Nội dung chính
Mỹ rút binh sĩ khỏi Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 12/2 ra lệnh rút các binh sĩ nước này đang làm nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Ukraine sang các nước châu Âu khác, theo CNBC.
“Bộ trưởng đưa ra quyết định này dựa nhiều cảnh báo và hướng dẫn của bộ Ngoại giao về các nhân viên Mỹ tại Ukraine”, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố.
“Sự tái bố trí này không thể hiện một thay đổi trong quyết tâm của chúng tôi nhằm giúp đỡ Lực lượng Vũ trang Ukraine, nhưng sẽ cung cấp sự linh động trong cam kết với đồng minh và ngăn cản sự gây hấn”, ông Kirby bổ sung.
Các lực lượng Mỹ làm nhiệm vụ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine được lệnh rút khỏi quốc gia Đông Âu này. Ảnh: AFP. |
Kể từ tháng 11/2021, 160 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Florida trong biên chế lữ đoàn bộ binh số 53 được điều động tới Ukraine để huấn luyện cho lực lượng của quốc gia Đông Âu này.
Động thái diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh cho hầu hết nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Kiev rời khỏi Ukraine. Một quan chức ngoại giao cấp cao cho biết đội Mỹ chỉ duy trì đội ngũ nhân viên “tối thiểu” tại Kiev.
Trước đó, Washington hôm 11/2 cũng kêu gọi công dân nước này rời Ukraine “trong 48 giờ” trước quan ngại Moscow có thể phát động một cuộc tấn công nhằm vào Kiev trong vài ngày tới. Cùng với Mỹ, một loạt quốc gia khác như Anh, Nhật Bản, Australia, Đức hay Lithuania cũng đưa ra khuyến cáo tương tự.
“Công dân Mỹ không nên trông chờ sự cứu trợ quân đội tại Ukraine trong những phút cuối cùng. Đã đến lúc rời Ukraine”, quan chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố. “Có những giới hạn về những điều chúng tôi có thể làm trong khu vực chiến sự”.
Trước đó một ngày, Nga bác bỏ khả năng tấn công Ukraine
Trong tuyên bố mới nhất ngày 11/2, Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ khả năng tấn công Ukraine, song khẳng định có thể có hành động “quân sự kỹ thuật” nếu các yêu cầu của Nga không được đáp ứng.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở thủ đô Moskva, ngày 16/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Nga đang chờ đợi sự đảm bảo bằng văn bản từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng tổ chức này rút sự hiện diện ở Đông Âu, cũng như không kết nạp Ukraine làm thành viên.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Moskva muốn có câu trả lời riêng rẽ của từng nước đối với yêu cầu của Nga mà không phải câu trả lời “tập thể ” giống như “trách nhiệm chung”. Nga cho rằng câu trả lời tập thể là”biểu hiện của sự không tôn trọng và bất lịch sự”.
Nga đưa ra tuyên bố trên, sau khi Cố vân An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan trong phát biểu ngày 11/2 tại Washington cảnh báo Nga có thể mở cuộc tiến công bất cứ lúc nào tại Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Valery Gerasimov.
Theo người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tá Dave Buter, tại cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về một số vấn đề quan ngại về an ninh, và theo thông lệ, hai bên nhất trí sẽ giữ kín thông tin cụ thể cuộc điện đàm.
Trong diễn biến liên quan, hãng tin AFP dẫn tuyên bố mới nhất ngày 11/2 của Mỹ cho biết nước này chuẩn bị đưa thêm 3.000 binh sĩ tới Ba Lan để trấn an các nước đồng minh trong liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trước những lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột giữa Moskva và Kiev.
Theo một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ, số binh sĩ được triển khai dự kiến có mặt tại Ba Lan trong tuần tới. Theo đó, số binh sĩ này sẽ gia nhập lực lượng cùng với khoảng 2.000 lính dù khác được công bố triển khai hôm 2/2.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố hối thúc công dân của nước này tại Ukraine trong 24 đến 48 giờ tới nhanh chóng rời khỏi quốc gia châu Âu này.
Tuyên bố đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ người dân Mỹ không nên tới Ukraine ở thời điểm hiện tại và công dân Mỹ hiện đang có mặt tại Ukraine ngay lập tức rời khỏi nước này bằng các phương tiện cá nhân hay dịch vụ thương mại.
Một số nước như Anh, Australia, New Zealand, Israel,… cũng đã khuyến cáo công dân nước mình không nên tới Ukaine tại thời điểm hiện nay.
Theo kế hoạch, trong ngày 12/2, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc điện đàm theo sáng kiến của phía Mỹ.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov xác nhận thông tin trên, cho biết phía Mỹ đã đề nghị về một cuộc điện đàm với Tổng thống Putin vào tối 12/2 theo giờ Moskva. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đã thông báo về cuộc điện đàm dự kiến giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa các Tổng thống Nga và Mỹ diễn ra vào cuối năm ngoái. Trước đó, ngày 7/12/2021, hai Tổng thống cũng có cuộc đàm phán thông qua cầu truyền hình. Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các ông Putin và Biden với tư cách là lãnh đạo quốc gia diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, vào tháng 6/2021.
Báo Anh: Nỗ lực ngăn Moscow tấn công Ukraine thất bại – Xe tăng Nga rùng rùng cơ động
Nỗ lực đưa Moscow tránh khỏi bờ vực của một cuộc tấn công đẫm máu vào Ukraine dường như ngày càng vô vọng và một cuộc chiến tất tay có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Tờ Tấm gương của Anh vừa đăng tải bài viết nhan đề “Countdown to Russia-Ukraine war as tanks move to border and efforts to stop Moscow fail – Đếm ngược chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ khi xe tăng tiến ra biên giời và nỗ lực ngăn Moscow thất bại”.
Theo bài viết này, các nỗ lực kéo nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin khỏi bờ vực chiến tranh đã ngày càng khó khăn hơn khi có những báo cáo cho thấy cuộc xung đột quân sự có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Mặc dù Nga khẳng định rất kiên quyết rằng sẽ không có ý định tấn công Ukraine, tất cả các cáo buộc của phương Tây đều là “cờ giả” và “sai sự thật”, nhưng truyền thông thế giới vẫn liên tiếp có những thông tin cho rằng chiến tranh là không tránh khỏi, bắt đầu đếm ngược giờ nổ súng,… Để có cái nhìn đa chiều, chúng tôi xin lược trích bài viết nói trên của tờ Tấm gương.
