Trang chủKinh TếVì sao Việt Nam khởi động lại Đại dự án điện hạt...

Vì sao Việt Nam khởi động lại Đại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận?

Việt Nam cần nghiên cứu, khởi động lại điện hạt nhân để đủ năng lượng, vận hành hệ thống ổn định khi tỷ trọng điện tái tạo ngày càng cao và mục tiêu Net Zero vào 2050, theo chuyên gia.

Quốc hội giao Chính phủ trình cấp có thẩm quyền việc khởi động lại điện hạt nhân, theo Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 2025.

Tại phiên chất vấn chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền và được đồng ý về chủ trương tái khởi động điện hạt nhân.

Đảm bảo an ninh năng lượng là lý do đầu tiên, Việt Nam cần tính toán phát triển điện hạt nhân. Trong kết luận của Thường trực Chính phủ hồi tháng 9, Chính phủ cho biết Việt Nam định hướng chuyển nguồn năng lượng nền từ điện than sang khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng đạt 12-15% mỗi năm.

Vì thế, ngoài các nguồn năng lượng hiện nay, việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân là cần thiết, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Phát triển điện hạt nhân có thể giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường, theo Chính phủ.

Để đủ năng lượng, Chính phủ đề xuất sửa Luật Điện lực, trong đó Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Thực tế, nhu cầu điện tăng bình quân khoảng 10% một năm. Dự báo nhu cầu này tăng cao giai đoạn tới, như 2025 quanh 12-13%, để đạt mục tiêu GDP tăng 6,5-7%. Tức là, để đảm bảo an ninh năng lượng, theo tính toán, tăng trưởng kinh tế 1% thì điện cần 1,5%.

Tuy nhiên, tại một báo cáo hồi tháng 9, Bộ Công Thương cho biết nguy cơ thiếu hụt công suất giai đoạn 2026 – 2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện, đặc biệt là miền Bắc. Theo cơ quan này, nhiều nguồn điện lớn (thủy điện, than, khí) tại Quy hoạch điện VIII khó đáp ứng tiến độ vận hành đến năm 2030.

Chẳng hạn, trong 23 dự án điện khí (30.424 MW) hiện mới có nhiệt điện Ô Môn 1 hoạt động, dự án Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến vận hành vào tháng 5/2025. Với điện than, khoảng 3.380 MW vận hành vào 2030 và sau đó không phát triển theo cam kết Net Zero. Theo quy hoạch, công suất thủy điện là 29.346 MW, nhưng không thuận lợi vì dung lượng không còn nhiều, có thể gặp rủi ro khi phát triển. Ngoài ra, điện gió ngoài khơi, gần bờ cũng khó đạt quy mô công suất theo quy hoạch, lần lượt 6.000 MW và 21.880 MW.

“Nền kinh tế sẽ đóng băng nếu không có điện. Do đó, phát triển nguồn năng lượng bền vững, đa dạng là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam hiện tại”, GS.TSKH Trần Quốc Tuấn, Đại học Quốc gia Khoa học và công nghệ Hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu CEA Liten-INES, nói.

Ông cho rằng điện hạt nhân giúp các nước, trong đó Việt Nam có thể độc lập về năng lượng. “Việc này rất quan trọng, Việt Nam cần đặt ra sớm bởi tương lai, các nguồn điện hiện tại không đáp ứng được nhu cầu, phải nhập khẩu năng lượng sẽ rất nguy hiểm”, ông Tuấn cảnh báo.

Hơi nước bốc lên từ các tháp làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Bugey ở Saint-Vulbas, miền trung nước Pháp, vào ngày 20/7. Ảnh: AFP

Điện hạt nhân ổn định, ít phát thải carbon, thân thiện với môi trường. Sau cam kết của Thủ tướng tại COP26 về giảm phát thải ròng về 0, loại năng lượng này được giới chuyên gia về năng lượng nhắc tới nhiều.

Trong cơ cấu nguồn điện tính tới cuối 2023, điện than chiếm tỷ trọng trên 33%, thủy điện 28%, năng lượng tái tạo (mặt trời, gió) khoảng 27% và nguồn khác. “Việc phụ thuộc quá nhiều vào điện than gây hại cho môi trường, không phù hợp với cam kết của Việt Nam về giảm phát thải carbon”, ông Trần Quốc Tuấn bình luận.

