Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, bão số 3 gây thiệt 40.000 tỷ đồng, ước giảm khoảng 0,15% GDP năm nay.
Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo Thường trực Chính phủ về tình hình thiệt hại do cơn bão số 3, các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua. Bão và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh thành toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước). Đến nay, có 353 người chết, mất tích và khoảng 1.900 người bị thương.
Bộ KH&ĐT cho biết, ước tính sơ bộ thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó: Khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên. Trên 260.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.
Bão và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố. Ảnh: Văn Đức. |
Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.
“Cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Tốc độ tăng trưởng GRDP địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%”, Bộ KH&ĐT nhận định.
Nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ. Các trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu…, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cả ở khu vực ven biển, đô thị, giáp ranh đô thị, nông thôn, miền núi… Đây là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất, đặc biệt khi miền Bắc đang trong thời gian gieo trồng vụ mùa, chưa bước vào thời điểm thu hoạch.
Nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Về du lịch, lưu trú, nhiều cơ sở bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa. Theo đó, miền Bắc sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế (từ tháng 9 năm nay đến tháng 4/2025), có thể không thu hút được khách trong nước, đặc biệt là các địa điểm du lịch trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang…
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.
Bộ KH&ĐT lưu ý, các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh, không để phát sinh dịch bệnh.
“Xuất hiện nhiều thông tin xấu, không chính xác, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão lũ và khắc phục thiệt hại sau bão. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội xuất hiện một số yếu tố phức tạp, nhất là lừa đảo qua mạng”, Bộ KH&ĐT này cảnh báo.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ KH&ĐT đề xuất tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết, tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân phải được bảo vệ; cùng với đó hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Bộ này cũng đề nghị hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới; có cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sơ bộ tại 20/26 tỉnh thành ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.