Nga và Ukraine bên bờ vực chiến tranh
Tổng thống Nga Putin được cho là đã triển khai binh lực quy mô lớn dọc theo biên giới. Mọi nỗ lực để ngăn một cuộc đụng độ quân sự dường như đã trở nên vô vọng khi ông ấy (Tổng thống Putin) cấp tập điều thêm binh sĩ, trực thăng tấn công và xe tăng áp sát chiến tuyến.
Downing Street (Phủ Thủ tướng Anh) đã cảnh báo: “Các thông tin đều dẫn tới khả năng là Nga có thể tấn công vào bất cứ thời điểm nào”.
Thậm chí bất chấp việc các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cố gắng ngăn chặn, nhưng hôm qua, chủ Nhật, 13/02/2022, các tướng lĩnh Nga đã điều động một lượng lớn trực thăng tấn công, binh sĩ, xe tăng và pháo binh tới chiến tuyến.
Các cơ quan tình báo Mỹ hiện nay tin rằng Tổng thống Nga Putin có thể sẽ phát lệnh tấn công sớm hơn so với các dự báo là ngày thứ Tư tới đây.
Thế giới càng lo lắng hơn về nguy cơ Nga tấn công Ukraine khi mà Moscow đã tập hợp một nhóm tác chiến hải quân có quy mô lớn nhất kể từ trước tới nay tại Biển Đen, sẵn sàng mở một hướng đột kích từ bờ biển phía Nam Ukraine.
30 tàu chiến Nga đã hội quân ở Biển Đen trong cái gọi là “tập trận”, bao gồm 13 tàu đổ bộ cỡ lớn, mỗi tàu có khả năng chở 350 binh sĩ hải quân đánh bộ và 10 xe tăng.
Giới chức Ukraine đã phải ban hành lệnh cấm bay trên toàn bộ vùng trời Biển Đen.
Khoảng 126.000 binh sĩ Nga hiện đang áp sát sườn phía Đông Ukraine, 80.000 binh sĩ Nga và Belarus ở hướng Bắc, và các tàu chiến Nga ở hướng Nam với các lực lượng hải quân đánh bộ và đặc nhiệm, sẵn sàng đột kích.
Báo Anh: Nỗ lực ngăn Moscow tấn công Ukraine thất bại – Xe tăng Nga rùng rùng cơ động – Ảnh 2.
Xe tăng của Quân đội Ukraine đã lắp đủ phụ kiện chiến đấu. Ảnh: EPN/Newscom / Avalon.
Các nước cộng hòa ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass được cho là đang phố hợp với những đơn vị đặc nhiệm của Moscow dàn quân trên chiến tuyến dài 250 dặm đối đầu với lực lượng vũ trang Ukraine vốn cũng đang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Các đơn vị đặc nhiệm Spetsnaz Nga với quân số hàng nghìn người đã ém sẵn ở Belarus và dọc theo biên giới Ukraine, trong khi các điệp viên của Cơ quan Tình báo Quân đội Nga đã có mặt ở ngay trong Ukraine.
Ở Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ben Wallace đã hủy kỳ nghỉ cuối tuần như đã định vì “tình hình xấu đi” ở Ukraine. Trong khi đó, ông Tobias Ellwood, Nghị sĩ của đảng Bảo thủ đã kêu gọi NATO thiết lập một vùng cấm bay ở Ukraine để ngăn Nga tấn công.
Tại Kiev, hôm chủ Nhật, phóng viên của tờ The Mirror đã chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên của sự hiện diện quân sự ở trung tâm thủ đô Ukraine khi các binh sĩ mặc đầy đủ quân phục đi mua sắm vào giờ chót.
Một binh sĩ Ukraine đã giơ tay làm biểu tượng chiến thắng, tỏ ra rất tự tin và quyết tâm cao.
Hiện đang có những mối lo ngại ngày càng tăng về việc có một lượng lớn các nhà hoạt động của Nga cài cắm luồn sâu vào Ukraine dưới những vỏ bọc khác nhau, sẵn sàng tiến hành các vụ tấn công phá hoại.
Kể từ hôm chủ Nhật, Ukraine đã cấm nhập cảnh đối với hầu hết công dân Nga do lo ngại có những điệp viên phá hoại xâm nhập đất nước.
Các báo cáo cho thấy chỉ có một số ít công dân Nga được nhập cảnh khi chứng minh lý do chính đáng là tới dự lễ tang của người họ hàng thân thiết mà thôi.
Rất nhiều nhà ngoại giao Nga đã sử dụng ngôn ngữ ngày càng hiếu chiến, đẩy căng thẳng tăng cao và hầu như không làm gì để ngăn xu hướng một cuộc xung đột quân sự đang đến gần.
Báo Anh: Nỗ lực ngăn Moscow tấn công Ukraine thất bại – Xe tăng Nga rùng rùng cơ động – Ảnh 4.
Các binh sĩ Quân đội Ukraine với đầy đủ quân phục đi mua sắm vào giờ chót. Ảnh:Andy Commins
Xe tăng, tên lửa Nga rùng rùng cơ động áp sát Ukraine
Học thuyết quân sự mới của Nga được cho là mở đường cho một cuộc tấn công khủng khiếp, có thể nhằm vào các tòa nhà trọng yếu ở Kiev thông qua các cuộc không kích, trước khi xe tăng vượt chiến tuyến tiến vào Ukraine.
Ukraine có thể phải chiến đấu trên cùng lúc 3 mặt trận, từ Belarus ở hướng Bắc, từ Nga ở hướng Đông, và từ bờ biển phía Nam với sự tham gia của lực lượng hải quân Nga.
Nếu các xe tăng Nga vượt biên giới với Belarus, họ có thể bao vây Kiev nhanh chóng, và tấn công thành phố, các đơn vị phòng thủ dân sự Ukraine đã thề sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.
Hiện không thể biết được rằng Kiev có thể chống cự được bao lâu nhưng các mũi đột kích quân binh chủng hợp thành với nắm đấm thép là xe tăng có thể khiến thủ đô Ukraine sụp đổ chỉ trong vài ngày.
Ngày hôm qua, 13/02, nhiều video được công bố cho thấy sự xuất hiện của hàng chục chiến trực thăng tấn công Ka-52 Alligator đời mới, trực thăng vũ trang Mi-24 và trực thăng vận tải đa năng Mi-8 di chuyển tới các địa bàn trọng yếu ở miền Tây Nga, giáp với Ukraine.
Các động thái điều quân nói trên để chuẩn bị cho một cuộc tấn công là rất rõ rệt, sau khi cuộc thảo luận khẩn cấp giữa Mỹ và Nga được cho là đã thất bại.
Binh sĩ của Moscow được nhìn thấy hành quân cùng các tổ hợp tên lửa phòng không Buk ở khu vực Oryol và tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-27 Uragan cũng được nhìn thấy bố trí ở gần đó.
