Đúng như dự báo, Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế khoẻ mạnh, thị trường lao động vẫn vững chãi và lạm phát vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu.
Trong ngày 02/11 (giờ Việt Nam), Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) – cơ quan ra quyết định của Fed – giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5.25%-5.5%. Đây là lần thứ hai liên tiếp Fed giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 7/2023. Trước đó, họ đã nâng lãi suất 11 lần liên tiếp lên mức đỉnh 22 năm.
Đáng chú ý, họ cũng đánh giá khả quan hơn về tình hình kinh tế Mỹ.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed cho biết “các hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh trong quý 3/2023”, đồng thời lưu ý mức tăng về số lượng việc làm “đã hạ nhiệt so với đầu năm, nhưng vẫn còn cao”.
Trong quý 3/2023, GDP Mỹ tăng trưởng 4.9% (đã hiệu chỉnh theo cơ sở hàng năm), vượt xa dự báo của các chuyên gia. Trong tháng 9/2023, nền kinh tế Mỹ có thêm 336,000 việc làm, cũng cao hơn dự báo.
Tuyên bố sau cuộc họp có ít sự thay đổi, ngoại trừ sự nhấn mạnh rằng điều kiện tài chính và tín dụng đã thắt chặt. Trước đó, lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng mạnh và khiến Phố Wall lo ngại.
Fed tiếp tục lưu ý họ vẫn đang trong quá trình xác định cần thắt chặt thêm bao nhiêu để đạt mục tiêu. “Uỷ ban sẽ tiếp tục đánh giá các thông tin sắp tới và tác động của chúng tới chính sách tiền tệ”, trích từ tuyên bố.
“Kinh tế vẫn sẽ trụ vững”
Động thái giữ nguyên lãi suất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể so với đỉnh năm 2022, nhưng thị trường lao động vẫn quá vững chắc bất chấp 11 đợt nâng lãi suất liên tiếp.
Trong tháng 9/2023, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE lõi) – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – đang ở mức 3.7% so với cùng kỳ. Con số này dù đã hạ nhiệt so với trước, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Tuyên bố của Fed còn ngụ ý rằng Fed dự báo kinh tế sẽ tiếp tục trụ vững bất chấp các đợt nâng lãi suất. Nếu vậy, họ có thể phải giữ lập trường thắt chặt trong khoảng thời gian dài.
Trong những ngày gần đây, “lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn” trở thành câu thần chú được nhiều quan chức Fed nhấn mạnh. Nhiều quan chức Fed nghĩ rằng lãi suất có thể duy trì ở mức hiện tại trong lúc họ đánh giá tác động của các đợt nâng lãi suất tới nền kinh tế. Tuy nhiên, gần như chẳng có ai kỳ vọng sẽ sớm giảm lãi suất trở lại. Theo CME Group, các trader dự báo đợt giảm lãi suất đầu tiên có thể đến vào tháng 6/2024.
Lập trường thắt chặt của Fed là yếu tố chính thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng vọt.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2007, giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thông thường, lợi suất trái phiếu tăng thì giá trái phiếu sẽ giảm. Việc lợi suất tăng cho thấy nhà đầu tư bớt hào hứng với trái phiếu Chính phủ Mỹ – vốn thường được xem là thị trường lớn nhất và thanh khoản nhất thế giới.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu cũng đến từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự báo, lạm phát “lì lợm” ở mức cao, Fed “diều hâu”. Ngoài ra, nhà đầu tư trái phiếu cũng đòi hỏi lợi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro từ việc nắm trái phiếu kỳ hạn dài.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại về việc phát hành trái phiếu Chính phủ Mỹ trong thời gian tới.
Theo CNBC