Thí điểm khu thương mại tự do tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ mở ra cơ hội tăng lưu lượng hàng hoá, từ đó giúp các doanh nghiệp đầu tư cảng ở đây có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Cuộc chơi mới với khu thương mại tự do
Để mở ra dư địa tăng trưởng mới cho ngành cảng biển phía Nam, đồng thời thu hút lượng hàng hoá luân chuyển nhiều hơn thông qua các cảng tại Việt Nam từ các cụm cảng trong khu vực, với vị trí chiến lược thuận tiện phát triển giao thông đường thuỷ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa đề xuất phát triển khu thương mại tự do (FTZ) tại Cái Mép Hạ trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên thế giới hiện có trên 5.000 FTZ đang được vận hành tại hơn 150 quốc gia (châu Á chiếm gần nửa số FTZ) và Việt Nam dù nằm trong Top 23 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng chưa có FTZ.
Dựa trên tiềm năng lớn và vị trí chiến lược, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề xuất phát triển FTZ để thúc đẩy logistics tăng trưởng, thu hút nguồn hàng về cho các cảng trên địa bàn, góp phần đa dạng hóa hoạt động dịch vụ logistics; tăng cường năng lực trung chuyển và logistics quốc tế, thúc đẩy nhanh hơn cụm cảng Cái Mép – Thị Vải thành trung tâm trung chuyển, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực; hợp lực và kết nối với sân bay Long Thành, tạo cơ hội hình thành dịch vụ cảng biển và sân bay.
“Sự kết hợp giữa cảng biển cửa ngõ và sân bay quốc tế là cơ hội tuyệt vời để tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế quan trọng trong khu vực, tận dụng cơ hội, phát huy được hết tiềm năng khi có khu thương mại tự do”, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) nhận xét.
Theo ông Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội để phát triển FTZ khi điều kiện tự nhiên thuận lợi, đã hình thành cụm cảng cửa ngõ Cái Mép được quy hoạch và phát triển hiện đại, đồng bộ, có thể đón được tàu lớn nhất thế giới.
FTZ sẽ giúp tiết kiệm được thời gian luân chuyển hàng hóa, tiết kiệm chi phí vận chuyển cho chủ hàng; giải quyết vấn đề hiện có, đó là cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang thiếu khu vực logistics hậu cảng và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ.
Phần lớn lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn đang thực hiện các công đoạn khai thác như đóng container, kiểm định, khai quan… tại cảng cạn (ICD) ở các tỉnh khác, sau đó vận chuyển bằng sà lan đưa lên tàu mẹ tại khu vực Cái Mép – Thị Vải.
Triển vọng lượng hàng hoá gia tăng khi FTZ được xây dựng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải sẽ thúc đẩy nhu cầu vận tải và mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp vận tải biển tại Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng trọng tải của các hãng tàu trong nước hiện nay là hơn 11 triệu tấn DWT, đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (tổng trọng tải 134 triệu tấn DWT), Indonesia và Malaysia.
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) cho biết, tổng trọng tải của các hãng tàu Việt Nam không nhỏ so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, chất lượng đội tàu là vấn đề khi hầu hết các tàu biển là tàu nhỏ, đã đầu tư từ lâu nên công nghệ và máy móc lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu vận chuyển xanh, thân thiện môi trường hiện nay. Ngoài ra, trong 600 doanh nghiệp vận tải biển chỉ có 33 doanh nghiệp sở hữu đội tàu có trọng tải trên 10.000 tấn DWT, khiến nhiều hãng tàu Việt Nam khó cạnh tranh với các hãng tàu trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Malaysia… đã triển khai FTZ hiệu quả, qua đó giúp các quốc gia này trở thành trung tâm hàng hoá toàn cầu.
Nếu Việt Nam thí điểm và phát triển FTZ, đây sẽ là cơ hội lớn để thu hút hàng hoá và trở thành một điểm trung chuyển hàng hoá toàn cầu, với vị trí chiến lược tại khu vực Cái Mép – Thị vải, nơi có thể đón được các tàu mẹ lớn nhất thế giới hiện nay.
Gemadept và Cảng Sài Gòn kỳ vọng hưởng lợi
Thực tế, một số doanh nghiệp đã đề xuất làm cảng Cái Mép Hạ như Gemadept, Liên doanh Besix – Boskalis – Hateco, Công ty cổ phần IMG Innovations, Liên doanh Geleximco – SCIC – ITC, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Sun Group.
Trong các doanh nghiệp niêm yết sở hữu cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, Gemadept đã đầu tư cảng nước sâu Gemalink và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (mã SGP) cùng liên doanh đã đầu tư cảng quốc tế Cái Mép.
Cảng quốc tế Cái Mép do Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép làm chủ đầu tư đã được đưa vào vận hành từ năm 2011 với diện tích 48 ha, mặc dù đầu tư từ nhiều năm nhưng kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.
Năm 2023, Công ty ghi nhận lỗ 178,8 tỷ đồng trong khi năm 2022 lãi 12,8 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2024, Cảng Sài Gòn đã đầu tư 166,7 tỷ đồng vào doanh nghiệp này và phải trích lập dự phòng 100% khoản đầu tư.
Ngược lại, cảng Gemalink đã vận hành giai đoạn 1 vào đầu năm 2021, tính tới ngày 30/9/2024, khoản đầu tư của Gemadept vào Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link ghi nhận lãi luỹ kế hơn 409 tỷ đồng, tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2023 (101 tỷ đồng), nâng tổng giá trị đầu lên 1.886,4 tỷ đồng (giá gốc đầu tư là 1.477,35 tỷ đồng).
Sau khi giai đoạn 1 cảng Gemalink đạt trên 90% công suất, Gemadept đã lên kế hoạch đầu tư dự án cảng nước sâu Gemalink – giai đoạn 2A, triển khai từ quý IV/2024 đến quý IV/2025, với diện tích 11 ha, tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD, công suất 600.000 TEU/năm, qua đó nâng tổng diện tích dự án lên 44 ha, tổng vốn đầu tư 450 triệu USD và công suất 2,1 triệu TEU/năm.
Có thể thấy, dù hoạt động trong khu vực nước sâu cụm cảng Cái Mép – Thị Vải nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tại đây không tương đồng. Trong khi Gemadept đang cho thấy hiệu quả, tiếp tục mở rộng hoạt động thì Cảng Sài Gòn lại đón nhận kết quả kinh doanh tại cảng quốc tế Cái Mép không như kỳ vọng, phải trích lập phần lớn giá trị đã đầu tư.
Tuy nhiên, nếu FTZ được thông qua và thí điểm thực hiện, đây sẽ là cơ hội để cả Gemadept và Cảng Sài Gòn mở rộng dịch vụ, nâng công suất cụm cảng và kỳ vọng bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Ưu điểm của FTZ là miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hoá xuất khẩu từ khu FTZ ra nước ngoài, hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu FTZ và chỉ sử dụng trong khu FTZ, hàng hoá chuyển từ khu FTZ này sang khu FTZ khác; hàng hoá có thể được lưu trữ trong khu FTZ vô thời hạn; hàng hoá chỉ phải chịu thuế xuất nhập khẩu khi có giao dịch giữa khu FTZ với khu vực tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Rồng Việt lưu ý, nhược điểm của mô hình FTZ là có nguy cơ trở thành kho lưu trữ, phân phối hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như nguy cơ trở thành điểm trung gian cho các các doanh nghiệp buôn lậu, lẩn tránh các chính sách, pháp luật về thuế.