Tiến độ các dự án hạ tầng giao thông được đẩy nhanh giúp một số doanh nghiệp quy mô top đầu được hưởng lợi về mặt doanh thu, thế nhưng những áp lực về mặt chi phí đầu vào, chi phí lãi vay đã kéo lùi biên lợi nhuận của nhóm – vốn đã mỏng.
Năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu giảm tốc cũng như môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là điểm tựa cho mục tiêu tăng trưởng của nhiều nhóm ngành, trong đó bao gồm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng.
Kết quả giải ngân đầu tư công nửa đầu năm chỉ ra tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt hơn 28% kế hoạch và đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này tăng khá so với cùng kỳ năm 2022 (lần lượt đạt 25% kế hoạch và đạt 28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Theo Bộ Tài chính số vốn đầu tư kế hoạch năm 2023 trong 6 tháng đầu năm đã tăng gần 10% so với tỷ lệ giải ngân của 5 tháng trước đó và tăng khá hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo tài chính quý II/2023 của các doanh nghiệp trong nhóm đầu tư công phần nào cho thấy những tín hiệu khả quan hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn có sự phân hoá giữa các doanh nghiệp.
Nội dung chính
Doanh nghiệp xây lắp: Điểm sáng tập trung cho nhóm có quy mô
Theo thống kê của người viết, doanh thu thuần của 9 doanh nghiệp xây dựng hạ tầng 6 tháng đầu năm 2023 có sự phân hoá, điểm sáng nằm ở nhóm có quy mô lớn.
Doanh thu diễn biến trái chiều
Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã: VCG) là đơn vị có quy mô nhất, báo cáo doanh thu thuần 6 tháng tăng tới 85% so với cùng kỳ, với mảng xây lắp tăng 3,4 lần lên 3.922 tỷ đồng, đồng thời mảng bất động sản bắt đầu ghi nhận doanh thu 1.659 tỷ (cùng kỳ chưa ghi nhận).
Tương tự, mảng xây lắp của CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) tăng trưởng 100% lên 328 tỷ đồng và giúp cho HHV báo doanh thu thuần tăng trưởng 26% . Trong khi đó, mảng thu phí BOT mang về 792 tỷ đồng doanh thu và tăng 9%.
Ngược lại, nhóm doanh nghiệp gồm Fecon (Mã: FCN), Tập đoàn Đạt Phương (Mã: DPG), Cienco4 (Mã: C4G) hay CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) báo cáo doanh thu thuần giảm sút hai chữ số.
Riêng với CII, mảng hoạt động xây dựng ghi nhận doanh thu chỉ bằng 1/4 cùng kỳ, tương đương 66 tỷ đồng. Trong khi các mảng thu phí, bất động sản, cung cấp nước sạch đều ghi nhận tăng trưởng.
Biên lãi gộp chưa khởi sắc
Chi phí nguyên vật liệu tăng cao được nhìn nhận là một trong những lý do dẫn đến chậm giải ngân tại nhiều dự án hạ tầng trong giai đoạn đầu năm 2023, điều này cũng tác động đến biên lãi gộp của nhóm xây dựng hạ tầng vốn đã mỏng.
Dù Chính phủ đã có những biện pháp tháo gỡ, như thông qua cấp phép khai thác các mỏ mới, giúp giảm giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá, xi măng,… nhưng vẫn chưa tác động tức thời đến kết quả của doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, giá vốn hàng bán của doanh nghiệp nhìn chung vẫn tăng cao so với cùng kỳ, khiến biên lãi gộp của nhóm xây lắp thu hẹp, trừ hai trường hợp của Cienco4 và Lizen (Mã: LCG).
Tại ĐHĐCĐ thường niên của Vinaconex hồi tháng 4, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: “Giá trị đầu tư công rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của Tổng Công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận về đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 2-3%”.
Dù vậy trong nhóm thống kê, HHV tiếp tục giữ vững vị trí đầu bảng về biên lợi nhuận gộp với con số gần 47%, bỏ xa các doanh nghiệp khác do đóng góp lớn từ mảng BOT.
Ngoài ra, nửa đầu năm, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay. Cienco4 cho biết, mức lãi suất 6 tháng 2023 nhìn chung cao hơn so với cùng kỳ, đồng thời phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng 2023 cao hơn do trúng một số gói thầu lớn đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp như Vinaconex báo lãi giảm 80% hay kết quả lợi nhuận của Lizen giảm 77% còn do hụt thu từ mảng đầu tư tài chính.