Theo chuyên gia, điện hạt nhân phát thải rất ít, khoảng 6 gram CO₂ trên mỗi kWh, so với mức phát thải trên 1.000 gram của điện than. Như vậy, điện hạt nhân có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải, mà vẫn đủ năng lượng phát triển kinh tế.

Cùng quan điểm, TS Phạm Tuấn Hiệp – nguyên kỹ sư nghiên cứu Ủy ban Năng lượng hạt nhân và năng lượng thay thế (CEA) Cộng hòa Pháp, hiện là chuyên viên Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) – cho biết điện hạt nhân có phát thải CO₂ tính trên vòng đời dự án (lắp đặt, sản xuất, vận hành và tháo dỡ) rất thấp, tương đương hoặc ít hơn so với sản xuất điện gió, mặt trời.

“Việc kết hợp hợp lý điện hạt nhân và năng lượng tái tạo trong tổng thể quy hoạch là giải pháp cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam”, ông Hiệp nói.

Thực tế, Việt Nam từng tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhưng dự án này đã dừng theo quyết định năm 2016 của Quốc hội. Năm 2022, Ủy ban Kinh tế từng đề xuất xem xét phát triển loại năng lượng này trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.

Tại Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn, thay vào đó các nguồn truyền thống, như điện than sẽ dần thu hẹp. Song, tính thiếu ổn định của điện mặt trời, gió đặt ra bài toán lớn cần giải quyết.

“Đầu tiên là việc đảm bảo công suất tiêu thụ tối đa khi nguồn cung điện tái tạo không đạt tối ưu”, TS Phạm Tuấn Hiệp nói. Ông phân tích thời điểm người dùng sử dụng điện nhiều nhất, ví dụ 8 giờ tối, không phải lúc các nhà máy năng lượng tái tạo sản xuất tốt nhất do phụ thuộc vào gió, mặt trời.

Theo ông, giải pháp lưu trữ và truyền tải để tối ưu công suất được nghiên cứu, triển khai nhưng còn nhiều trở ngại kỹ thuật để áp dụng diện rộng, đặc biệt khi công suất nguồn tái tạo tăng mạnh. Ngược lại, điện hạt nhân có khả năng linh hoạt trong điều chỉnh công suất, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ biến động theo giờ, thậm chí theo phút.

PGS. TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng điện hạt nhân sẽ giải quyết bài toán ổn định của hệ thống điện. “Năng lượng này sẽ giúp dự phòng cho điện tái tạo, cần thiết được đưa vào quy hoạch”, ông nói.

Năm 2050, điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn nhất 63,8% trong cơ cấu nguồn, trong khi thủy điện và điện khí là 15,7%. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì tổng công suất nguồn điện nền cũng cần tương ứng, để hệ thống vận hành ổn định.

Các nguồn thủy điện, khí LNG có thể đáp ứng được yêu cầu nguồn nền khi công suất năng lượng tái tạo tăng cao. Ông Tấn ước tính năm 2050, hệ thống cần dự phòng 20% là điện nền.Như vậy, tỷ trọng thủy điện và điện khí thời điểm này chỉ đủ cho dự phòng công suất.

“Việc này khó bảo đảm ổn định hệ thống, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt cho các ngành công nghệ cao”, ông nói.

Chưa kể, thủy điện phụ thuộc vào thời tiết và có thêm nhiệm vụ điều tiết lũ, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Dùng hoàn toàn công suất của nguồn này dự phòng cho điện tái tạo, các mục tiêu khác có thể bị ảnh hưởng. Tương tự, sử dụng điện khí LNG để dự phòng công suất cũng khó chắc chắn khi nhiên liệu phụ thuộc nhập khẩu, giá cao.

