Báo cáo của WiGroup công bố mới đây chỉ ra, lợi nhuận toàn ngành bất động sản giảm 82% trong quý I/2024, chủ yếu đến từ nhóm bất động sản dân cư.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của 110 doanh nghiệp bất động sản sụt giảm hơn 13.000 tỷ đồng, giảm 68% so với quý trước và giảm 82% so với cùng kỳ.
Bất động sản dân cư được nhận định là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế toàn ngành với mức giảm gần 12.000 tỷ đồng.
Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Vinhomes (VHM) đạt 904 tỷ đồng trong quý I, sụt giảm mạnh so với mức 11.917 tỷ đồng trong quý đầu năm ngoái. Việc bàn giao Vinhomes Ocean Park 1 – 2 – 3 và Vinhomes Grand Park đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của công ty. Doanh thu và lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ năm trước do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang trong quá trình xây dựng.
Lợi nhuận sau thuế toàn ngành bất động sản quý I/2024 thấp nhất trong 13 quý gần đây.
Các ông lớn khác trong ngành như NVL, DIG, NLG thậm chí ghi nhận lỗ, kéo lợi nhuận quý toàn ngành giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ 2021. Trong đó, Novaland (NVL) lỗ ròng hơn 567 tỷ đồng; DIC Corp (DIG) lỗ ròng 117 tỷ đồng, Nam Long (NLG) lỗ ròng 77 tỷ đồng.
Novaland giải trình việc thua lỗ do hụt nguồn thu tài chính, cụ thể là lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư. Trong khi Nam Long cho biết nguyên nhân lỗ quý do giảm doanh thu bán căn hộ và giảm phần lãi nhận được từ công ty liên doanh Mizuki so với cùng kỳ 2023. DIC Corp lỗ lớn do kinh doanh dưới giá vốn khi ghi nhận hàng bán bị trả lại với giá trị 186 tỷ đồng, dẫn đến lỗ gộp gần 51 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 117 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của WiGroup, áp lực nợ vay tài chính ngắn hạn của các doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng. Nguồn vốn vay có xu hướng chuyển dịch từ vay trái phiếu sang vay ngân hàng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến 28/2, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng, tăng 20.712 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, giá trị phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản ở mức thấp. Áp lực đáo hạn trái phiếu cũng vẫn còn lớn, ước tính sẽ có khoảng 115.663 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn, chiếm 41,4% tổng số trái phiếu đáo hạn trong năm nay.
Tính đến ngày 14/5, chỉ số định giá P/B của các doanh nghiệp bất động sản dao động quanh mức 1,38 lần, thấp hơn mức trung bình toàn ngành là 1,56 lần.
Wigroup dự báo trong thời gian tới, ngành bất động sản được hỗ trợ bởi bộ ba luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sắp có hiệu lực và nhu cầu phục hồi trở lại. Đây sẽ là những động lực thúc đẩy ngành cải thiện lợi nhuận trở lại.
Quý I/2024, nhu cầu giao dịch bất động sản có tín hiệu phục hồi trở lại khi tổng số lượng giao dịch bất động sản thành công tăng 26% so với cùng kỳ và tăng 23% so với quý trước. Tuy nhiên thị trường vẫn thiếu hụt nguồn cung từ các dự án mới.
Hàng tồn kho bất động sản tiếp tục tăng nhẹ trong quý. Theo Bộ Xây dựng, đất nền dẫn đầu lượng hàng tồn kho với 10.855 sản phẩm, nhà ở riêng lẻ tồn 8.468 sản phẩm.