Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024
Mở tài khoản chứng khoán Phú Hưng với Cố vấn đầu tư cao cấp, quản lý tài sản và ủy quyền đầu tư. ID:2206
Trang chủKinh TếCác thương vụ ký kết các thỏa thuận hợp tác trị giá...

Các thương vụ ký kết các thỏa thuận hợp tác trị giá nhiều tỷ USD giữa Việt Nam và Pháp

Mo tai khoan chung khoan Phú Hưng Securities, ID:2206

Tối 3/11 (theo giờ Paris), ngay sau khi kết thúc hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hoà Pháp Jean Castex đã chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp hai nước. Cũng nhân dịp này, Bộ Công Thương cũng trao quyết định chủ trương đầu tư dự án điện lực Sơn Mỹ 1.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và Pháp

Các văn bản được ký kết giữa các cơ quan chức năng của hai nước gồm thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Cộng hòa Pháp giai đoạn 2021-2026; thỏa thuận hành chính giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới của Pháp về việc công nhận văn bằng và các quá trình đào tạo; thỏa thuận vay và thỏa thuận viện trợ cho dự án quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Điện Biên; ý định thư hợp tác thực hiện các dự án vệ tinh quan sát Trái đất giữa Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp.

Các văn bản được ký kết trong lĩnh vực kinh tế – thương mại gồm biên bản ghi nhớ giữa các hãng hàng không Việt Nam gồm Vietjet Air và Bamboo Airways với Safran – tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới của Pháp; biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh, thành phố thông minh, nhân dạng kỹ thuật số và an ninh mạng giữa Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Thales.

Cũng nhân dịp này, phía Bộ Công Thương cũng trao quyết định chủ trương đầu tư dự án điện lực Sơn Mỹ 1.

Vietjet và Safran ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên

Trong đó, theo thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện được Vietjet và Safran ký kết, từ những hợp tác về cung cấp và sử dụng động cơ và dịch vụ động cơ máy bay thông qua CFM International, công ty liên doanh của Safran với doanh số 10 tỷ USD đã có, Vietjet và Safran tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác lên tầm chiến lược lâu dài, bao gồm tăng cường doanh số cung cấp động cơ, đồng thời mở rộng nhiều lĩnh vực khác như ghế máy bay, nội thất buồng máy bay, dịch vụ đào tạo quản lý kỹ thuật động cơ cũng như cơ hội thành lập các tổ hợp sửa chữa bảo dưỡng công nghệ cao và đào tạo tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Safran sẽ cung cấp các dịch vụ và chương trình đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật của Vietjet, đồng thời hỗ trợ hãng thành lập Tổ hợp đào tạo và sửa chữa bảo dưỡng động cơ máy bay của Vietjet tại Việt Nam. Đặc biệt, Vietjet và công ty Safran Electronics & Defense sẽ đẩy nhanh hợp tác và cung cấp cho Vietjet các giải pháp phân tích thông tin chuyến bay toàn diện và hiệu quả nhất trong thời gian tới.

Tổng giá trị các thỏa thuận trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bamboo Airways và Safran ước tính đạt 2 tỷ Euro.

Trong khi đó, Bamboo Airways và Safran ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc lựa chọn động cơ và các thiết bị máy bay cho đơn hàng 50 máy bay A321NEO và 30 máy bay Boeing 787-9 của Bamboo Airways. Tổng giá trị các thỏa thuận trong Biên bản ghi nhớ hợp tác ước tính đạt 2 tỷ Euro.

Trong đó, Bamboo Airways ký kết với công ty CFM International – liên doanh của GE và Safran – thỏa thuận lựa chọn động cơ LEAP-1A và các thiết bị máy bay cho Airbus A321NEO và Boeing 787-9 trị giá khoảng 1,73 tỷ Euro.

Đồng thời, hãng ký kết các thỏa thuận gói mua trang thiết bị máy bay gồm hệ thống điện tử, nội thất, ghế, càng và phanh bánh… cho B787-9 và A321NEO với các công ty con khác của Tập đoàn Safran trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất ghế hạng thương gia và hạng nhất; các loại thiết bị hạ cánh, bánh xe và phanh; các sản phẩm quang điện tử, điện tử hàng không và phần mềm…

Được biết, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác các đường bay thẳng đến nhiều nước châu Âu như Anh, Séc, Đức, Pháp và tới Mỹ… ngay khi điều kiện cho phép.