Ngoài ra, bài toán kinh tế cũng là yếu tố quan trọng để xem xét tái khởi động điện hạt nhân. PGS. TS Vương Hữu Tấn cho biết do yêu cầu về an toàn nên nhà máy điện hạt nhân thường có chi phí đầu tư cao. Tuy vậy, chi phí nhiên liệu, vận hành và bảo dưỡng của các nhà máy này lại thấp. Cùng với đó, số giờ vận hành mỗi năm khoảng 7.000 giờ, nên sản lượng điện tạo ra nhiều hơn các nhà máy khác cùng công suất.

“Giá thành điện hạt nhân trong nhiều trường hợp có thể cạnh tranh được”, ông nói. Chẳng hạn, ở Nhật Bản giá điện hạt nhân rẻ nhất do nước này phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất các nguồn năng lượng khác.

Giới chuyên môn nhìn nhận Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện hạt nhân và thời gian qua đã chuẩn bị bước đầu cơ bản. Tuy nhiên, GS Trần Quốc Tuấn cho rằng Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng, chủ trương nhất quán từ cấp cao khi phát triển năng lượng này.

Tiếp đó, bài toán nguồn nhân lực cần được giải quyết. “Việt Nam nên khôi phục chương trình đào tạo, nghiên cứu trước đây, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm”, ông Tuấn góp ý.

TS Phạm Tuấn Hiệp cũng nói Việt Nam phải có đội ngũ nhân lực trong nước đủ trình độ, không thể “nhập khẩu” chuyên gia nước ngoài. Ông gợi ý cộng đồng chuyên gia người Việt tại Pháp có chuyên môn cao, có thể đóng góp vào xây dựng, vận hành và duy trì an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Khi nguồn nhân lực sẵn sàng, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chọn công nghệ phù hợp và xây dựng cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân. Việc này nhằm đảm bảo dự án khả thi, an toàn, đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng.

Điện hạt nhân Ninh Thuận từng được triển khai ra sao

Sau nhiều năm ấp ủ, Việt Nam thông qua chủ trương làm điện hạt nhân nhưng sau 7 năm chuẩn bị, triển khai một số dự án thành phần, dự án tại Ninh Thuận được tạm dừng.

Đồ hoa: Tạ Lư

Chương trình phát triển điện hạt nhân được ấp ủ vào những năm 1970, nhưng tới giai đoạn 1996-2009 loại năng lượng này mới được nghiên cứu một cách nghiêm túc, sau khi cấp có thẩm quyền cho chủ trương, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và nhu cầu điện rất cao.

Tại thời điểm 2008 khi lập đề án, Chính phủ tính toán tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo tăng 9-10%, kéo theo nhu cầu tăng trưởng điện 17-20%. Với nhu cầu cao như vậy, ngoài nhiệt điện, thủy điện đã có, năng lượng sơ cấp nhập khẩu lớn, cần một loại năng lượng mới đảm bảo tính ổn định, giá cạnh tranh.

Đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội vào cuối 2009, với dự kiến xây dựng hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải, tổng công suất 4.000 MW. Tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỷ đồng.

Hai vị trí được quy hoạch làm Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 ở Ninh Thuận. Đồ họa: Tiến Thành

Việc nghiên cứu địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân cũng được các bên tham gia xem là quan trọng và làm kỹ lưỡng. Từ nhiều vị trí nghiên cứu, khảo sát ban đầu, hai vị trí tại Ninh Thuận được “chốt”, chọn là nơi đặt 2 nhà máy điện hạt nhân. Đây là các địa điểm sau khi nghiên cứu được đánh giá là tiềm năng, an toàn và khó có khả năng lựa chọn địa điểm khác.

Loạt công việc chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng dự án này được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, EVN triển khai trong 6 năm sau đó, như tuyến đường ven biển Ninh Thuận, rồi tái khởi động dự án hồ Tân Mỹ (trên 200 triệu m3)…

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom), Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chuẩn bị nguồn chuyên gia kỹ thuật (nghiên cứu về công nghệ, an toàn điện hạt nhân). Chia sẻ với VnExpress, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Vinatom cho biết, gần 100 người được Viện cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài thông qua xin học bổng, sang Liên bang Nga, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Ngoài nhóm này, còn có khoảng 450 sinh viên, kỹ sư đi học ở Nga và Nhật Bản theo chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đào tạo chuyên của EVN, gồm đào tạo đại học về điện hạt nhân, nâng cao trình độ, đào tạo cán bộ chủ chốt về công nghệ và an toàn nhà máy điện hạt nhân…

Về công nghệ, ông cho biết, dự án Việt Nam thực hiện trong giai đoạn đó cần đáp ứng các yêu cầu an toàn hậu Fukushima, trong đó phần sự cố nặng cần được quan tâm và xem xét đến trong thiết kế lò được lựa chọn.