Hôm qua, những máy bay trinh sát RC-135 Rivet của cả Anh và Mỹ đã tuần thám dọc biên giới của Ukraine với Belarus, Nga và trên cả hướng Biển Đen để giám sát, theo dõi các cánh quân của Nga.
Đã có thêm xe tăng của Nga được nhìn thấy tại ga Maslovka thuộc vùng Voronezh, có biên giới với Ukraine và nhiều tiểu đoàn thiết giáp cũng tiến vào vị trí.
Các tổ hợp pháo tự hành Msta-S và xe tăng T-80U thuộc Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 trong biên chế Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1 đã cơ động. Nhiều xe tăng T-80U của Moscow “cũng được nhìn thấy trên tàu hỏa ở Belgorod và ở Vesela Lopan, thuộc vùng Belgorod, chỉ cách biên giới Ukraine 8 dặm.
CIT nhận định: “Những gì chúng ta thấy trên thực địa không khác gì một hoạt động chuẩn bị tấn công”.
Ở vùng Belgorod, tên lửa đạn đạo Iskander-M đã tiến ra biên giới trong khi lượng lớn trực thăng tấn công của Nga đã được nhìn thấy xuất hiện ở các khu vực Belgorod, Nizhny Novgorod, Tver, Ulyanovsk và Yaroslavl.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố khả năng Nga tấn công Ukraine là “rất cao” và Tổng thống Putin có thể “phát động tấn công vào bất cứ lúc nào”.
Nga: Mỹ leo thang căng thẳng về Ukraine vì lý do chính trị trong nước
Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 14/2 dẫn lời Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polynaksy cho biết, Mỹ đang gia tăng căng thẳng xung quanh Ukraine và cả trong Hội đồng Bảo an LHQ, vì các lý do chính trị trong nước.
Chú thích ảnh Một binh sĩ Ukraine cầm vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAW) do phương Tây cung cấp ngày 28/1. Ảnh: REUTERS
Bình luận trong một cuộc phỏng vấn về cuộc họp do Mỹ khởi xướng của HĐBA LHQ liên quan đến tình hình Ukraine vào ngày 31/1, ông Polynaksy nêu rõ: “Đồng nghiệp của chúng tôi từ Mỹ [Đại diện thường trực Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield] có thể đã nêu vấn đề theo cách khiêu khích, đưa ra những luận điểm có vẻ khá bất thường ngay cả đối với Hội đồng Bảo an chỉ vì tình hình chính trị trong nước”.
Ông Polyansky lưu ý: “Nhiều quốc gia đã cố gắng thuyết phục phía Mỹ rằng việc tổ chức một phiên họp ngoại giao như vậy ở LHQ là sai lầm. Chúng tôi có thể thảo luận kín bất cứ điều gì, như chúng tôi đã làm nhiều lần và nó sẽ hữu ích hơn. Cuộc họp này (ngày 31/1) chẳng có ích lợi gì”.
“Chương trình nghị sự chính trị trong nước chắc chắn đã có tác động (với Chính quyền Mỹ). Chúng tôi đã cảm nhận được điều đó với ví dụ về Afghanistan và trong các hồ sơ khác, chẳng hạn như Triều Tiên. Rõ ràng, Mỹ buộc phải điều chỉnh các ưu tiên”, nhà ngoại giao Nga nói, nhận xét thêm rằng điều đó cản trở công việc của Hội đồng Bảo an LHQ vì tổ chức này được thành lập để giải quyết những việc hoàn toàn khác.
Hội đồng Bảo an LHQ đã có cuộc họp do Mỹ khởi xướng về tình hình Ukraine vào ngày 31/1. Mỹ cáo buộc Nga lên kế hoạch gây hấn chống lại Ukraine. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzia bác bỏ mọi cáo buộc.
Trong bối cảnh các chính sách đối nội thất bại và sau khi quân đội Mỹ rút vội vàng khỏi Afghanistan, uy tín Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị giảm đáng kể trong những tháng gần đây. Real Clear Politics hôm 10/2 cho biết mức độ ủng hộ trung bình dành cho Tổng thống Mỹ đã giảm xuống dưới 40%, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.
Diễn biến dồn dập trên ‘mặt trận’ Nga – Ukraine: Nga điều động thêm quân, Mỹ dời Đại sứ quán, dân Ukraine hoảng loạn
Trong nhiều ngày qua, căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine đã ghi nhận không ít diễn biến mới, bao gồm việc Mỹ dời Đại sứ quán khỏi thủ đô Kiev và các động thái ngoại giao của phương Tây để ngăn chiến tranh xảy ra.
Mỹ dời Đại sứ quán khỏi thủ đô Kiev
Hôm 14/2, do lo ngại việc Nga tăng cường khí tài quân sự dọc biên giới với Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Kiev và chỉ đạo các nhân viên chuyển đến Lviv, một thành phố ở miền tây Ukraine.
Ông Blinken cho biết: “Tôi ra lệnh này vì một lý do duy nhất, chính là sự an toàn của các nhân viên Đại sứ Mỹ. Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt kêu gọi bất kỳ công dân Mỹ nào còn nán lại Ukraine phải rời khỏi nước này ngay lập tức”.
Thông báo trên xuất hiện không lâu sau khi hãng tin Guardian dẫn lời các quan chức Anh cho biết chính phủ Nga vừa điều động thêm khoảng 14 tiểu đoàn đến biên giới với Ukraine, mỗi tiểu đoàn gồm 800 binh sĩ.
Trước đó, ước tính có khoảng 30.000 binh sĩ Nga đang tham gia chương trình tập trận kéo dài 10 ngày với nước láng giềng Belarus, quốc gia cũng có chung biên giới với Ukraine, theo CNBC.
Các cuộc tập trận được nhiều người coi là cách để Nga phô trương sức mạnh quân sự. Chúng diễn ra khi hơn 100.000 binh lính, xe tăng, tên lửa và thậm chí là nguồn cung cấp máu tươi đã được đưa đến biên giới của Nga với Ukraine.
Ngoài ra, tuyên bố dời Đại sứ quán của Mỹ còn được đưa ra chỉ vài giờ sau khi có thông tin Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đề nghị với Tổng thống Vladimir Putin rằng Moscow nên sử dụng ngoại giao để có được sự nhượng bộ từ phương Tây.
Điện Kremlin yêu cầu NATO không bao giờ được chấp thuận Ukraine làm thành viên, đồng thời muốn liên minh quân sự này phải rút quân khỏi khu vực Đông Âu. Thời gian qua, Moscow khẳng định phương Tây đã cố tình phớt lờ các lo ngại căn bản của Nga.
