Nội dung chính
Với nguồn lực sản xuất sẵn có của các doanh nghiệp trong nước cộng với nhu cầu tiêu thụ cao su của EU luôn ở mức cao, còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu nhóm mặt hàng cao su và sản phẩm cao su sang thị trường EU.
CAO SU VIỆT NAM TẠI EU
Tăng trưởng chưa xứng tiềm năng
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), EU là một trong những thị trường tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới với mức nhập khẩu bình quân khoảng 70 tỷ USD/năm, trong đó khoảng gần 40% nhập khẩu từ ngoài khối.
Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn thứ 14 vào thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 16,5%/năm trong giai đoạn 2018-2022.
Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2021-2022 (3 năm đầu tiên sau khi EVFTA có hiệu lực) đã ghi nhận kim ngạch tăng lên mức cao kỷ lục của cao su Việt Nam tại thị trường này. Cụ thể, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam sang EU đã tăng tới 60% so với năm 2020, đạt 709 triệu USD. Tiếp đó, đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam sang EU đạt kỷ lục 722 triệu USD, tăng 1,8% so với năm 2021 và tăng tới 86,2% so với con số 388 triệu USD của năm 2018.
Tính chung trong giai đoạn từ năm 2018-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 và bất ổn thị trường nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam sang EU luôn duy trì được mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt là trong năm 2021-2022, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam vào EU. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su ngoại khối của EU cũng cải thiện rõ rệt từ 1,6% năm 2018 lên 2,4% vào năm 2022.
Năm 2023, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đi hơn 80 thị trường đạt hơn 2,1 triệu tấn với giá trị gần 2,9 tỷ USD. Trong đó, EU là thị trường lớn thứ ba (sau Trung Quốc, Ấn Độ) với tổng lượng xuất khẩu đạt 66.472 tấn, chiếm 3,1% thị phần, giá trị đạt gần 94,3 triệu USD.
Sản phẩm cao su chế biến sâu của cả nước năm 2023 đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD năm 2023, tăng 3,5% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang EU ước đạt gần 375,3 triệu USD, nhiều nhất là sản phẩm lốp xe ước đạt 268,2 triệu USD, chiếm 71,5% giá trị xuất khẩu sang thị trường EU.
EU là khách hàng quan trọng đối với các nhóm ngành cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su chế biến sâu. EU cũng là thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa.
Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA)
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, nếu so với các nước sản xuất cao su khác trong khu vực Đông Nam Á thì đây là mức khá khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tính đến năm 2022, Thái Lan là nước xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn thứ hai ngoại khối vào EU với kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 8,1% thị phần; Malaysia đứng thứ 5 với 1,88 tỷ USD, chiếm 6,3% thị phần ngoại khối; Indonesia đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 4,2% thị phần ngoại khối. Như vậy, Việt Nam hiện đang xếp sau các nước sản xuất cao su chính trong khu vực với khoảng cách tương đối lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ chế biến các sản phẩm của Việt Nam để phù hợp với nhu cầu của thị trường còn hạn chế. Với nhu cầu ổn định ở mức cao, có thể thấy sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên vào thị trường EU hiện nay là tương đối lớn.
EU cũng là một thị trường khó tính với yêu cầu đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật cao và chứng nhận bền vững. Hiện Quy định về cấm lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng của EU (EUDR) đang đặt ra những thách thức mới cho các nước sản xuất cao su tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
EVFTA – ĐÒN BẨY XUẤT KHẨU
cao su Việt Nam sang EU
Với nguồn lực sản xuất sẵn có của các doanh nghiệp trong nước cộng với nhu cầu tiêu thụ cao su của EU luôn ở mức cao, còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu nhóm mặt hàng cao su và sản phẩm cao su sang thị trường EU.
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho rằng hiện nay và thời gian tới có nhiều yếu tố hỗ trợ trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này sang EU.
Thứ nhất, kinh tế EU dự kiến phục hồi vào trong năm 2024-2025, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với cao su và sản phẩm từ cao su. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), tăng trưởng GDP của EU sẽ tăng 1,3% trong năm 2024 và 1,7% trong năm 2025. Lạm phát tại EU cũng được dự đoán sẽ giảm tốc từ 6,5% vào năm 2023 xuống 3,5% vào năm 2024 và 2,4% vào năm 2025. Đây sẽ là yếu tố quan trọng đưa hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tại thị trường EU dần hồi phục trở lại.
Thứ hai, theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, cao su tổng hợp và các chất dẫn xuất sẽ không có lợi thế mới khi xuất khẩu sang EU vì thuế suất đã đang là 0%. Tuy nhiên, các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su sẽ được miễn thuế ngay lập tức từ 3% – 4,5% sau khi EVFTA có hiệu lực. Băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5%. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu các sản phẩm làm từ cao su vào EU, đặc biệt là lĩnh vực săm lốp.