Còn Thales và VNPT đã ký biên bản ghi nhớ chiến lược để hợp tác trong các lĩnh vực vệ tinh viễn thông, thành phố thông minh và an toàn, nhận dạng kỹ thuật số và sinh trắc học, 5G & IoT, an ninh mạng.

Hai lĩnh vực hợp tác trọng tâm

Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức lớn đối với cả Việt Nam và Pháp cũng như toàn thế giới nói chung. Trong bối cảnh đó, hợp tác y tế đã và đang là một trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chia sẻ khối lượng lớn khẩu trang y tế cho Pháp trong những ngày đầu của đại dịch. Tháng 9/2021, Chính phủ và nhân dân Pháp đã chia sẻ đợt đầu 672.000 liều vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.

Mạng lưới hợp tác hình thành và phát triển đa dạng trong những năm qua giữa các đối tác y tế hai bên cũng đã và đang có sự đóng góp thiết thực, hỗ trợ hiệu quả cho công cuộc phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Các chuyên gia, bác sĩ Việt Nam cũng như các bác sĩ, chuyên gia y tế người Pháp và người Việt đang công tác tại Pháp, các bệnh viện và cở sở y tế, cơ sở nghiên cứu y học, dược phẩm hai nước đã nhanh chóng vào cuộc để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về phòng và chữa trị cho người bệnh, cung cấp cho nhau các thiết bị y tế chuyên ngành, xây dựng các chiến lược, chính sách y tế liên quan.

Đứng trước những thách thức mới đặt ra, Việt Nam và Pháp đều xác định cần tìm tòi những hướng đi hợp tác mới nhằm đáp ứng yêu cầu của hai nước hiện nay.

Do đó, bên cạnh các trụ cột hợp tác đã được xác định trong Đối tác chiến lược, hai nước đặt trọng tâm vào hợp tác y tế và thương mại, đầu tư để vừa có điều kiện phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phục hồi kinh tế tốt sau đại dịch, đồng thời tạo chiều sâu và sự kết nối chặt chẽ trước những chuyển biến hiện nay của kinh tế toàn cầu.

Về y tế, các vấn đề vắc-xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư phòng chống Covid-19 và hợp tác phòng chống dịch sẽ được Lãnh đạo hai nước trao đổi kỹ trong chuyến thăm lần này.

Thủ tướng cũng sẽ có nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia, bác sĩ, các viện nghiên cứu, các tập đoàn dược phẩm ở sở tại để định hướng hợp tác.

Mối quan hệ hợp tác hai bên cũng không giới hạn ở khuôn khổ song phương, mà còn mở rộng ra các cơ chế đa phương, trong các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, các mối hợp tác EU-ASEAN, Pháp-ASEAN.

Về kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có trao đổi sâu với Lãnh đạo cấp cao Pháp về việc tăng cường các cơ chế hợp tác, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan chức năng hai nước, đồng thời có các cuộc gặp gỡ với nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại.

Các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của Pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam sẽ được tập trung ưu tiên thúc đẩy như: Công nghệ cao, kinh tế số và chuyển đổi số, y tế và dược phẩm, hàng không dân dụng, năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng, sân bay, cảng biển, nông nghiệp chất lượng cao và chế biến lương thực thực phẩm, môi trường và phát triển bền vững…Các cơ quan và doanh nghiệp hai nước cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để tranh thủ các cơ hội từ Hiệp định này

Trước đó, trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Vương quốc Anh thành công hơn mong đợi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Dương GiangTTXVN
Lịch công tác của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính:

Ngoài các hoạt động tại COP26, trọng tâm của chuyến thăm, làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp (từ ngày 3 đến 5/11) là việc thảo luận các lĩnh vực hợp tác kinh tế với lịch làm việc dày đặc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các nhà lãnh đạo, các tổ chức, doanh nghiệp của hai quốc gia đều là đối tác chiến lược của Việt Nam.

Trong hơn 3 ngày tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc và hiệu quả cao với hàng chục hoạt động song phương và đa phương.

Theo Đặc phái viên TTXVN, ngày 3/11 (giờ Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và lên đường thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Trong hơn 3 ngày tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc và hiệu quả cao với hàng chục hoạt động song phương và đa phương.

