Quốc hội Việt Nam vừa đi qua một năm thật đặc biệt và chào đón một năm mới theo cách cũng rất đặc biệt. Thời điểm Tết Nhâm Dần 2022 cận kề, cũng là lúc Quốc hội vừa bế mạc phiên họp bất thường lần thứ nhất, một kỳ họp mang đậm tinh thần “Xuân Tái Thiết”.
Đã nhiều nhiệm kỳ nay Quốc hội đều đặn mỗi năm hai kỳ họp diễn ra trong nửa cuối tháng 5 – nửa đầu tháng 6 và nửa cuối tháng 10 – nửa đầu tháng 11.
Nhưng xuân nay, ngày làm việc đầu tiên của năm mới, phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội trên đường Độc Lập – Hà Nội) – nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội – đã sáng đèn để khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khoá XV.
Và, ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đây là công việc rất quan trọng để tái thiết đất nước sau hai năm gồng mình chống chịu sự tàn phá của đại dịch COVID-19. Nền tảng cho tái thiết phải là một hành lang pháp lý đủ mạnh nhưng linh hoạt, kịp thời. Hoàn cảnh đặc thù cần quyết sách đặc biệt, đó là câu nói đã được nhấn mạnh rất rất nhiều lần ở nghị trường suốt từ khi đại dịch bắt đầu hoành hành.
Hiện thực hóa tinh thần đó, ngay kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ mới (tháng 7/2021) Quốc hội chủ động ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả trước diễn biến phức tạp của đại dịch, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Đây được coi là sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp. Qua đó, đã trao quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, với quyết định chưa có tiền lệ này, Quốc hội đã cho thấy sự quyết đoán, chung tay, đồng hành với cả hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Giữ mạch chủ động, trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động tổ chức một số phiên họp bất thường, ngoài giờ để kịp thời ban hành các nghị quyết quan trọng. Như Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với khoản hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng thông qua phát tiền mặt trực tiếp cho người lao động nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bước sang năm 2022, để tái thiết nền kinh tế, một Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sẽ sớm được ban hành. Và một gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình này không thể chờ đến cuối tháng 5 – khi Quốc hội họp kỳ thứ ba mới quyết định. Bởi, dù là chính sách bổ sung, nhưng nó mang một ý nghĩa như Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định là hết sức quan trọng. Nếu gói này được thông qua đầu năm 2022 thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng hai năm 2022- 2023 và dư âm còn hết nhiệm kỳ, ông Cường trao đổi với báo chí trong cuộc họp báo về kỳ họp bất thường, như thế.
Còn theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn, với bối cảnh của nền kinh tế hai năm qua thì cần có chính sách để vực dậy tăng trưởng, dựa trên những tính toán thận trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi nói về gói chính sách này đã nhấn mạnh, điều kiện đặc biệt thì phải có giải pháp đặc biệt. Ông yêu cầu gói hỗ trợ cần tập trung cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn cho tổng cung, quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt vừa giữ được ổn định tế vĩ mô.
Quốc hội cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.Không chỉ là quyết định “tiền tươi, thóc thật” mà ở kỳ họp đặc biệt này, Quốc hội còn mở lối cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Đặc biệt, một trong những mục tiêu được hướng đến là thừa nhận về mặt pháp luật cho hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ an ninh mạng, phù hợp với yêu cầu bảo vệ các mục tiêu trọng yếu quốc gia về an ninh mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Quốc hội cũng xem xét việc cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ để nơi đây phát triển kinh tế thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thực sự trở thành trung tâm động lực của Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các nội dung của kỳ họp này, theo nhấn mạnh của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường là “để chậm 1 ngày đã khác chứ đừng nói chậm 4-5 tháng nên kỳ họp bất thường của Quốc hội là cần thiết để phục hồi và phát triển kinh tế”.
Không phải bất cứ đề xuất mới nào cũng dễ dàng qua được “cửa” cơ quan thẩm tra, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận trình Quốc hội ngay từ lần đầu tiên, nhưng nghị trường đã không để cuộc sống phải đợi chờ, trông ngóng.
2021 đã là một năm đầy dấu ấn của cơ quan lập pháp. Con đường đến phòng họp Tân Trào – nơi Chủ tịch Quốc hội liên tục chủ trì các cuộc họp bất kể ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính – đã trở nên quen thuộc với nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, pháp luật, đại biểu Quốc hội. Không phải bất cứ đề xuất mới nào cũng dễ dàng qua được “cửa” cơ quan thẩm tra, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận trình Quốc hội ngay từ lần đầu tiên, nhưng nghị trường đã không để cuộc sống phải đợi chờ, trông ngóng.
2022, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để tái thiết, Quốc hội sẵn sàng “phá lệ”, họp bất thường để giải quyết nhiều nội dung quan trọng, cấp bách, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Con đường tái thiết còn đầy chông gai, nhưng nhìn vào hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất từ đầu nhiệm kỳ mới đến nay có sở sở để tin rằng, Quốc hội sẽ tiếp tục ban hành những quyết định kịp thời, chính xác, hợp lòng dân.