Chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống, được giới chuyên gia khuyến nghị, là một trong những yếu tố nhà đầu tư cần quan sát trong thời gian tới.
Nhận diện tác động
Giới phân tích bình luận, với những tuyên bố được ông Donald Trump đưa ra trong quá trình tranh cử, chính sách kinh tế của Mỹ tới đây sẽ có nhiều thay đổi. Nổi bật trong số đó là việc tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và có thể can thiệp vào chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)… Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng tới các ngành nghề và lĩnh vực tương ứng của Việt Nam, gồm xuất nhập khẩu, thu hút FDI và tỷ giá…
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), về xuất khẩu, Việt Nam chịu ảnh hưởng hai mặt từ chính sách mới của chính quyền ông Trump. Thứ nhất, đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 10 – 20% với hàng hóa từ tất cả các nước, gồm cả Việt Nam sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ. Thứ hai, khoảng trống do hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế cao hơn (như đề xuất của ông Trump là có thể lên tới 60%) sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, chính sách thuế quan nặng nề của Mỹ nhắm đến hàng hóa Trung Quốc (nếu được áp dụng như trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump) có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi Trung Quốc tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam kỳ vọng là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trên.
Theo Agriseco, chính sách tăng đánh thuế hàng hóa nhập khẩu của ông Donald Trump sẽ làm gia tăng lạm phát của Mỹ trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD và nhiều hạng mục kinh tế khác, từ đó làm thay đổi lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed. Thực tế, trong tháng 10 vừa qua, khi tỷ lệ dự báo ông Trump chiến thắng trong cuộc đua làm chủ Nhà Trắng tăng, chỉ số DXY – đại diện cho sức mạnh đồng USD đã tăng gần 3,3%; giá hợp đồng tương lai vàng tăng 5,5%, liên tục lập đỉnh mới. Các dự báo về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025 cũng được giãn ra. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn vừa qua.
SSI nhận định, nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump có thể sẽ chứng kiến việc đẩy mạnh chính sách bảo hộ thương mại, dẫn đến gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia lớn, đặc biệt là Trung Quốc.
Chia sẻ tại cuộc đối thoại trực tuyến “Gateway to Viet Nam: Những tác động và ảnh hưởng của hậu bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam”, với các chuyên gia nước ngoài mới đây, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI cho rằng, dưới thời Tổng thống Donald Trump, sẽ có thách thức với Việt Nam, liên quan đến các chính sách bảo hộ thương mại, các rào cản thuế quan, áp đặt mức thuế bảo hộ thị trường nội địa. Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế mở, có các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và khu vực, nên trong ngắn hạn chưa chịu nhiều tác động. Còn trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại với Mỹ, nhập khẩu nhiều hơn, giảm thiểu rủi ro từ chính sách “cây gậy và củ cà rốt”.
… và cơ hội
Chính sách bảo hộ sản xuất trong nước dưới thời ông Trump sẽ tạo ra một khoảng trống lớn cho các sản phẩm Việt Nam xâm nhập vào thị trường này, giúp gia tăng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng. Một số ngành vẫn có cơ hội lớn để phát triển, đặc biệt là dệt may, thủy sản và gỗ, do việc thay thế hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, ông Donald Trump đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc giảm lãi suất trong chiến dịch tranh cử, bởi vậy, giới quan sát kỳ vọng một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế Mỹ, từ đó, tác động tích cực đến các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, đồ gỗ, đá và logistics sẽ được hưởng lợi.
Dệt may là lĩnh vực chịu ảnh hưởng hai mặt bởi chính sách thuế (chính sách hỗ trợ hàng nội địa Mỹ và tập trung hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc), song dệt may là lĩnh vực thâm dụng lao động, nên khó có thể bị thay thế bởi hàng nội địa Mỹ.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 98,4 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu có tăng trưởng của Việt Nam trong 10 tháng qua. Cán cân thương mại với Mỹ duy trì xuất siêu khi đạt 86,1 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mỹ là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92% kim ngạch xuất sang châu lục này.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị sản xuất sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam mạnh hơn. Chia sẻ tại hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11 vừa qua, ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Roland Berger Việt Nam cho biết, Việt Nam đang được định vị là điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp FDI tập trung vào tính bền vững và đổi mới. Việt Nam đang củng cố vị thế là điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI chất lượng cao, thể hiện cam kết rõ ràng về phát triển kinh tế bền vững và dựa trên công nghệ. Cách tiếp cận này cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu, củng cố hơn nữa lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác trong khu vực; trong đó, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Điều này tạo ra nhu cầu lớn đối với đất khu công nghiệp, đồng thời tăng giá trị và tính hấp dẫn của thị trường bất động sản công nghiệp.
Công nghệ dự kiến là lĩnh vực được hưởng lợi trong bối cảnh chính trị mới tại Mỹ. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Tập đoàn FPT kỳ vọng trong nhiệm của Tổng thống Trump, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin tại Mỹ sẽ tăng. Đồng thời, lãnh đạo FPT nhận thấy không có rủi ro đáng kể nào từ việc tăng thuế quan tiềm ẩn đối với xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin sang Mỹ.
Trong quý III vừa qua, FPT đã ký kết hợp đồng chuyển đổi số (DX) mới trị giá 225 triệu USD (thời hạn 3 năm) với một khách hàng hiện hữu tại Mỹ. Hợp đồng này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của FPT tại thị trường Mỹ trong quý IV/2024.
Thách thức và cơ hội từ môi trường đầu tư, kinh doanh toàn cầu luôn đan xen, nhà đầu tư sẽ có cơ hội hái trái ngọt khi sàng lọc được các cổ phiếu, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ diễn biến mới tại nền kinh tế số 1 thế giới.