Khi đó, thế giới đang tập trung vào một số công nghệ điện hạt nhân chính, như nước nhẹ (LWR) hoặc nước nặng tiên tiến thế hệ III+… Với Việt Nam, Vinatom đề xuất lò tiên tiến của Nga, là AES2006/V491 cho dự án Ninh Thuận 1 và lò AP1000 công suất 1000 MWe của Westinghouse (Mỹ) cho dự án Ninh Thuận 2, là các thiết kế mới đảm bảo nhiều tiêu chí về an toàn hậu Fukushima. Công nghệ LWR thế hệ III+ đang được ứng dụng tại 51 lò trong các nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng mới hiện nay trên thế giới.

Sau 7 năm chuẩn bị, tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Giải thích việc dừng khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án. Khi đó, Việt Nam cũng cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội…

“Việc dừng chủ yếu do tính khả thi dự án không còn”, ông Lê Hồng Tịnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội, chia sẻ với báo chí ở thời điểm Quốc hội quyết định dừng chủ trương đầu tư dự án này.

Theo ông, bối cảnh khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân thì dự kiến tốc độ tăng trưởng rất cao, nhưng cuối 2016 đà tăng này thấp hơn nhiều, 6-7% một năm. Tăng trưởng điện năng theo tính toán giảm một nửa vào 2020 và dự kiến còn một phần ba trong 10-15 năm tiếp theo.

Lý do nữa, là quan ngại nợ công sẽ vượt trần nếu phải vay thêm để làm dự án này.

Tới trước khi quyết định dừng được đưa ra, đã có 7 dự án thành phần do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Ninh Thuận đầu tư, số vốn trên 2.300 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, hệ thống cấp điện và hạ tầng phục vụ thi công; khảo sát thiết kế di dân tái định cư; đền bù, giải phóng mặt bằng; xây dựng các công trình phụ trợ cũng được triển khai.

Sau khi dừng dự án điện hạt nhân, Chính phủ chấp thuận loạt chủ trương, hỗ trợ để tỉnh này phát triển. Một trong số đó là phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); đầu tư dự án Thủy điện tính năng Bắc Ái; tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp.

Ninh Thuận tiếp tục được hưởng cơ chế giá ưu đãi phát triển điện mặt trời 9,35 cent một kWh theo Quyết định 11/2017 đến hết năm 2020, với các dự án điện mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW.

Chuyển hướng phát triển nguồn năng lượng mới, Ninh Thuận đã thu hút lượng vốn lớn đầu tư vào năng lượng tái tạo vài năm qua. Từ địa phương có thu nhập bình quân đầu người dưới mức bình quân chung cả nước, năm 2020, tức 5 năm sau chủ trương dừng điện hạt nhân, tốc độ tăng GRDP của tỉnh bình quân đạt 10,2% một năm (60,1 triệu đồng một người). Năm 2021, tổng thu ngân sách của địa phương này đạt 3.907 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần năm 2015.

Nhưng người dân vùng quy hoạch dự án vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi đề án ổn định sản xuất, phát triển khu dân cư vẫn chưa được phê duyệt.

Vị trí quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được Chính phủ điều chỉnh sang phát triển năng lượng tái tạo. Khu vực nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất. Tức là hiện quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo các quyết định của Bộ Công Thương vẫn còn hiệu lực.

Bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận, lo lắng khi người dân tại đây bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất. Các công trình phúc lợi không được đầu tư đang bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng… Thậm chí, có trường hợp chủ sử dụng đất đã già yếu, qua đời nhưng không thể sang tên, tặng cho, thừa kế cho thế hệ sau.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng triển khai từ năm 2016. Mới đây, sau 5 năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu điện hạt nhân ở giai đoạn phát triển năng lượng tiếp theo. Quy hoạch địa điểm các vị trí dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cũng được cơ quan này đề nghị giữ lại, cho tới khi có quyết định chính thức từ cấp thẩm quyền.

