Giá ure ngày 21/9 tại Trung Quốc là 2.541 nhân dân tệ/tấn (360 USD/tấn), hạ 1% so với ngày trước đó. Tại thị trường Mỹ, giá ure là 864 USD/tấn, giảm 1% so với ngày trước đó.
Diễn biến giá ure tại Trung Quốc. Nguồn: Sunsirs |
Tại thị trường Trung Quốc, giá ure ngày 21/9 là 2.541 nhân dân tệ/tấn (360 USD/tấn), hạ 1% so với ngày trước đó sau khi tăng liên tục từ ngày 4/9. Dù hạ nhưng giá ure vẫn cao hơn đáy ngày 21/8 là 12%.
Giá DAP là 3.966 nhân dân tệ/tấn (562 USD/tấn), đi ngang so với ngày trước đó. Giá mặt hàng này hiện thấp hơn cuối tháng 7 khoảng 16%.
Giá lưu huỳnh, nguyên liệu trong sản xuất phân bón, là 1.206 nhân dân tệ/tấn (171 USD/tấn), tăng 2% so với ngày trước đó. Trước đó, từ cuối tháng 7 đến ngày 20/9, giá mặt hàng này ít biến động.
Hai loại nguyên liệu khác trong sản xuất phân bón là photpho vàng và axit sulfuric đều giữ nguyên. Giá hai mặt hàng trên lần lượt là 36.625 nhân dân tệ/tấn (5.194 USD/tấn) và 228 nhân dân tệ/tấn (32 USD/tấn).
Trên sàn Chicago (Mỹ), giá ure là 864 USD/tấn, giảm 1% so với ngày trước đó. Tuy giảm nhưng giá mặt hàng này vẫn đang cao hơn đáy giữa tháng 6 là 55%.
2Nông dẫn nguồn từ Argus Media cho hay sản lượng phân đạm của Liên minh châu Âu đang giảm khoảng 400.000 – 500.000 tấn mỗi tháng. Khởi đầu là việc các nhà máy sản xuất phân bón ở Ba Lan ngừng hoạt động và sau đó đã lan rộng ra toàn khu vực khi các công ty sản xuất phân bón lớn như Achema, Yara và Borealis đồng loạt đóng cửa các nhà máy của họ.
Theo 2Nông, các loại phân như ure, amoni nitrat, canxi amoni nitrat và ure amoni nitrat (UAN), nếu trước kia châu Âu là nhà sản xuất lớn thì bây giờ tình huống đã thay đổi. Cuộc khủng hoảng phân bón tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng ở châu Âu khi chỉ có chưa đầy 30% công suất sản xuất phân bón UAN dự kiến sẽ hoạt động vào đầu mùa thu, bất chấp sự bù đắp nguồn cung rẻ hơn của Mỹ đang thay thế một phần khối lượng bị mất. Hiện các nhà máy sản xuất phân urê trên toàn châu Âu đang hoạt động cầm chừng ở mức một phần tư công suất bình thường.
Các loại phân có thành phần amoni điển hình là DAP ở Việt Nam, hiện tại đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Giá DAP vẫn đang ở mức giá cao từ dư chấn dịch Covid-19 để lại, tình trạng cắt giảm amoni ở châu Âu càng dấy lên lo ngại về đợt tăng tiếp trong tương lai.
Theo Binhdien.com, giá DAP Đình Vũ xanh 61% là 1,12 triệu đồng/50 kg, cũng tăng 22% so với đầu năm. Giá ure Phú Mỹ đang thấp hơn đầu năm khoảng 17% nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 26% và giao dịch ở 715.000 đồng/100 kg. Kali Belarus bột hồng, đỏ hiện là 915.000 đồng/50 kg, tăng 42% so với đầu năm.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 246.015 tấn phân bón tăng 46% và tương đương 112,5 triệu USD, cao hơn 68% so với tháng 7. Giá nhập khẩu trung bình trong tháng 8 là 457,4 USD/tấn, tăng 15,4% với tháng trước đó và cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 8, nhập khẩu từ thị trường chủ đạo Trung Quốc tăng 2,3% về lượng, tăng 12% kim ngạch so với tháng 7 và ở mức 110.166 tấn, tương đương 47,21 triệu USD. Giá trung bình nhập từ Trung Quốc là 428,6 USD, tăng gần 10% về giá so với tháng 7 và 42% so với cùng kỳ năm ngoái.