Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc hàng rào thuế quan mới đối với nhôm và thép Trung Quốc trong một nỗ lực chống phát thải và tình trạng dư công suất trên toàn cầu, dựa trên nguồn tin thân cận.
Đây sẽ là cách tiếp cận khá lạ thường, vì Mỹ và châu Âu định dùng hàng rào thuế quan – một công cụ thường sử dụng trong các tranh cãi thương mại – để thúc đẩy chương trình về biến đổi khí hậu.
Cổ phiếu của các hãng thép và nhôm Mỹ leo dốc sau thông tin này, trong khi cổ phiếu của các hãng nhôm thép ở Hồng Kông là Aluminum Corp. of China và China Hongqiao Group nhuốm sắc đỏ. Theo nguồn tin thân cận, hàng rào thuế quan này sẽ phụ thuộc vào mức độ phát thải carbon.
Ý tưởng này vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa được đề xuất chính thức, theo nguồn tin thân cận. Việc tiến tới thỏa thuận với EU (bao gồm cả các chi tiết về cách xác định ngưỡng để áp thuế) khó có thể xảy ra cho tới sớm nhất là cuối năm 2023, dựa trên nguồn tin thân cận.
Khuôn khổ mới được xây dựng dựa trên thỏa thuận khác giữa Mỹ-EU đã ký kết trong năm 2021. Đây là động thái chủ yếu nhắm tới Trung Quốc – quốc gia phát thải carbon nhiều nhất trên thế giới và là nơi đặt trụ sở của nhiều ông lớn sản xuất nhôm thép – cũng như các quốc gia có lượng phát thải carbon lớn khác.
Kế hoạch áp hàng rào thuế quan này nhiều khả năng sẽ khoét sâu thêm sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là ngay khi hai quốc gia này vừa cam kết cùng nhau chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là một dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ đang căng thẳng về thương mại.
Các quốc gia khác cũng bày tỏ mong muốn gia nhập cuộc đàm phán này, nhưng khuôn khổ mới lúc đầu nhiều khả năng sẽ chỉ có Mỹ và EU. Điều này có nghĩa hoạt động nhập khẩu nhôm thép từ Nhật Bản và các quốc gia khác cũng có nguy cơ lọt vào tầm ngắm của hàng rào thuế quan mới này.
Theo Bloomberg