Điện hạt nhân hồi sinh mạnh mẽ trên toàn thế giới sau những bước lùi

Cách đây một thập kỷ, dường như ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu đang ở trong tình trạng suy thoái không thể cứu vãn. Nhưng hiện tại, ngành công nghiệp này dường như đang được hồi sinh.

Điện hạt nhân đang dần được hồi sinh nhờ vào xu hướng phát triển năng lượng sạch và các tập đoàn công nghệ lớn. Ảnh: FutureEnergy.

Quá trình phát triển thăng trầm của điện hạt nhân

Những lo ngại về độ an toàn, chi phí và biện pháp xử lý chất thải phóng xạ đã làm giảm đi sự nhiệt tình của thế giới đối với một công nghệ từng được coi là nguồn năng lượng dồi dào, giá rẻ và mang tính cách mạng.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thế giới một lần nữa chứng kiến sự hồi sinh của năng lượng nguyên tử, được thúc đẩy bởi những “gã khổng lồ” công nghệ như Microsoft, Google và Amazon. Tất cả các tập đoàn này đều công bố đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân, trong khi các quốc gia giàu có cũng chịu sức ép lớn trong việc hạn chế lượng khí thải carbon và chuyển sang năng lượng sạch.

Khi năng lượng hạt nhân thương mại lần đầu tiên được phát triển vào những năm 1950 và 1960, chính phủ các nước đã tỏ ra hết sức hứng thú trước những tiềm năng dường như vô hạn của nó.

Các lò phản ứng hạt nhân có thể khai thác và kiểm soát những lực lượng khủng khiếp, tương tự như lực được giải phóng bởi bom nguyên tử, để cung cấp điện cho hàng triệu ngôi nhà. Chỉ với 1 kg uranium đã mang lại năng lượng gấp 20.000 lần so với 1 kg than đá, và chính phủ nhiều nước coi đây là nguồn năng lượng của tương lai.

Nhưng công nghệ này cũng khiến nhiều người lo sợ. Và nỗi lo sợ đó dường như được chứng minh bằng thảm họa Chernobyl, sự kiện khiến ô nhiễm phóng xạ lan rộng khắp châu Âu vào đầu năm 1986.

Sự kiện này thúc đẩy sự phản rộng khắp và làm chậm sự phát triển của ngành điện hạt nhân.

Một vụ tai nạn khác tại nhà máy Fukushima Daichi ở Nhật Bản vào năm 2011 đã làm dấy lên mối lo ngại về an toàn hạt nhân. Bản thân Nhật Bản đã đóng cửa tất cả các lò phản ứng của mình ngay sau đó và chỉ có 12 lò phản ứng được khởi động lại kể từ sau thảm họa này.

Đức quyết định loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân. Các quốc gia khác thu hẹp kế hoạch đầu tư vào các nhà máy điện mới hoặc kéo dài tuổi thọ của các cơ sở cũ.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), xu hướng này khiến thế giới tổn thất 48GW sản lượng điện trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2020.

1.png
Một số quốc gia trên thế giới đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Ảnh: BBC.

Điện hạt nhân hồi sinh mạnh mẽ

Nhưng sự phát triển của hạt nhân không dừng lại ở đó. Ví dụ, ở Trung Quốc, có 13 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2011, con số này đã tăng lên 55, và hiện có 23 lò khác đang được xây dựng. Đối với Bắc Kinh, trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng nhanh, điện hạt nhân đã và đang đóng một vai trò quan trọng.

Ở thời điểm hiện tại, sự quan tâm đến lĩnh vực này dường như đang tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này một phần là do các nước phát triển đang tìm cách đáp ứng nhu cầu năng lượng, đồng thời phấn đấu đạt mục tiêu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris.

