay các đoàn liên ngành, ở Trung ương do lãnh đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách đi kiểm tra cụ thể. Phải xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”, không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Đề án phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025 vừa được Thủ tướng ban hành, phát triển ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam an toàn, bền vững.