Thứ ba, nhu cầu đối với cao su và sản phẩm cao su của thị trường có xu hướng tăng. Trong giai đoạn 2023-2033, doanh số bán lốp ô tô ở châu Âu được dự báo sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) khoảng 4,8%. Thị trường cao su EU có khả năng vượt qua mức định giá 108,7 tỷ USD vào năm 2033. Nhu cầu về lốp ô tô ở châu Âu gắn liền với doanh số bán xe. Sản lượng xe ô tô chở khách, xe thương mại hạng nhẹ và xe thương mại hạng nặng ở mức cao có thể ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu lốp xe.
Thứ tư, bên cạnh tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định EVFTA còn tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác liên doanh sản xuất sản phẩm cao su khi thuế nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị vào Việt Nam, giảm dần đến mức 0%, tạo điều kiện khai thác dịch vụ tại các khu công nghiệp trên đất cao su. Theo đó, phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su để nâng cao giá trị gia tăng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm của ngành, thúc đẩy ngành cao su tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, từ khâu cung cấp nguyên liệu đến sản xuất thành phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận dây chuyền sản xuất tiên tiến và chuyển giao công nghệ trong ngành cao su từ các nước phát triển, đặc biệt là các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20. Đây lại là những chủng loại mà thị trường EU cần song Việt Nam sản xuất được còn hạn chế và chất lượng thiếu ổn định. Hiện hoạt động sản xuất săm lốp của Việt Nam đang ngày một mở rộng với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Riêng các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, các dự án đầu tư của EU có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong những nhóm ngành hàng mà EU đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam có thể kể đến gồm nhóm ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; nhóm Bán buôn và bán lẻ; nhóm sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy…
Thứ năm, nhiều doanh nghiệp cao su Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện công nghệ sản xuất, đạt được các chứng chỉ quốc tế về tính bền vững như FSC, PEFC…, đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường EU.
Nhìn rộng hơn, toàn ngành cao su Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược xanh hóa, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của EU. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đặt ra các mục tiêu trong việc giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng; xanh hóa chuỗi cung ứng; mở rộng diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC), mở rộng các nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm. Để đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp ứng dụng kỹ thuật trong canh tác cao su theo hướng bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc; triển khai đánh giá trữ lượng carbon của rừng cây cao su hướng tới thương mại hóa tín chỉ carbon…
KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC
cho xuất khẩu cao su Việt Nam sang EU
Song song với những cơ hội thuận lợi và những yếu tố hỗ trợ thúc đẩy thì triển vọng xuất khẩu cao su Việt Nam sang EU cũng gặp một số khó khăn, thách thức.
Công nghệ chế biến các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường EU của nhiều doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Hiện EU có nhu cầu cao đối với cao su tổng hợp, SVR CV60, SVR 10… nhưng Việt Nam đang sản xuất rất ít, thậm chí cao su tổng hợp của Việt Nam chưa ghi nhận xuất khẩu vào EU mà chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, chất lượng hàng hoá cũng thiếu ổn định, trong khi xuất khẩu sang thị trường EU cũng có những khó khăn về mặt địa lý, chi phí vận chuyển cao.
EU là một thị trường khó tính với việc yêu cầu đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩm và ngày càng có xu hướng gia tăng các tiêu chuẩn về môi trường/khí hậu, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Việc tuân thủ Quy định quản lý phòng chống phá rừng của EU (EUDR) là một thách thức lớn với các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.
Trong khi diện tích cao su đạt chứng chỉ bền vững của Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn và đặc biệt Việt Nam chưa có diện tích nào đạt chứng chỉ FSC (một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu), một số hạn chế hiện nay của ngành như: Nhiều công ty cao su chưa quan tâm thích đáng tới việc sản xuất cao su có chứng chỉ; chuỗi cung hiện tại của ngành còn phức tạp, bao gồm sự pha trộn của các hợp phần đại điền và tiểu điền, của nguồn cung nội địa và nguồn cung nhập khẩu…
Với nhu cầu và quy mô tiêu thụ cao su của thị trường EU luôn ở mức cao, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên vào thị trường EU hiện nay là tương đối lớn.
Hệ thống quản lý cấp quốc gia về chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng bộ trên cả nước, và chưa có cơ quan chức năng quản lý chất lượng cao su tiểu điền. Bên cạnh đó, Việt Nam chỉ mới có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm cao su thiên nhiên đầu ra, chưa có tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc pha trộn tạp chất vào nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến chất lượng của các nhà máy sơ chế mủ cao su.
Việt Nam có sản lượng xuất khẩu cao trên thế giới, nhưng đều xuất khẩu dưới dạng chế biến thô. Công nghệ chế biến còn hạn chế so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước. Do đó, để phát triển bền vững ngành cao su, tái cơ cấu lại ngành là cần thiết, trong đó vừa củng cố nội lực của các doanh nghiệp, vừa cần các chủ trương, chính sách và cả chiến lược phát triển từ Chính phủ đối với ngành cao su.
Bài: Hoàng Phương
Ảnh: Team Media
Thiết kế: An Vũ