Trong khi năm 2024 được dự đoán là năm nóng nhất trong lịch sử, áp lực cắt giảm lượng khí thải carbon đang ngày càng tăng. Sự tập trung của toàn thế giới vào an ninh năng lượng, nảy sinh sau khi cuộc xung đột Ukraine-Nga bắt đầu vào tháng 2/2022, cũng là một nguyên nhân.

Đơn cử, Hàn Quốc gần đây đã hủy bỏ kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân lớn trong vòng 4 thập kỷ, thay vào đó sẽ xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân hơn.

Pháp cũng đảo ngược kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, nguồn cung cấp 70% điện năng cho nước này. Thay vào đó, họ muốn xây dựng tới 8 lò phản ứng mới.

Ngoài ra, tuần trước, chính phủ Mỹ đã tái khẳng định tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP29), được tổ chức tại Azerbaijan, rằng họ có ý định tăng gấp 3 lần sản lượng điện hạt nhân vào năm 2050.

Nhà Trắng ban đầu đã cam kết thực hiện kế hoạch này bên lề hội nghị COP28 tổ chức vào năm ngoái. Tổng cộng có 31 quốc gia hiện đã đồng ý nỗ lực tăng gấp 3 lần việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào năm 2050, bao gồm Anh, Pháp và Nhật Bản.

Cũng tại COP29, kết thúc vào ngày 22/11 vừa qua, Mỹ và Anh tuyên bố sẽ hợp tác để đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ điện hạt nhân mới.

Nhu cầu điện của Microsoft sẽ giúp cho nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island, trong hình, khởi động lại. Ảnh: Getty.

Các gã khổng lồ công nghệ nhập cuộc

Khao khát năng lượng sạch không chỉ đến từ chính phủ các nước trên thế giới. Các gã khổng lồ công nghệ cũng đang nỗ lực phát triển ngày càng nhiều ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

AI vẫn dựa vào dữ liệu, và các trung tâm dữ liệu cần nguồn điện liên tục và đáng tin cậy. Theo tổ chức nghiên cứu Barclays Research, các trung tâm dữ liệu chiếm 3,5% lượng điện tiêu thụ ở Mỹ hiện nay, nhưng con số này có thể tăng lên hơn 9% vào cuối thập kỷ này.

Trong tháng 9, Microsoft đã ký hợp đồng 20 năm mua điện từ hãng Constellation Energy, dẫn đến việc mở cửa trở lại nhà máy điện Three Mile Island ở bang Pennsylvania – nơi xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Một lò phản ứng của nhà máy từng bị hư hỏng, gây ra cuộc khủng hoảng vào năm 1979.

Bất chấp hình ảnh không tốt trước công chúng, một lò phản ứng khác tại nhà máy vẫn tiếp tục phát điện cho đến năm 2019. Giám đốc điều hành của Constellation, Joe Dominguez, mô tả thỏa thuận mở cửa trở lại nhà máy là “biểu tượng mạnh mẽ cho sự tái sinh của năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy”.

Trong khi đó, các gã khổng lồ công nghệ khác lựa chọn hướng tiếp cận khác. Google có kế hoạch mua năng lượng được sản xuất từ ​​​​một số Lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) – một công nghệ non trẻ nhằm mục đích triển khai năng lượng hạt nhân dễ dàng hơn và rẻ hơn. Amazon cũng đang hỗ trợ phát triển và xây dựng SMR.

Thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn của ngành điện hạt nhân. Ảnh: Getty.

Xu hướng mới trong năng lượng hạt nhân

SMR hiện đang được quảng bá như giải pháp khắc phục được một trong những nhược điểm lớn nhất của năng lượng hạt nhân hiện nay. Ở các quốc gia phương Tây, các nhà máy điện mới phải được xây dựng theo tiêu chuẩn an toàn hiện đại. Điều này, cùng với quy mô khổng lồ của chúng, khiến việc xây dựng chúng trở nên cực kỳ tốn kém và phức tạp.

Hinkley Point C là một ví dụ điển hình. Nhà máy điện hạt nhân mới đầu tiên của Anh kể từ giữa những năm 1990 đang được xây dựng trên một dải bờ biển xa xôi ở phía tây nam nước Anh.