Cuối tuần qua, chia sẻ với đài CNN, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Moscow có thể tấn công Ukraine “bất cứ lúc nào”. Ông nhấn mạnh: “….bao gồm cả tuần tới”.
“Người Ukraine bị dồn ép đến hoảng loạn”
Chia sẻ với CNBC, ông Vadym Prystaiko – Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh, nói có một số thông tin cho rằng Nga nhiều khả năng sẽ tiến hành tấn công nước láng giềng vào ngày 16/2.
“Chúng tôi công khai thông tin này để nói với kẻ xâm lược rằng chúng tôi biết về kế hoạch của chúng. Nếu mọi việc không xảy ra như kế hoạch thì có thể là do công chúng đã biết rõ bọn họ đang âm mưu điều gì”, ông Prystaiko nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị đại sứ cũng nói thêm rằng có thông tin tình báo cho rằng Nga đang có một kế hoạch tấn công khác với khung thời gian khác.
“Song, bất luận thông tin tình báo ra sao, chuyện quan trọng cần bàn là người dân Ukraine đã bị dồn ép đến hoảng loạn. Các hãng hàng không hủy chuyến, nhà đầu tư ồ ạt rút tiền. Người Ukraine cảm thấy họ đã bị bỏ rơi”, ông Prystaiko chia sẻ.
Đại sứ Ukraine tại Anh cho biết chính phủ vẫn chưa nhận được phản hồi từ Moscow, liên quan đến yêu cầu tổ chức một cuộc họp song phương.
“Chúng tôi cũng có các cuộc đàm phán của riêng mình, Ukraine không chỉ dựa vào sự giúp đỡ của phương Tây, chúng tôi cũng đang làm phần việc của mình”, ông Prystaiko bày tỏ.
Ông nói thêm rằng Ukraine đang ở trong một tình huống “rất khó khăn” và “rất không công bằng”. Đồng thời, vị đại sứ lưu ý rằng Ukraine vẫn đang tuân thủ những nhượng bộ trong Văn kiện Vienna sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của nước này hồi năm 2014.
Phương Tây tiếp tục nỗ lực ngoại giao
Trong một cuộc điện đàm ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trò chuyện cùng người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky. Nhà Trắng cho hay: “Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
“Tổng thống đã nói rõ rằng Mỹ sẽ phản ứng nhanh chóng và dứt khoát, cùng các đồng minh và đối tác, nếu Nga thực hiện bất kỳ động thái gây hấn nào với Ukraine”, thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh.
Cuộc gọi với Tổng thống Ukraine diễn ra khoảng một ngày sau cuộc điện đàm giữa ông Biden và Tổng thống Nga. Trong đó, ông Biden lần nữa khẳng định Mỹ và đồng minh sẽ “phản ứng dứt khoát cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt với Nga”.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng lưu ý rằng nếu Nga xâm lược Ukraine, cuộc động binh sẽ khiến “rất nhiều người dân chịu mất mát, tổn thương” và “làm giảm vị thế của Nga” trên trường quốc tế.
Ngoài Mỹ, các đồng minh phương Tây khác như Anh và Pháp cũng đang đàm phán với các bộ trưởng Nga để giải quyết căng thẳng giữa Moscow và Kiev bằng phương thức ngoại giao. Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo rằng châu Âu đang trên “bờ vực thẳm” và “tình hình rất nguy hiểm”.
Đầu tuần này, người đứng đầu Bộ Tài chính của nhóm G7 đã đưa ra một tuyên bố chung, cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho Ukraine, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính gây hậu quả nghiêm trọng cho Nga nếu Moscow động binh.
Tuy nhiên, trong khi một số nước phương Tây đã gửi khí tài quân sự tới Ukraine thì chính phủ Đức lại từ chối làm điều tương tự. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Kiev hôm 14/2 và dự kiến đến gặp ông Putin tại Moscow vào ngày 15/2.
Putin đồng ý theo đuổi con đường ngoại giao với phương Tây
Ngoại trưởng Nga đề xuất tiếp tục nỗ lực ngoại giao giải quyết khủng hoảng Ukraine và được Putin nhất trí.
Trong cuộc họp được phát trên truyền hình hôm 14/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin hỏi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng liệu có cơ hội đạt được thỏa thuận với phương Tây về vấn đề Ukraine hay không, hay nỗ lực ngoại giao “chỉ là một cách để họ kéo chúng ta vào quá trình đàm phán bất tận”.
Lavrov trả lời “nỗ lực ngoại giao tất nhiên không nên kéo dài vô tận”, nhưng ông cho rằng các cuộc trao đổi với nhiều lãnh đạo châu Âu và Mỹ cho thấy Nga nên theo đuổi cơ hội đạt được mục tiêu của mình thông qua con đường ngoại giao. “Tôi đề nghị tiếp tục nỗ lực này”, Lavrov nói.
“Được thôi”, Tổng thống Putin trả lời.
Ngoại trưởng Lavrov trình bày với Tổng thống Putin rằng Mỹ đã đưa ra các đề xuất cụ thể về giảm thiểu rủi ro quân sự, song phản hồi từ NATO và Liên minh châu Âu (EU) với Nga vẫn chưa thỏa đáng.
Cuộc họp của Putin và Lavrov thắp lên hy vọng về nỗ lực ngoại giao nhằm giúp châu Âu thoát khỏi nguy cơ một cuộc xung đột lớn nổ ra. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đều lạc quan thận trọng, cho rằng khi cả Nga và phương Tây đều không nhượng bộ về vấn đề gai góc nhất là khả năng NATO kết nạp Ukraine, tình hình vẫn sẽ bế tắc.
Căng thẳng Ukraine gia tăng vài ngày qua, khi Mỹ hôm 14/2 thông báo tạm dời đại sứ quán ở thủ đô Kiev tới thành phố Lviv, miền tây Ukraine, gần biên giới Ba Lan, do lo ngại về lực lượng Nga gần Ukraine.
Trong tuyên bố về quyết định dời đại sứ quán, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Con đường ngoại giao vẫn còn nếu Nga hành động thiện chí. Chúng tôi mong muốn nhân viên của mình trở lại đại sứ quán ở Kiev ngay khi có thể”, Blinken cho biết thêm.
Nhà Trắng trước đó cũng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden và Putin trong cuộc điện đàm cuối tuần qua đã thảo luận về các cam kết ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang khi Mỹ cùng đồng minh cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân sát Ukraine với ý định tấn công nước này. Nga nhiều lần bác cáo buộc, khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Mỹ, Anh, Australia, Israel cũng như một số quốc gia khác đã kêu gọi công dân rời Ukraine càng sớm càng tốt, đồng thời sơ tán hầu hết nhân viên ngoại giao khỏi Kiev và chuyển dịch vụ lãnh sự tới Lviv.