Bên cạnh việc tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị COP26; tham dự và phát biểu tại các sự kiện công bố sáng kiến của một số đối tác quan trọng bên lề COP26 như công bố Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu, Hành động về rừng và sử dụng đất; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland…, Thủ tướng Phạm Minh Chính có hơn 20 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các quốc gia như: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và lãnh đạo các tổ chức quốc tế như: Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có hơn 30 cuộc đối thoại, tiếp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, trường đại học, các tổ chức hàng đầu thế giới và Vương quốc Anh như: Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nike, lãnh đạo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Giám đốc Điều hành Lego, Lãnh đạo Tập đoàn Roll Royce, Tổng Giám đốc điều hành công ty AstraZeneca, lãnh đạo các Đại học Oxford, Liverpool…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dự, chứng kiến lễ ra mắt, ký kết, trao nhận gần 30 thỏa thuận hợp tác của Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức của Vương quốc Anh và quốc tế như: Thỏa thuận Hợp tác xây dựng Kế hoạch hành động để tăng cường liên kết và cơ sở giáo dục đại học giữa Việt Nam – Vương quốc Anh; Thỏa thuận Hợp tác chuyển giao công nghệ về quản lý đất đai và đào tạo nguồn nhân lực có liên quan; Thỏa thuận cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ cho đội tàu bay thân rộng với tổng giá trị 400 triệu USD giữa hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Rolls-Royce; Thỏa thuận về hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc chữa COVID-19 và các bệnh đường hô hấp giữa Tập đoàn Vingroup và Công ty Raphael Labs (Anh); thỏa thuận của hãng AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước; Tài trợ 300 triệu USD cho chương trình phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu của Quỹ Đầu tư Affinity…

Các hoạt động song phương, đa phương của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước về độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đặc biệt cũng thể hiện một Việt Nam năng động, sáng tạo và thân thiện, có tiềm năng lớn trong hợp tác, đầu tư…

Đáp lại, bạn bè quốc tế đều vui mừng, đánh giá cao thành tựu và tiềm năng hợp tác của Việt Nam; đồng thời mong muốn, khẳng định sẵn sàng hợp tác bền vững, lâu dài với Việt Nam, trên tinh thần “các bên cùng thắng” như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính./.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp

Ngày 31/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia Đoàn Công tác.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp. Ảnh: VGP

Cùng tham gia Đoàn còn có: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến.

Đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế; Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng tham gia Đoàn.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính theo lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex. Theo chương trình công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến ngày 3/11, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3/11 đến 5/11.

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, sau gần 2 năm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, chuyến đi của Thủ tướng có nhiều mục tiêu và ý nghĩa quan trọng với rất nhiều hoạt động cả trên diễn đàn đa phương và tiếp xúc song phương, kết hợp gặp gỡ cộng đồng người Việt và doanh nghiệp.

Việc Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Chuyến thăm làm việc tại Anh của Thủ tướng sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Vương quốc Anh tiếp tục phát triển. Thủ tướng cũng sẽ có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Anh, tham dự diễn đàn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhằm thông tin về những chính sách kinh tế quan trọng của ta và củng cố niềm tin, thu hút thêm vốn đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế.

Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp – đối tác chiến lược của Việt Nam và cũng là thành viên quan trọng của EU. Hiện Pháp là bạn hàng lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam trong EU. Đây là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên tới một quốc gia châu Âu mà Thủ tướng thực hiện kể từ khi nhậm chức, có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Thúc đẩy các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Anh

Ngày 31/10, tại thành phố Edinburgh, Scotland, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp, trường đại học lớn của Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giáo sư Mohammed Abdel, Hiệu trưởng Đại học Liverpool, đồng thời đại diện cho Viện Nghiên cứu Hume của Thụy Sĩ.

Tiếp Giáo sư Mohammed Abdel, Hiệu trưởng Đại học Liverpool, đồng thời đại diện cho Viện Nghiên cứu Hume của Thụy Sĩ, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn những ý tưởng, đóng góp của cá nhân Giáo sư và các cơ sở nghiên cứu này cho công tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam, đề nghị tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong công tác này cũng như việc nghiên cứu dự báo chiến lược, xây dựng chính sách, thể chế trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long, bảo vệ môi trường, các dịch bệnh mới nổi…

Thủ tướng đề xuất Đại học Liverpool, Viện nghiên cứu Hume có thể liên kết với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khác trong việc hợp tác với Việt Nam. Về phần mình, Giáo sư Mohammed Abdel nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng, mong muốn thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể với Việt Nam đạt hiệu quả thiết thực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các dự án của Tập đoàn Pacific Land tại Việt Nam, nhất là dự án Khu Công nghệ sinh học tại Hà Nội, đóng góp vào ứng phó biến đổi khí hậu, các dịch bệnh mới nổi…

