Các dấu hiệu căng thẳng đang gia tăng trong hệ thống tài chính toàn cầu, làm dấy lên lo lắng về mọi thứ, từ sự “lây lan” khủng hoảng giữa các thị trường đến sự rạn nứt trong các sản phẩm tài chính.
Những lo ngại xuất hiện khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh tay trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát, tạo ra một môi trường mà giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách cho là “mảnh đất màu mỡ” cho các đợt bất ổn tài chính.
Các chỉ báo đáng lo ngại
Các nhà đầu tư đã cảm nhận được những biến động gây sốc mà giai đoạn bất ổn như vậy có thể mang lại vào tháng trước, khi một vụ tranh cãi về vấn đề nợ ở Vương quốc Anh làm nổi sóng trên khắp thị trường thế giới.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã vào cuộc để ổn định thị trường, một số dấu hiệu được theo dõi chặt chẽ như nhu cầu USD toàn cầu và tâm lý ngại rủi ro trên thị trường tín dụng vẫn cho thấy căng thẳng tài chính ngày càng gia tăng.
Cảnh báo về những xáo động tương lai đang tăng lên. Chỉ riêng trong tuần này, một báo cáo ảm đạm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhấn mạnh những rủi ro gồm “rối loạn trong định giá tài sản” và “lây lan khủng hoảng trên thị trường tài chính”.
Giám đốc ngân hàng JPMorgan Jamie Dimon dự báo một cuộc suy thoái đang rình rập kinh tế Mỹ lẫn kinh tế toàn cầu. Ông Ray Dalio, người sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater cũng cho biết một “cơn bão hoàn hảo” đang đến với nền kinh tế Mỹ.
Chỉ số các điều kiện tài chính toàn cầu do ngân hàng Goldman Sachs tổng hợp – phản ánh sự sẵn có của nguồn vốn – đã chạm mức eo hẹp nhất kể từ năm 2009 vào cuối tháng 9/2022 do lãi suất đi lên, chứng khoán giảm và đồng USD tăng vọt.
Đáng chú ý, trong số các chỉ số đánh giá tình trạng căng thẳng trong nền kinh tế thế giới, chỉ số nhu cầu toàn cầu đối với đồng USD đã tăng vọt khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ở đồng bạc xanh và rời khỏi các thị trường tài sản nhiều biến động.
Bên cạnh đó chênh lệch giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo cặp euro/USD trong ba tháng (đo lường nhu cầu đối với USD trên thị trường phái sinh ngoại hối) đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, khi sự biến động trên thị trường trái phiếu Anh làm giảm giá các tài sản. Chúng vẫn ở quanh các mức cao kể từ cuối tháng Chín đến nay.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra trong giao dịch hoán đổi USD/yen, cho thấy những người đi vay ngoài nước Mỹ đã sẵn sàng trả mức phí bảo hiểm cao hơn cho các quỹ bằng đồng USD.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang cho thấy mức độ lo ngại rủi ro cao nhất trong nhiều năm. Lợi suất chênh lệch trên chỉ số doanh nghiệp Mỹ ICE BofA U.S. Corporate Index (đo lường mức phí bảo hiểm mà các nhà đầu tư yêu cầu để đối lấy việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp thay vì trái phiếu chính phủ) đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 vào tháng Chín và chỉ giảm nhẹ hồi đầu tháng này.
Tương lai “nhiều rủi ro, lắm biến động”
Ông Ed Perks, Giám đốc Thông tin tại công ty tư vấn đầu tư Franklin Income Investors, cho biết mức độ biến động tăng đột biến trên thị trường toàn cầu do những lo ngại về thị trường Anh cho thấy rủi ro có thể dễ dàng ảnh hưởng đến các thị trường ra sao khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đồng bảng Anh (phải) và đồng đôla Mỹ tại quầy giao dịch tiền tệ ở thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa việc chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống trên toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 11/10 cho biết bà không nhận thấy dấu hiệu bất ổn tài chính trên thị trường tài chính Mỹ mặc dù mức độ biến động cao.
Dù vậy, rất ít người tin rằng sự rối ren trên các thị trường toàn cầu sẽ sớm giảm bớt. Thống đốc BoE Andrew Bailey đã khiến thị trường có một phen náo động vào thứ Ba, khi ông cho biết các quỹ hưu trí của Anh bị ảnh hưởng bởi giá trái phiếu sụt giảm chỉ có ba ngày để khắc phục các vấn đề của họ trước khi ngân hàng trung ương rút lại các biện pháp hỗ trợ.
Bà Suzanne Hutchins, Giám đốc đầu tư các quỹ toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính Newton Investment Management, cho biết môi trường hiện tại làm tăng nguy cơ xảy ra cái gọi là “sự kiện thiên nga đen”, chỉ những sự kiện không lường trước được thường gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Theo bà Hutchins, thanh khoản trên thị trường hiện tại rất kém. Hệ thống tài chính đang có một lượng lớn đòn bẩy trong khi lãi suất đang cao hơn rất nhiều. Do vậy, chắc chắn sẽ có một số “thương vong” trên thị trường.
Bà Vasiliki Pachatouridi, Giám đốc chiến lược thu nhập cố định của khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi thuộc công ty đầu tư BlackRock nhận định rằng bất ổn định tài chính hiện là một loại rủi ro khác mà khách hàng dễ gặp phải hơn. Theo đánh giá của bà, đứng đầu danh sách những rủi ro trên thị trường vẫn là lạm phát, sau đó là diễn biến địa chính trị và bất ổn định tài chính.
Tương tự, ông Axel Weber, Chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế (IIF) chia sẻ nhận định rằng thị trường sẽ còn nhiều biến động hơn khi các ngân hàng trung ương gấp rút tăng lãi suất để đối phó với lạm phát dai dẳng.
Vị chuyên gia chia sẻ chưa từng thấy diễn biến tương tự hiện thời trong 50 năm qua, và tác động của những bất ổn này lên thị trường sẽ rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn và trên quy mô rộng hơn trước đây.