Tuy nhiên, Ukraine cho rằng những tuyên bố của phương Tây có thể gây hoảng loạn diện rộng và yêu cầu đưa ra bằng chứng chắc chắn cho thấy Nga đang lên kế hoạch tấn công nước này trong những ngày tới.
Mỹ ‘bơm’ 1 tỷ USD giúp Ukraine ổn định kinh tế giữa căng thẳng với Nga
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/2 cho biết Mỹ đang đề nghị cung cấp cho Ukraine một khoản vay bảo lãnh lên tới 1 tỷ USD để giúp nước này củng cố nền kinh tế trong bối cảnh leo thang căng thẳng với Nga.
Mỹ ‘bơm’ 1 tỷ USD giúp Ukraine ổn định kinh tế giữa căng thẳng với Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Đề nghị này sẽ tăng cường khả năng của Ukraine trong việc đảm bảo ổn định kinh tế, tăng trưởng và thịnh vượng cho người dân trước hành vi gây bất ổn của Nga”, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh. Khoản vay bảo lãnh này sẽ giúp chính quyền Ukraine vay tiền của Mỹ dễ dàng và với lãi suất thấp hơn.
Ông Blinken cũng cho biết thêm rằng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Ukraine với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các tổ chức tài chính quốc tế khác, nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển G7 và các nhà tài trợ song phương khác, cũng sẽ giúp ích cho nỗ lực này.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 24/1 cho biết Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch trợ giúp Kiev gói hỗ trợ tài chính 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) để giảm thiểu tác động từ tình trạng căng thẳng ở khu vực biên giới với Nga. Gói hỗ trợ này sẽ bao gồm cả các khoản vay khẩn cấp và viện trợ.
Loạt động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga điều động hơn 100.000 quân cùng nhiều khí tài quân sự áp sát biên giới Ukraine nhằm lên kế hoạch tấn công nước này.
Trước đó, trong cuộc điện đàm vào ngày 13/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mời Tổng thống Mỹ Joe Biden sớm thăm Ukraine giữa lúc căng thẳng ở biên giới Nga – Ukraine. Ông Zelensky cho rằng đây sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ và góp phần xuống thang căng thẳng
Đồng thời, nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi Washington tăng cườnghỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev.
Dù liên tục phải hứng chịu chỉ trích, Moscow cho tới nay vẫn luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào.
Theo quan điểm của Moscow, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông, trong đó có việc kết nạp Ukraine cũng như đưa vũ khí vào lãnh thổ nước này cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến họp trong ngày 17/2 để bàn về thoả thuận Ukraine và Minsk nhằm chấm dứt chiến tranh ở miền đông Ukraine.
Nga rút bớt quân đóng gần Ukraine
Nga cho biết một số lực lượng được triển khai gần biên giới Ukraine bắt đầu trở về căn cứ, trong lúc các nước phương Tây đang lo sợ Điện Kremlin có thể ra lệnh tấn công Ukraine.
“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các đơn vị thuộc quân khu phía nam và tây đã bắt đầu lên tàu hỏa và phương tiện vận chuyển đường bộ. Ngày hôm nay, họ sẽ bắt đầu di chuyển về doanh trại”, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngày 15/2, theo AFP.
Thông báo được đưa ra trước cuộc gặp dự kiến giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin để giảm căng thẳng về vấn đề Ukraine.
Video do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp cho thấy xe tăng và xe bọc thép được đưa lên toa tàu hỏa. Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết sẽ dùng xe tải để vận chuyển một số khí tài, một số binh sĩ sẽ tự hành quân về căn cứ.
Theo AFP, hiện chưa rõ số lượng các đơn vị sẽ tham gia vào việc rút quân, cũng như tác động của động thái này tới tổng số binh sĩ Nga xung quanh Ukraine.
Đây là thông tin đầu tiên về việc Nga giảm quy mô lực lượng ở biên giới với Ukraine trong nhiều tuần qua.
Nga rút quân gần Ukraine ảnh 1
Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Đường giới tuyến ở miền đông Ukraine là ranh giới phân cắt quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga từ 2014. Ở rìa phía đông của Moldova là Transnistria, một khu vực khác của lực lượng ly khai thân Nga. Đồ họa: New York Times.
Cùng ngày 15/2, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nỗ lực ngoại giao chung của Kiev và phương Tây đã có thể đảo ngược nỗi lo một cuộc tấn công từ Nga.
“Chúng ta và đồng minh đã có thể ngăn cản Nga làm leo thang tình hình. Lúc này đã tới giữa tháng 2 rồi, bạn có thể thấy ngoại giao sẽ tiếp tục có hiệu quả”, ông Kuleba nói.
Những ngày gần đây, các quốc gia phương Tây liên tục cảnh báo Nga có khả năng tấn công Ukraine vào bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào ngày 16/2. Nhiều nước kêu gọi người dân khẩn cấp rời Ukraine khi còn có thể.
Theo AFP, Nga đang tập trung khoảng 100.000 binh sĩ xung quanh Ukraine, làm dấy lên lo sợ về một vụ tấn công.
Căng thẳng càng bị đẩy lên cao khi Nga tiến hành tập trận tại địa điểm gần biên giới Ukraine và tại Belarus. Mỹ cho biết khoảng 30.000 binh sĩ tại Belarus đang tham gia buổi tập trận, dự kiến kéo dài tới ngày 20/2.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Putin đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói một số cuộc diễn tập của Nga sắp tới hồi kết.
Hôm 14/2, bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết đã trao đổi với người đồng cấp Belarus. Ông nhận được bảo đảm rằng sẽ không có mối đe dọa nào đối với Kiev tới từ lãnh thổ Belarus.
Xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy lạm phát Mỹ vượt 10% và khiến Fed tăng mạnh lãi suất
Kịch bản Nga tấn công Ukraine có khả năng khiến giá năng lượng và lạm phát nhảy vọt, buộc Fed phải mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế áp lực giá cả.
Chi phí sinh hoạt tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong hàng chục năm. Khủng hoảng Nga-Ukraine có thể khiến tình hình tồi tệ thêm.
Giá dầu đã vượt quá 90 USD/thùng trong những tuần gần đây khi rủi ro Nga tấn công Ukraine gia tăng. Theo phân tích mà hãng kiểm toán đa quốc gia RSM chia sẻ với CNN, nếu khủng hoảng Nga-Ukraine đẩy giá dầu lên khoảng 110 USD/thùng thì lạm phát ở Mỹ sẽ lên trên 10% tính theo cơ sở hàng năm. Theo số liệu chính phủ, kinh tế Mỹ chưa từng trải qua lạm phát 10% kể từ tháng 10/1981.
