Nội dung chính
Giá đường không còn giữ xu hướng tăng
Giá đường trong nước phục hồi mạnh kể từ năm 2021 đến nay, tuy nhiên kể từ đầu năm 2024, giá đường đang có xu hướng giảm dần.
Theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường trong nước bình quân cũng đã tăng từ khoảng 15.000 đồng/kg trong năm 2021 lên gần 23.000 đồng/kg vào cuối năm 2023 và giảm về 21.000 đồng/kg đến cuối tháng 8/2024.
Giá thu mua mía hiện tại cũng đã tăng 152% so với niên vụ 2019 – 2020, đạt 1,2 – 1,3 triệu đồng/ tấn mía, bằng với mức giá của các nước sản xuất mía đường khác trong khu vực. Điều này giúp diện tích mía, sản lượng phục hồi trong những niên vụ qua.
Như đã đề cập trước đó, giá đường trong nước có được xu hướng tăng trong ba năm trước một phần nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại, cùng với đó làhưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường thế giới.
Giá đường thế giới đã tăng từ 15 US Cent/pound lên 19 US Cent/pound trong cùng giai đoạn. Đặc biệt trong năm 2023, giá đường thế giới tăng lên mức 27 US Cent/pound sau khi Ấn Độ siết chặt việc xuất khẩu mặt hàng này do lo ngại về tình trạng lạm phát tăng cao.
Tới năm 2024, giá đường trong nước đang có xu hướng giảm do lo ngại về tình trạng dư cung trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu sức ép về đường lậu và đường lỏng sirô ngô (HFCS).
Theo số liệu của VSSA, tính đến tháng 8, nguồn cung đường trong nước đã bằng mức tổng cung cả năm 2023 là 1,3 triệu tấn.
Chia sẻ với chúng tôi về xu hướng giá đường trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết giá trong nước sẽ còn lệ thuộc vào thị trường thế giới.
“Giá đường thế giới lệ thuộc nhiều vào các nước lớn trong đó có Thái Lan. Trong khi đó, đường nhập lậu vào Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với đường Thái Lan. Hiện tại, xu hướng giá đường thế giới và trong nước đang giảm. Do đó, nếu không gì thay đổi, giá sẽ còn giảm trong thời gian tới”, ông Lộc cho biết.
Chủ tịch VSSA đánh giá đây sẽ là thách thức rất lớn cho toàn ngành bởi nếu giá giảm, các nhà máy sẽ rất khó giữ giá mía tốt như hiện tại.
Báo cáo mới nhất của VSSA dự báo nguồn cung dồi dào bao gồm đường sản xuất từ mía của niên vụ 2023-2024, đường HFCS, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tiếp tục đưa đường vào thị trường gây nên tình trạng thừa cung. Giá đường trong nước giảm và ở mức thấp so với giá đường của các quốc gia trồng mía trong khu vực (Indonesia, Philippines và Trung Quốc).
Ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Mía đường Quảng Ngãi cho biết hiện nay giá đường đang trong xu thế giảm. Tuy nhiên, ông kỳ vọng nếu Nhà nước quản lý tốt vấn đề đường lậu, giá đường sẽ giữ được bình ổn từ nay đến năm 2025.
Thách thức từ đường gian lận xuất xứ từ Indonesia
Đường nhập khẩu từ Indonesia đang tạo nên những thách thức mới cho triển vọng giá đường trong nước trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đường từ Indonesia có dấu hiệu lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Trước đó năm 2022, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Theo đó, đường nhập khẩu từ các nước này có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tương tự như Thái Lan là gần 50%.
Trong báo cáo mới đây, VSSA cho biết kể từ tháng 2/2021 (thời điểm Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với đường Thái Lan), đến cuối năm 2023, Việt Nam nhập khẩu gần 843.000 tấn đường từ Indonesia (trung bình 281.000 tấn mỗi năm), tương đương gần 30% sản lượng đường sản xuất trong nước cùng giai đoạn.
Số đường này đều có nguồn gốc xuất xứ từCông ty PT Kebun Tebu Mas trong khi đó, theo tài liệu từ Hiệp hội mía đường chia sẻ trước đó, sản lượng sản xuất bình quân đường từ mía trong 4 năm gần đây của công ty này chỉ đạt hơn 54.400 tấn/năm.
Cùng với đó, việc xuất khẩu đường từ mía cũng không phù hợp với quy định của Chính phủ Indonesia.
“VSSA cho rằng toàn bộ khối lượng đường này không thể sản xuất từ mía, vì lý do đơn giản là đường sản xuất từ mía phải tiêu thụ nội địa theo quy định của chính phủ Indonesia. Như vậy, có dấu hiệu rõ ràng của gian lận khai báo xuất xứ”, hiệp hội cho biết.
VSSA cho rằng toàn bộ số lượng đường này có dấu hiệu bán phá giá vào thị trường Việt Nam. Theo đó, giá đường nhập khẩu từ Indonesia vào Việt Nam bình quân năm 2021, 2022 và 2023 là lần lượt 594 USD/tấn, 664 USD/tấn và 739 USD/tấn. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá nội địa của Indonesia giai đoạn 2021 – 2023 là 835 – 912 USD/tấn.
So sánh tương quan giá đường đường nội địa Việt Nam, giá đường nhập khẩu từ Indonesia cũng thấp hơn nhiều. Theo đó, giá đường nhập khẩu từ Indonesia khoảng 14.500 – 18.000 đồng/kg trong giai đoạn 2021 – 2023. Trong khi giá đường Việt Nam trong cùng giai đoạn trung bình 17.000 – 22.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá đường bán tại nội địa tại thị trường Indonesia thường cao cao hơn so với giá nội địa của Việt Nam.
“Điều này đồng nghĩa Indonesia xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức giá thấp hơn 23 – 41% so với nội địa. Với hành vi này, Indonesia không thực hiện nghiêm chính hiệp định ATIGA đối với mặt hàng đường. Việc Việt Nam vẫn chấp thuận cho Indonesia xuất khẩu đường vào Việt Nam là điều bất công bằng và vô lý”, VSSA nhận định.
Tại hội nghị tổng kết ngành mía đường diễn ra hôm 13/9, ông Chu Thắng Chung, Cục Phó Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, đối với vấn đề gian lận xuất xứ của Indonesia, cơ quan này sẽ làm việc với Hải quan để xử lý trường không khai báo đúng xuất xứ.
Đồng thời, Cục Phòng vệ Thương mại cũng sẽ rà soát lại các doanh nghiệp Indonesia có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Việc rà soát này căn cứ vào thời gian gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước.