Giá dầu giảm khoảng 3% trong phiên giao dịch 22/6 trong bối cảnh quan ngại sụt giảm nhu cầu dầu mỏ gia tăng trước rủi so suy thoái tại Mỹ cũng như toàn cầu.
Giá dầu Brent tương lai giảm 2,91%, tương đương 2,5%, xuống 111,74 USD/thùng. Có thời điểm giá dầu Brent chạm đáy hơn 1 tháng 107,03 USD/thùng.
Giá dầu WTI giảm 3,33 USD, tương đương 3%, xuống 106,19 USD/thùng.
Dự trữ xăng, dầu tại Mỹ tăng trong tuần trước. Ảnh: Reuters. |
Nhà đầu tư nhận định quá trình tăng lãi suất nhằm sớm kiểm soát lạm phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Giá dầu giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lên tiếng khẳng định quyết tâm kéo giảm lạm phát và cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới, với mức độ tăng phụ thuộc vào triển vọng nền kinh tế tại thời điểm đó.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Quốc hội thông qua phương án tạm dừng thu thuế xăng, dầu liên bang trong vòng 3 tháng nhằm “hạ nhiệt” giá xăng dầu, đồng thời làm giảm áp lực chi phí lên các hộ gia đình trong mùa hè này. Tuy nhiên, các nhà lập pháp của cả hai Đảng không mấy tán thành đề xuất này.
Nhà Trắng sẽ tổ chức một cuộc họp với sự góp mặt của lãnh đạo 7 doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhằm thảo luận giải pháp gia tăng sản lượng và giảm giá xăng, hiện đang ở ngưỡng cao kỷ lục khoảng 5 USD/gallon.
Ông Biden trước đó đã lên tiếng chỉ trích Big Oil khi tận dụng thời điểm giá xăng cao để tranh thủ gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, ông hiếm khi có cuộc trao đổi chính thức nào đối với các lãnh đạo doanh nghiệp năng lượng, hoặc đại diện của họ.
CEO Chevron Michael Wirth chia sẻ chỉ trích ngành công nghiệp dầu mỏ không phải giải pháp giúp kéo giảm giá nhiên liệu, và chính phủ nên thay đổi cách tiếp cận của mình.
Công suất lọc dầu của Mỹ giảm trong năm 2021, năm thứ 2 liên tiếp, trong bối cảnh nhiều nhà máy đóng cửa dừng sản xuất.
Dự trữ dầu mỏ của Mỹ tăng 5,6 triệu thùng hồi tuần trước, trong khi dự trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng, theo báo cáo của Viện xăng, dầu quốc gia.
Khoảng 2.400 tỷ USD sẽ được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng toàn cầu trong năm nay, trong đó, nguồn vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng cao kỷ lục, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Kim loại quý
Giá vàng tăng trong bối cảnh quan ngại suy thoái liên tục gia tăng, khiến nhà đầu tư quan tâm hơn tới các loại hình tài sản trú ẩn, trong đó có vàng.
Giá vàng tương lai tại Mỹ tăng 0,2% lên 1.841,70 USD/ounce. Giá vàng giao ngay cũng tăng 0,4% lên 1.839,86 USD/ounce tại thời điểm 11h45 giờ GMT.
Chứng khoán toàn cầu giảm khi nhà đầu tư nhận định các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất và rủi ro suy thoái ngày một tăng cao. Lạm phát tại Anh đạt 9,1% trong tháng trước, mức cao nhất trong vòng 40 năm.
“Quan ngại suy thoái và lạm phát khiến cho nhu cầu tài sản trú ẩn tăng cao. Tuy nhiên, quá trình siết chặt chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất, đặc biệt tại Mỹ, phần nào hạn chế đà tăng giá của vàng”, Carsten Menke, Chuyên gia tới từ Julius Baer, chia sẻ.
Dollar Index tăng 0,1%, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nước ngoài.
Chủ tịch Fed Powell, trong phiên điều trần trước Quốc hội, tiếp tục khẳng định quyết tâm kiểm soát lạm phát của cơ quan này. Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi nào lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.
Lãi suất tăng cao, kéo theo giá đồng USD và lợi suất trái phiếu, là “cơn gió chướng” đối với giá vàng, theo Ricardo Evangelista, Chuyên gia phân tích cấp cao tại ActiveTrades.
Ở một diễn biến khác, giá bạc giảm 0,9% xuống 21,47 USD/ounce. Giá platinum giảm 0,2% xuống 935,75 USD/ounce. Palladium tăng 0,4% lên 1.884,34 USD/ounce.