Tiếp Chủ tịch toàn cầu Tập đoàn Pacific Land Pattrick McKillen, Thủ tướng đánh giá cao các dự án của Tập đoàn tại Việt Nam, nhất là dự án Khu Công nghệ sinh học tại Hà Nội, đóng góp vào ứng phó biến đổi khí hậu, các dịch bệnh mới nổi…

Chủ tịch toàn cầu Tập đoàn Pacific Land chia sẻ những tình cảm cá nhân tốt đẹp với Việt Nam, khẳng định đầu tư thành công và mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài, ổn định tại Việt Nam, nhất là mong muốn xây dựng một trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học lớn tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Pacific Land phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy triển khai dự án Khu công nghệ sinh học tại Hà Nội bảo đảm hiệu quả và theo đúng quy định hiện hành.

Thủ tướng bày tỏ ủng hộ kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh của Tập đoàn Jardines tại Việt Nam, đề nghị Tập đoàn tiếp tục đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiếp Giám đốc Tập đoàn Jardines Adam Keswick, Chủ tịch Tập đoàn Jardines tại Việt Nam Alain Cany, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ USD vào Việt Nam, Thủ tướng chúc mừng và đánh giá cao các hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả của Tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian qua; hoan nghênh các hoạt động hợp tác kinh doanh của Tập đoàn với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Trường Hải Thaco, Vinamilk… Trong thời gian tới, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh của Tập đoàn tại Việt Nam, đề nghị Tập đoàn tiếp tục đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại các buổi tiếp, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn vừa qua của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do tác động của dịch bệnh, khẳng định Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công, bền vững tại Việt Nam.

Công bố đường bay thẳng Việt Nam- Anh

Cũng trong ngày 31/10, tại thành phố Edinburg, Scotland, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố đường bay thẳng Việt Nam – Anh của hãng hàng không Bamboo Airways.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ ra mắt đường bay thẳng Việt Nam-Anh và Lễ ký công bố Tổng đại lý của hãng Bamboo Airways.

Đường bay thẳng Việt Nam – Anh của Bamboo Airways được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, tạo tiền đề vững chắc để tăng cường giao lưu song phương trên mọi lĩnh vực đối ngoại, kinh tế, văn hóa – xã hội.

Tại buổi lễ công bố, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao ý nghĩa của việc mở đường bay thẳng Việt Nam – Anh nhân dịp chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Anh trong bối cảnh hai nước đang có quan hệ hết sức tốt đẹp. Việc mở đường bay thẳng sẽ góp phần thúc đẩy nhiều trọng tâm hợp tác chiến lược giữa hai nước là quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên…

Cũng tại sự kiện, Bamboo Airways chính thức ra mắt APG UK – Tổng đại lý đại diện cho hãng tại thị trường Anh. APG UK là một phần trong mạng lưới APG toàn cầu – đơn vị cung cấp giải pháp hàng không và du lịch uy tín thế giới và là một trong những tổ chức đại diện GSA hàng không hàng đầu khu vực, đại diện cho hơn 25 hãng hàng không.

Là “trái tim” của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, London được xác định là một trong những điểm đến chiến lược nằm trong lộ trình kết nối châu Âu của Bamboo Airways. Đường bay thẳng Việt Nam – Anh của Hãng là điểm khởi đầu mở ra cơ hội tăng cường mạng bay giữa Việt Nam với một khu vực kinh tế rộng lớn, phát triển hàng đầu thế giới gồm: Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan,… rộng hơn nữa là khu vực Nam Âu. Ở chiều ngược lại, đường bay này cũng góp phần đưa Việt Nam trở thành một cửa ngõ hàng không vào khu vực Đông Nam Á.

Theo kế hoạch, từ tháng 1/2022, Bamboo Airways sẽ triển khai các đường bay thẳng thường lệ kết nối Thủ đô Hà Nội và TP HCM (Việt Nam) với Thủ đô London (Anh), với tổng tần suất dự kiến 6 chuyến khứ hồi/tuần; tần suất chung sẽ được nâng dần lên theo nhu cầu thị trường.

Đường bay thẳng của Bamboo Airways sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Việt Nam và Anh xuống chỉ còn khoảng hơn 12-13 giờ, tiết kiệm đến xấp xỉ 7 giờ so với các chuyến bay quá cảnh hiện nay.

