Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu ngành dệt may ghi nhận những tín hiệu tích cực và ngành được dự báo về một tương lai đầy triển vọng nửa cuối năm nay.
Thực tế khởi sắc
Bước vào năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam dẫn đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc tại Mỹ và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong số ba quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Ngành dệt may với những tín hiệu khởi sắc – Ảnh: Internet |
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt gần 21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tháng 6 chứng kiến sự tăng trưởng trở lại với kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, nhờ vào sự phục hồi 2% tại thị trường Mỹ, dù các thị trường khác vẫn còn yếu. Tháng 7/2024, xuất khẩu dệt may tiếp tục vươn lên với 3,35 tỷ USD.
Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng, chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư tiêu biểu vào ngành dệt may Việt Nam.
Việt Nam đang có cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Do lo ngại về chiến tranh thương mại và vấn nạn lao động tại Tân Cương, nhiều công ty thời trang Mỹ đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế như Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, và Indonesia.
Trong nước, doanh số hàng may mặc đã đạt gần 250.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 7,4% so với năm trước, bất chấp khó khăn kinh tế. Tiêu thụ nội địa vẫn duy trì tích cực, tạo động lực quan trọng cho ngành dệt may.
Doanh nghiệp ngành dệt may cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Lũy kế nửa đầu năm, Dệt May Hoà Thọ báo cáo lợi nhuận sau thuế tăng 80% so với cùng kỳ, đạt khoảng 114 tỷ đồng, trong khi Công ty cổ phần Sợi Phú Bài đã hồi phục với lợi nhuận gần 3,8 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ 18 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Kịch bản tương lai sáng ngời
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 8-10%, nhờ nhu cầu tiêu dùng cải thiện và đơn hàng tích cực từ đầu năm. Hầu hết các doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết tháng 9 và tháng 10 và đang tiếp tục đàm phán cho cả năm 2024. Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn vào cuối năm.
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận đang có dấu hiệu khả quan, ngành dệt may vẫn đối mặt với những thách thức lớn. Hiện tại, các doanh nghiệp thiếu khoảng 500.000 lao động, chủ yếu là lao động tay nghề cao, quản lý và thiết kế sản phẩm.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất là cần thiết để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm thời gian lao động. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.