Vốn FDI chảy vào bất động sản 9 tháng đầu năm gần 4,4 tỷ USD, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký…
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến 30/9, tổng vốn FDI gần 25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023. Trong tháng 9, tổng lượng vốn FDI đạt mức cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, với gần 4,3 tỷ USD.
Trong đó, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,4 tỷ USD, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Còn đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với hơn 15,6 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mở rộng đầu tư và phân khúc bất động sản tại Việt Nam. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã thống nhất tờ trình về việc ký kết biên bản ghi nhớ phát triển dự án mới của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tại khu công nghiệp Yên Phong. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD.
Vào tháng 7/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam và Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty LH. Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Hồi tháng 5/2024, Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam, thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod (Đài Loan) và Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức đã ký kết hợp đồng thuê lại đất tại khu công nghiệp Châu Đức. Electronic Tripod Việt Nam sẽ triển khai xây dựng nhà máy Electronic Tripod Việt Nam có diện tích khoảng 18ha tại khu công nghiệp Châu Đức, với vốn đầu tư 250 triệu USD.
Trong tháng 4 năm nay, Tập đoàn Kim Oanh hợp tác với các Tập đoàn NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển dự án Một Thế Giới (The One World). Dự án này rộng 50ha tại Bình Dương, có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD bao gồm shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự compound và căn hộ…
Còn doanh nghiệp Nhật là Nishi Nippon Railroad mua lại 25% cổ phần trong dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5ha từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD. Sau khi hoàn tất thương vụ chuyển nhượng có giá trị khoảng 662 tỷ đồng này, ước tính Nam Long có thể thu về khoản lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng.
Đánh giá chung về thị trường, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhờ bối cảnh chính trị, kinh tế ổn định, chi phí nhân công cạnh tranh.
Và vừa qua, Việt Nam đã thông qua các bộ luật quan trọng, bao gồm Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật đất đai (sửa đổi). Việc thông qua các bộ Luật này có thể được xem là một tín hiệu tích cực với thị trường đầu tư trong năm tới, thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư.
Theo Matthew Powell trong bối cảnh nguồn vốn FDI dồi dào, một số phân khúc bất động sản có sự tăng trưởng nổi trội, gồm có căn hộ dịch vụ và bất động sản công nghiệp. Dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam đã thu hút nhiều chuyên gia quốc tế đến làm việc, tạo nên một phân khúc khách hàng chủ chốt cho thị trường căn hộ dịch vụ. Họ thường lựa chọn thuê căn hộ dịch vụ do các đơn vị quốc tế quản lý vận hành, đáp ứng được nhiều yêu cầu về chất lượng dịch vụ.
“Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với nhu cầu thực về nhà ở cũng như niềm tin về lĩnh vực văn phòng và bất động sản công nghiệp sẽ là chìa khóa cho sự khởi đầu của một chu kỳ mới trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn cần chờ đợi các văn bản dưới luật để có thể quan sát những thay đổi rõ ràng hơn”, Giám đốc Savills Hà Nội cho hay.