Ông Joe Brusuela, nhà kinh tế trưởng tại RSM nhấn mạnh: “Chúng ta đang nói về cú sốc ngắn hạn lớn”.
Nga là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về cả dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng như nguồn cung cấp dầu mỏ toàn cầu. Và cuộc khủng hoảng địa chính trị đang diễn ra đúng lúc thị trường năng lượng thế giới đang chật vật để đáp ứng nhu cầu. JPMorgan cảnh báo bất kỳ gián đoạn nào tới dòng chảy dầu của Nga “sẽ dễ dàng đẩy giá dầu lên 120 USD/thùng”.
Ông Brusuelas cảnh báo: “Sưởi ấm nhà và đổ xăng vào bình sẽ trở nên đắt đỏ hơn ngay sau khi Nga tấn công”. Ông nói thêm rằng sự kiện này sẽ tạo ra “cú sốc đến niềm tin tiêu dùng” và làm suy giảm đầu tư doanh nghiệp.
Lần đầu tiên kể từ 2014, giá dầu thô vượt 95 USD/thùng vào ngày 14/2. Nhưng dầu lại đảo chiều vào ngày tiếp theo, rớt xuống dưới 92 USD/thùng dựa trên hy vọng về căng thẳng giũa Nga và Ukraine giảm bớt.
Trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng vọt lên 7,5% so với năm trước – mức cao nhất kể từ tháng 2/1982. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng. Dữ liệu tháng 2 cho thấy chỉ số tâm lý tiêu dùng đã rớt xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.
Ông Brusuelas ước tính giá dầu tăng khoảng 20% lên 110 USD/thùng sẽ kéo giá tiêu dùng tăng 2,8 điểm % trong 12 tháng tiếp theo, khiến lạm phát vượt ngưỡng 10%. Viễn cảnh này trái ngược với kỳ vọng hiện tại là lạm phát sẽ dần dần hạ nhiệt.
Tuy nhiên, tác động tới nền kinh tế có thể không nghiêm trọng đến vậy. Ông Brusuelas tính rằng giá dầu nhảy vọt lên 110 USD thùng sẽ chỉ lấy mất 1 điểm % tăng trưởng GDP Mỹ trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, lạm phát nhảy vọt nhiều khả năng sẽ gia tăng thêm áp lực buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh cuộc chiến kiểm soát giá cả bằng cách tăng lãi suất đáng kể.
“Kịch bản này sẽ khiến Fed phải đẩy nhanh tốc độ bình thường hóa chính sách. Bạn sẽ phải nghe nhiều hơn về việc nâng lãi suất 50 điểm cơ bản chỉ trong một cuộc họp”, ông nhận định.
Số liệu mới được công bố ngày 15/2 cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 vừa qua tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thuộc nhóm cao nhất nhiều năm trở lại đây.
Tổng thống Biden: Mỹ chưa chắc liệu Nga đã rút quân, nguy cơ chiến tranh vẫn rình rập
Tổng thống Joe Biden cho biết vẫn có khả năng ông Putin sẽ tấn công Ukraine vì quân đội Nga vẫn đang là một “mối đe dọa” và Mỹ chưa thể xác minh tuyên bố rút quân của Moscow.
Mỹ chưa chắc Nga thoái lui
Chia sẻ trước truyền thông, Tổng thống Joe Biden tin rằng Nga vẫn có thể động binh với nước láng giềng Ukraine vì quân đội của người đồng cấp Vladimir Putin là “một mối đe dọa”. Ngoài ra, ông Biden cho biết Mỹ chưa thể xác minh liệu Nga đã rút một phần binh lính như tuyên bố.
Ông Putin đã nhiều lần phủ nhận ý định xâm lược Ukraine, dù Moscow đã điều động hàng chục nghìn quân nhân cũng như xe tăng, pháo binh và các vũ khí khác đến biên giới với Ukraine. Ông Biden cho biết Nga hiện có khoảng 150.000 quân dọc biên giới với nước láng giềng.
Chiều ngày 15/2 (theo giờ Việt Nam), Bộ Quốc phòng Nga thông báo Moscow đã rút một phần binh sĩ sau khi các đơn vị này hoàn thành tập trận. Động thái mới đã làm dịu bớt căng thẳng trên thị trường tài chính thế giới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự hoài nghi rằng liệu bước đi của Điện Kremlin có báo hiệu một sự “lui quân” mạnh mẽ hay không vì các đơn vị nêu trên được bố trí rất xa biên giới Ukraine, theo Bloomberg.
“Nếu Nga rút quân, đúng là rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể xác minh điều này”, ông Biden cho hay. “Các nhà phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng quân đội Nga vẫn đang trong thế đe dọa Ukraine. Họ vẫn có thể tấn công Ukraine”.
Trước đó, các quan chức Mỹ và châu Âu đã bày tỏ sự hoài nghi trước động thái thu quân của Moscow. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định không có dấu hiệu nào chứng tỏ Nga đã “xuống thang” căng thẳng.
Cùng ngày 15/2, Bộ Quốc phòng và hai ngân hàng nhà nước tại Ukraine thông báo họ đã bị tấn công mạng. Hiện chưa có thủ phạm nào được nêu tên nhưng suy đoán chủ yếu tập trung vào Nga.
Cửa sổ ngoại giao
Đầu ngày 15/2, ông chủ Điện Kremlin hy vọng có thể tìm ra một giải pháp ngoại giao để giảm bớt căng thẳng với Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, ông Putin cảnh báo Moscow sẽ không chờ đợi mãi cho đến khi phương Tây giải quyết các yêu cầu của Nga.
Hiện tại, Nga muốn NATO phải đảm bảo không bao giờ được cho phép Ukraine làm thành viên, đồng thời quân đội của các nước NATO phải rút lui khỏi khu vực Đông Âu. Nga coi các yêu cầu này là lo ngại an ninh căn bản.
Tổng thống Biden nhất trí với Điện Kremlin rằng các bên vẫn có thể nỗ lực giải quyết xung đột bằng phương thức ngoại giao. Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ sẽ “không hy sinh các nguyên tắc cơ bản” hiện nay, bao gồm việc các quốc gia như Ukraine có quyền tự bảo vệ biên giới của riêng họ.
“Chúng ta nên cho các nước cơ hội đàm phán ngoại giao và tôi tin rằng chúng ta có thể thực sự giải quyết những lo ngại về an ninh của mỗi nước”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 15/2.