Theo báo cáo mới công bố tháng 7 của SSI Research, doanh nghiệp hưởng lợi từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là các doanh nghiệp đầu ngành, có tiềm lực tài chính đủ mạnh (quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu), có lợi thế cạnh tranh. Yếu tố quan trọng khác là có kinh nghiệm tham gia các dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm, hàm lượng kĩ thuật cao.
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công, doanh thu mảng xây dựng của những doanh nghiệp đã dần cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ bắt đầu từ năm 2021 – 2022 và sang 2023. Doanh thu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2023 – 2025 theo chu kì đầu tư công.
Tuy nhiên với đặc thù ngành xây dựng hạ tầng với biên mỏng và các khoản phải thu lớn, đa số sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao và chịu áp lực chi phí tài chính tăng trong môi trường lãi suất leo thang. Điều này dẫn đến mức độ tăng trưởng lợi nhuận theo doanh thu sẽ chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn, minh chứng bằng việc kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 chưa thực sự khởi sắc trên diện rộng.
Nhóm đá, nhựa đường: KQKD đồng loạt đi xuống
Ngoài những nhà thầu xây lắp, nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng như đá, nhựa đường cũng được hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công. Công ty nhựa đường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ngay từ đầu năm 2023 nhờ các dự án chuyển tiếp từ thời gian trước.
Tổng Công ty hoá dầu Petrolimex – CTCP (Mã: PLC) đang là đơn vị duy nhất trên sàn chứng khoán hoạt động trong mảng nhựa đường với thị phần khoảng 30%. Kết quả kinh doanh những năm trước đó của doanh nghiệp này cũng đã cho thấy sự cùng pha với sóng đầu tư công.
Tuy nhiên nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của đơn vị này giảm 8%, lợi nhuận sau thuế thụt lùi 22% so với cùng kỳ.
Tương tự, nhóm đá cũng chưa cho thấy tình hình kinh doanh đi lên khi đồng loạt báo doanh thu và lợi nhuận giảm sút.
Riêng trường hợp của Đá Núi Nhỏ (Mã: NNC) ghi nhận doanh thu tăng trưởng do sản lượng đá tiêu thụ cao hơn cùng kỳ, đồng thời do giá vốn tăng thấp hơn mức tăng của doanh thu và các chi phí không quá đột biến giúp công ty tăng trưởng lợi nhuận.
Đối với Đá Hóa An (Mã: DHA), lợi nhuận 6 tháng gấp 2,4 lần cùng kỳ do hoàn nhập được chi phí dự phòng đầu tư chứng khoán.
Thực tế, nhu cầu cao nhưng nguồn cung đá xây dựng vẫn tiếp tục hạn chế trong thời gian tới do quy hoạch mỏ đá xây dựng giai đoạn 2021 – 2025 mới chưa hoàn thành và giá bồi thường đất tại các khu vực khai thác đá tăng. Ngoài vấn đề nguồn cung, chi phí vận chuyển là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành đá xây dựng.
Trong dài hạn, với nhu cầu khổng lồ từ các dự án sân bay Long Thành, Vành đai 3 và các dự án khác khu vực miền Đông Nam Bộ, các mỏ đá khu vực Tân Cang sẽ được ưu tiên sử dụng do gần về vị trí địa lý.
Nhóm công ty đá dự báo được hưởng lợi sẽ là CTCP Hóa An (Mã: DHA) và CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB). Nói thêm, CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB) đang sở hữu 41% của VLB – đơn vị sở hữu các mỏ đá lớn nhất miền Đông Nam Bộ nên cũng có những tích cực trong kết quả kinh doanh.
Nhóm vật liệu xây dựng hưởng lợi từ đầu tư công còn có nhóm thép. 6 tháng đầu năm, kết quả của những tập đoàn hàng đầu như Hòa Phát, Hoa Sen, Thép Nam Kim… vẫn thua xa so mới mức đỉnh lợi nhuận cùng kỳ. Tuy nhiên, điểm tích cực là tình hình tiêu thụ các mặt hàng thép đã chuyển biến tích cực hơn về sản lượng, tăng dần qua những tháng gần đây.