Trong tháng 3, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán trong nước tăng gần 164.000 đơn vị, nâng số lượng tài khoản quý I tăng 402.000 đơn vị.
Theo số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), trong tháng 3, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt 7,63 triệu đơn vị, tăng 163.524 tài khoản so với cuối tháng 2. Mức tăng này cao hơn 4% so với tháng 3 và cao nhất trong vòng nửa năm (kể từ sau tháng 9/2023).
Số lượng tài khoản giao dịch của cá nhân trong nước tại 31/3 đạt 7,65 triệu đơn vị, tương đương với khoảng 7,7% dân số . Nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 197 tài khoản đạt 16.531 đơn vị tại thời điểm cuối tháng 3.
Trong quý I, số lượng tài khoản của cá nhân trong nước tăng 401.669 tài khoản, tổ chức trong nước tăng 296 đơn vị.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, số lượng tài khoản tăng 218 đơn vị trong tháng 3, trong đó cá nhân chiếm 212 tài khoản và tổ chức 6 tài khoản. Tính chung quý I, khối ngoại đã tăng 511 tài khoản, lên 45.895 tài khoản.
Theo báo cáo phân tích tháng 4 của FIDT Research, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động lực chính của thị trường trong thời điểm hiện tại. Lũy kế giá trị giao dịch của khố cá nhân trong nước từ đầu năm đạt khoảng 14.600 tỷ đồng (trong đó riêng tháng 3 chiếm khoảng 10.000 tỷ đồng).
Đây là chủ thể mua ròng lớn nhất và đối ứng với lượng bán ra của cả 3 chủ thể còn lại trên thị trường. Sức mua này thể hiện rằng thị trường đang trở lại xu hướng tích cực, tâm lý và kỳ vọng của nhóm cá nhân theo đó tăng lên.
Tuy nhiên, việc chiếm tỷ trọng lớn hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường (trung bình 1 năm gần nhất) cũng khiến nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước mang lại rủi ro cho thị trường. Nhóm nhà đầu tư cá nhân với các đặc điểm ưa thích sử dụng đòn bẩy cao, và dễ bị các tin tức ảnh hưởng đến tâm lý đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam mang tính biến động cao.