“Đôi lời nhắn gửi công dân Nga: Các bạn không phải kẻ thù của chúng tôi. Và tôi tin rằng các bạn không muốn một cuộc chiến tranh hủy diệt, đẫm máu với Ukraine”, Tổng thống Mỹ tiếp tục.
Ông Biden đã nhắc lại các cam kết của Mỹ với NATO và tìm cách thể hiện sự đoàn kết của phương Tây trước bất kỳ hành động tấn công nào của Nga đối với Ukraine. “Mỹ sẽ bảo vệ từng tất đất của NATO với toàn bộ sức mạnh của mình”, ông Biden nhấn mạnh.
Ông chủ Nhà Trắng nói Mỹ đã sẵn sàng đáp trả Nga với các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề, nhưng ông vẫn cảnh báo rằng người dân Mỹ có thể phải trả giá nhiên liệu cao hơn trong trường hợp đó.
“Người dân Mỹ hiểu rằng bảo vệ nền dân chủ và tự do luôn có cái giá riêng. Rõ ràng, cuộc đối đầu với Nga sẽ gây tổn hại lớn”, ông Biden lưu ý thêm.
Vị tổng thống Đảng Dân chủ cho biết chính quyền của ông đang làm việc cùng các công ty năng lượng và Quốc hội để giải quyết các vấn về nguồn cung xăng dầu. Song, ông không nêu rõ bất kỳ động thái sắp tới nào của Washington.
NATO: Nga không rút bớt mà đang điều thêm quân tới gần Ukraine
Một ngày sau khi Nga tuyên bố bắt đầu rút bớt quân đội khỏi khu vực biên giới Ukraine, lãnh đạo NATO cáo buộc Nga đang làm điều hoàn toàn ngược lại.
Hôm 15/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số đơn vị đã hoàn thành cuộc tập trận ở gần biên giới phía tây và phía nam giáp với Ukraine và đang trên đường trở về nơi đóng quân ban đầu.
Nga đồng thời tuyên bố những binh sĩ tham gia tập trận ở Belarus (phía bắc Ukraine) cũng sẽ quay về doanh trại vào ngày 20/2.
Các nhà lãnh đạo Phương Tây bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của phía Nga và cho biết chưa có bằng chứng xác thực rằng binh sĩ Nga thực sự đang rút hay sẽ rút khỏi vùng biên giới Ukraine.
Ngày 16/2, Nga công bố một đoạn video ghi lại cảnh các đoàn dài xe tải và tàu hỏa chở theo rất nhiều xe tăng, xe bọc thép di chuyển qua một cây cầu. Quan chức Nga nói rằng đây là hình ảnh các đơn vị trở về căn cứ sau khi tập trận.
Tuy nhiên theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, “hiện vẫn chưa rõ quân đội Nga có thực sự đang rút đi hay không”.
“Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng nào ở thực địa. Ngược lại, có vẻ như Nga đang tăng cường tập trung quân đội”, ông Jens Stoltenberg nói với các phóng viên ngày 16/2.
Theo CNBC, Tổng Thư ký NATO nói thêm rằng Nga “luôn luôn điều động lực lượng di chuyển qua lại” nên video quay cảnh xe tải và tàu hỏa chạy trên đường “không có ý nghĩa xác nhận Nga đang thực sự rút lui”.
Ông Stoltenberg cho biết các nước thành viên NATO “vẫn sẵn sàng đối thoại với Nga”.
Các bộ trưởng quốc phòng của những nước thành viên NATO sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) vào ngày 16/4 để thảo luận về “cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ qua”.
Điện Kremlin ngày 16/2 khẳng định NATO đã “sai lầm” khi nói rằng không có bằng chứng về việc Nga rút quân khỏi biên giới. Một hãng truyền thông của nhà nước Nga đăng tải một bài báo kèm video cho rằng xe tăng, xe bọc thép và binh sĩ Nga đã bắt đầu hành trình dài 1.000 km về căn cứ.
Trong cuộc họp báo cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến thăm Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga vẫn muốn theo đuổi đối thoại ngoại giao để giải quyết căng thẳng, đồng thời chỉ trích NATO chỉ nghĩ đến an ninh của mình mà phớt lời an ninh của Nga.
Từ tháng 12 năm ngoái, Nga đã yêu cầu NATO dừng mở rộng về phía đông, không bao giờ kết nạp Ukraine và chấm dứt hiện diện quân sự ở các nước gần Nga. Tất cả những yêu cầu này đều bị NATO bác bỏ.
NÓNG: Ukraine chính thức nã pháo phản công vào Donbass sau khi Nga phát hiện “sự thật khủng khiếp”
Các lực lượng vũ trang Ukraine nã lực đạn và súng cối vào Donbass
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã quyết định mở một vụ án hình sự sau khi phát hiện thấy hàng loạt mộ chôn tập thể của các dân thường ở khu vực Donbass phía Đông Ukraine.
Sputnik vừa đưa tin, vào lúc 2:30 sáng (giờ GTM) ngày hôm nay, các lực lượng vũ trang của Quân đội Ukraine đã bắn đạn cối và lựu đạn vào bốn địa phương ở nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng thuộc khu vực Donbass.
Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO leo thang căng thẳng sau khi các thành viên chủ chốt của khối quân sự này cáo buộc Moscow đang không ngừng tăng cường lực lượng gần biên giới Ukraine để chuẩn bị cho “một cuộc xâm lược” nhằm vào quốc gia láng giềng phía Tây.
Moscow đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên, đồng thời cảnh báo về khả năng Kiev sẽ thực hiện những hành động khiêu khích nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông đất nước bằng vũ lực.
Theo Sputnik, các Hiệp định Minsk được nhất trí vào tháng 2 năm 2015 quy định thực hiện một lệnh ngừng bắn giữa Kiev và các nước Cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng; yêu cầu rút quân; nối lại quan hệ kinh tế và cải cách hiến pháp ở Ukraine nhằm đảm bảo quyền dân tộc của những nước cộng hòa này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nhấn mạnh rằng các thỏa thuận Minsk về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine là giải pháp khả thi duy nhất nhưng Kiev không muốn thực hiện chúng.
Tình báo Estonia: Nhiều khả năng Nga sẽ phát động “một cuộc tấn công có giới hạn” vào Ukraine
Tình báo Estonia cho biết gần 10 nhóm tác chiến của Nga đang tiến về biên giới giáp Ukraine trong bối cảnh phương Tây khẳng định Quân đội Nga chưa phải rút quân mà là đang tăng cường thêm lực lượng tới đây.
Theo ông Mikk Marran, Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Estonia thì gần 170.000 binh sĩ Nga đã được triển khai tại các vị trí chiến đấu.