Đây được coi là nhà máy đầu tiên trong loạt nhà máy mới thay thế các lò phản ứng cũ kỹ của Anh. Tuy nhiên, dự án đang chậm tiến độ khoảng 5 năm và sẽ tiêu tốn nhiều hơn kế hoạch tới 9 tỷ bảng Anh (11,5 tỷ USD).

Đó không phải là một trường hợp cá biệt. Các lò phản ứng mới nhất của Mỹ tại Nhà máy Vogtle ở Georgia đã mở cửa muộn 7 năm và tiêu tốn hơn 35 tỷ USD – cao hơn gấp đôi ngân sách ban đầu của họ.

SMR được thiết kế để giải quyết vấn đề này. Chúng nhỏ hơn các lò phản ứng truyền thống, sử dụng các bộ phận tiêu chuẩn hóa có thể được lắp ráp nhanh chóng tại các địa điểm gần nơi cần nguồn điện.

Tuy nhiên, theo IAEA, trong khi có khoảng 80 thiết kế SMR khác nhau đang được phát triển trên toàn cầu thì ý tưởng này vẫn chưa được chứng minh về mặt thương mại.

Chất thải phóng xạ vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Ảnh: ScitechDaily.

Vấn đề xử lý chất thải phóng xạ

Các ý kiến ​​về năng lượng hạt nhân ngày nay vẫn còn khá phân cực. Những người ủng hộ cho rằng công nghệ này là không thể thiếu nếu muốn đạt được các mục tiêu về khí hậu. Trong số đó có Rod Adams, người có quỹ Nucleation Capital thúc đẩy đầu tư vào công nghệ hạt nhân.

Ông giải thích: “Sự phân hạch hạt nhân có lịch sử kéo dài 7 thập kỷ cho thấy nó là một trong những nguồn năng lượng an toàn nhất hiện có. Đây là nguồn năng lượng bền bỉ, đáng tin cậy với chi phí thấp, nhưng chi phí vốn ở các nước phương Tây lại quá cao”.

Tuy nhiên, những người phản đối khẳng định năng lượng hạt nhân không phải là câu trả lời.

Theo giáo sư M.V. Ramana của Đại học British Columbia, “thật điên rồ khi coi năng lượng hạt nhân là sạch”. Ông nói, “đó là một trong những cách tốn kém nhất để tạo ra điện. Đầu tư vào các nguồn năng lượng ít carbon rẻ hơn sẽ giúp giảm lượng khí thải nhiều hơn trên mỗi đồng USD”.

Nếu các xu hướng hiện nay báo trước một thời đại hạt nhân mới, vẫn còn một vấn đề cũ chưa được giải quyết. Sau 70 năm kể từ khi năng lượng nguyên tử xuất hiện, thế giới vẫn còn bất đồng về việc xử lý chất thải phóng xạ tích tụ – một số trong đó sẽ vẫn còn nguy hiểm trong hàng trăm nghìn năm.

Giải pháp đang được nhiều chính phủ nghiên cứu là xử lý địa chất – tức chôn chất thải trong các đường hầm kín sâu dưới lòng đất. Nhưng chỉ có một quốc gia, Phần Lan, thực sự xây dựng một cơ sở như vậy, trong khi các nhà bảo vệ môi trường và các nhà vận động chống hạt nhân cho rằng việc vứt rác thải ra khỏi tầm mắt và tâm trí đơn giản là quá rủi ro.

Việc giải quyết câu hỏi hóc búa đó có thể là yếu tố then chốt quyết định liệu có thực sự tồn tại một kỷ nguyên mới của năng lượng hạt nhân hay không.

Chương trình ưu đãi đặc biệt: Mở tài khoản chứng khoán Phú Hưng Securities với Cố vấn đầu tư cao cấp, quản lý tài sản và ủy quyền đầu tư NGUYỄN VĂN HÙNG - ID:2206. Nhận ngay 20K tiền mặt. Chi tiết liên hệ hotline: 0905 889 188
NĐT 1984
Cùng chung Hướng, định Tầm nhìn là Sứ mệnh làm nên nét Văn hóa của giới Trader kiến tạo VN-Index hướng tới 2.000 điểm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version