Các đường bay được khai thác bằng máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, dòng máy bay thân rộng hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu bậc nhất hiện tại với nhiều tiện ích, dịch vụ vượt trội.

Chương trình ưu đãi đặc biệt: Mở tài khoản chứng khoán Phú Hưng Securities với Cố vấn đầu tư cao cấp, quản lý tài sản và ủy quyền đầu tư NGUYỄN VĂN HÙNG - ID:2206. Nhận ngay 20K tiền mặt. Chi tiết liên hệ hotline: 0905 889 188Mo tai khoan chung khoan Phu Hung Securities
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

1 BÌNH LUẬN

  1. Việt Nam – Pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm

    Hai bên thống nhất thúc đẩy các dự án hợp tác giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và hàng không – vũ trụ…
    Ngày 4/11 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và dự tiệc chiêu đãi của Tổng thống Pháp tại Phủ Tổng thống.

    Tại cuộc hội kiến, Tổng thống Macron hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Pháp trong chuyến công du châu Âu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng; đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực; mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang y tế cho nhân dân Pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020; thông báo Pháp hỗ trợ thêm cho Việt Nam 400.000 liều vaccine qua kênh song phương và 970.000 liều vaccine qua cơ chế COVAX, nâng tổng số vaccine Pháp hỗ trợ cho Việt Nam lên hơn 2 triệu liều, minh chứng cho tinh thần hợp tác, hỗ trợ nhau vượt qua dịch bệnh.

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà Tổng thống Macron đã dành cho Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp đã hỗ trợ vaccine và trang thiết bị y tế, đóng góp hiệu quả vào công tác chống dịch ở Việt Nam. Thủ tướng mong muốn Pháp tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị COVID-19, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế của Việt Nam.

    Việt Nam – Pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm
    Tổng thống Macron hoan nghênh Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Pháp
    Hai nhà lãnh đạo trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Tổng thống Macron khẳng định trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và vị thế của Pháp trong Liên minh châu Âu cũng như trên trường quốc tế; hoan nghênh các quốc gia, trong đó có Pháp phát huy vai trò trách nhiệm, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung tại khu vực.

    Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác Chiến lược Việt Nam – Pháp vào năm 2023, hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng xây dựng kế hoạch hàng năm với những nhiệm vụ cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh – quốc phòng, đến văn hóa, y tế, khoa học, giáo dục – đào tạo, pháp luật và tư pháp, hợp tác giữa các địa phương. Pháp hoan nghênh và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt – Pháp lần thứ XII tại Hà Nội vào cuối năm 2022.

    Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần củng cố hơn nữa trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Pháp, cùng thống nhất các phương hướng và biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trao đổi thương mại giữa hai nước, hỗ trợ các doanh nghiệp, hàng hóa của hai nước thâm nhập thị trường của nhau; thống nhất thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và hàng không – vũ trụ; cùng hướng tới xây dựng các quan hệ đối tác công nghiệp lâu dài trên cơ sở chuyển giao công nghệ cao, cùng có lợi, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ số…

    Tổng thống Pháp đánh giá hợp tác và giao lưu văn hóa sôi động giữa hai nước là điểm sáng trong quan hệ song phương và nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Trung tâm Văn hóa của hai nước ở Việt Nam và Pháp; mong muốn hai bên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Viện Pháp tại Việt Nam cũng như Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí với ý kiến của Tổng thống Pháp, đồng thời đề nghị Pháp duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các dự án về y tế, đặc biệt với nguy cơ dịch bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chương trình giảng dạy tiếng Pháp và dạy bằng tiếng Pháp tại Việt Nam; mong muốn Pháp tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh, sinh viên trao đổi, học tập, nghiên cứu tại Pháp, tăng số lượng học bổng và đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo cán bộ hành chính công cho Việt Nam.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp của Pháp tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mong Pháp sẽ là cầu nối giúp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam cũng như ASEAN với EU, nhất là khi Pháp chuẩn bị đảm nhiệm Chủ tịch EU vào tháng 01/2022.

    Hai bên nhất trí tích cực triển khai và tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đồng thời thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), tạo xung lực cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Pháp và EU. Tổng thống Macron cho biết Pháp sẵn sàng tăng cường hợp tác phát triển ngành thủy sản bền vững với Việt Nam và hứa sẽ xem xét thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ kết quả Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh, thông báo Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các chính sách và biện pháp mạnh mẽ, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; mong muốn các nước phát triển, trong đó có Pháp, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

    Hai bên nhất trí ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Pháp lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước./.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin mới nhất