Cuộc tấn công từ phía Nga nếu diễn ra sẽ gồm các cuộc bắn phá bằng tên lửa và chiếm đóng những địa hình quan trọng của Ukraine.
“Nếu Nga thành công ở Ukraine, điều đó sẽ khuyến khích nước này gia tăng sức ép lên vùng Baltic trong những năm tới” ông Marran cảnh báo.
Lực lượng quân sự Ukraine tấn công ngoại ô Donetsk
Sputnik dẫn thông tin từ Phái bộ của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) tại Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung cho biết các lực lượng quân sự Ukraine đã nã pháo vào vùng ngoại ô thành phố Donetsk miền Đông Ukraine.
“Vào lúc 9:50 giờ địa phương (06:50 GMT), một cuộc pháo kích đã được ghi nhận từ phía các đơn vị vũ trang của Ukraine bắn về hướng làng Mandrykino ở ngoại ô Donetsk. Năm quả đạn cỡ nòng 82 mm đã được bắn đi”, người phát ngôn DPR nói với các phóng viên.
Lực lượng dân quân Lugansk: Tình hình ở Donbass đang diễn biến tồi tệ
Lực lượng dân quân thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) cho biết, tình hình tại khu vực này đã xấu đi đáng kể trong ngày qua do Kiev đang cố gắng leo thang xung đột.
Lugansk kêu gọi các quan sát viên quốc tế ghi nhận vụ tấn công và thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành động gây hấn của Ukraine.
Trước đó, Quân đội Ukraine bị tố đã phóng lựu đạn và đạn cối vào 4 địa phương ở nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (lúc 2:30 sáng theo giờ GTM ngày thứ Năm).
“Các đơn vị vũ trang của Ukraine đã vi phạm nghiêm trọng chế độ ngừng bắn khi sử dụng vũ khí bị cấm theo các thỏa thuận Minsk”, một sĩ quan của phái bộ LPR tại Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung (JCCC) về lệnh ngừng bắn và giữ gìn ổn định ở giới tuyến cho biết.
Sau đó, dân quân của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) cũng đã bắn trả vào các cứ điểm của lực lượng an ninh Ukraine.
“Để bảo vệ dân thường và lực lượng phòng vệ, chúng tôi buộc phải bắn trả để trấn áp hỏa lực của đối phương. Thông tin về thương vong và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dân sự đang được làm rõ”.
OSCE ghi nhận nhiều vụ pháo kích đang diễn ra ở miền đông Ukraine
Reuters dẫn lời một nguồn tin ngoại giao cho biết, các giám sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã ghi nhận nhiều vụ pháo kích dọc theo giới tuyến giữa lực lượng nổi dậy do Nga hậu thuẫn và quân chính phủ ở miền đông Ukraine hôm thứ Năm.
Phe ly khai trước đó cho biết lực lượng quân sự Ukraine đã nã đạn cối vào lãnh thổ của họ, làm gia tăng thêm thang căng thẳng trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang gặp nhiều khó khăn.
Về phần mình, Chính phủ Ukraine cáo buộc phiến quân ở Donbass đã sử dụng pháo để tấn công các lực lượng của họ.
Tổng thống Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga chưa rút quân
Trong đoạn video mới đăng tải, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết “không có dấu hiệu nào cho thấy số lượng binh sĩ Nga đã giảm bớt ở các khu vực gần Ukraine”.
“Chúng tôi không thấy bất kỳ thay đổi nào hiện nay. Chúng tôi chỉ thấy một lượng lớn binh lính. Đã không có thay đổi nào trong những tuần gần đây” ông Zelensky phát biểu.
“Chúng tôi nhận thấy đang có những sự luân chuyển nhỏ. Tôi sẽ không gọi những hoạt động luân chuyển này là sự rút quân của Nga. Chúng tôi không thể nói như vậy được”.
Điện Kremlin: Việc rút các lực lượng Nga ra khỏi biên giới sát Ukraine sẽ “cần mất một thời gian”
“Bộ Quốc phòng đã thông báo rõ ràng rằng một số giai đoạn tập trận quân sự nhất định đang kết thúc và các đơn vị quân đội đang quay trở lại căn cứ thường trực của họ”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
Ông Peskov nhấn mạnh “các lực lượng không thể đều cất cánh và bay về ngay” nhưng nói rằng việc rút quân do Bộ Quốc phòng công bố “đã có lịch trình”.
Phát biểu trên được Peskov đưa ra sau khi Moscow trước đó đã phát đi hai thông báo riêng biệt liên quan đến việc đưa các lực lượng Nga trở lại căn cứ sau các cuộc tập trận.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Nga không rút quân mà còn điều thêm máy bay chiến đấu và nguồn dự trữ máu
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm nay cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden “không nhận thấy bất kỳ hình thức rút quân nào” của Nga khỏi biên giới Ukraine.
Thay vào đó, “Mỹ tiếp tục chứng kiến Nga chỉ tăng cường thêm năng lực và binh lính của mình trong vài ngày qua”, ông Austin nói trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels hôm thứ Năm.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định “Nga vẫn đang triển khai thêm nhiều máy bay chiến đấu và hỗ trợ hậu cần” song song với việc “nâng cao khả năng sẵn sàng của họ ở Biển Đen” và thậm chí “dự trữ nguồn cung cấp máu”.
Ông Austin nói rằng mặc dù Mỹ vẫn đang thu thập thông tin chi tiết về hoạt động pháo kích ở khu vực Donbass của Ukraine nhưng đang xuất hiện lo ngại rằng việc này có thể được Nga thực hiện để “tạo cớ cho một cuộc xâm lược” và “chúng tôi sẽ theo dõi điều này rất chặt chẽ”.
Tổng thống Mỹ Biden: “Mọi dấu hiệu đều cho thấy Nga chuẩn bị tấn công Ukraine”
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm cảnh báo “Nga vẫn có thể xâm lược Ukraine trong vòng vài ngày tới” trong khi Phó Đại sứ Mỹ ở Moscow đã Nga bị trục xuất.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden cho biết Washington “không thấy dấu hiệu nào” về việc Nga rút bớt các lực lượng khỏi biên giới với Ukraine, đồng thời khẳng định Mỹ “có lý do để tin rằng Nga đang tham gia vào một chiến dịch cờ giả” để lấy cớ tấn công.
“Mọi dấu hiệu mà chúng tôi có đều cho thấy họ chuẩn bị tiến vào Ukraine, tấn công Ukraine”, ông Biden nói với các phóng viên.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Nga đã yêu cầu Phó Đại sứ Hoa Kỳ ở Moscow, ông Bart Gorman, rời khỏi đất nước. Nga không cho biết lý do tại ông Gorman bị trục xuất.