Cổ phiếu HPG, HSG, NKG liên tục sụt giảm dù doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Agriseco đánh giá, trong những tháng còn lại của năm, nhóm này sẽ hưởng lợi từ việc nhu cầu và biên lợi nhuận gia tăng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận ròng của Hòa Phát (HPG) đạt 6.189 tỷ đồng, tăng 238% so với cùng kỳ; Nam Kim (NKG) đạt 370 tỷ đồng, tăng 387%; Hoa Sen (HSG) đạt 423 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 424 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi công bố kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu của ba “ông lớn” ngành thép lại diễn biến trái chiều khi liên tục sụt giảm kể từ đầu tháng 7, xóa hết thành quả tăng từ đầu năm. Từ ngày 1/1 đến 8/9, VN-Index tăng gần 13%, nhưng HPG giảm nhẹ, trong khi HSG và NKG lần lượt mất khoảng 10% và 15% giá trị thị trường.
Diễn biến cổ phiếu HPG, HSG, NKG và VN-Index từ 1/1 – 6/9/2024 |
Trong phân tích mới đây, Agriseco Research đánh giá, nhóm thép sẽ có nhiều triển vọng trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu hồi phục, cùng với sự giảm giá của nguyên vật liệu giúp biên lợi nhuận gia tăng.
Cụ thể, năm 2024, dự toán chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi ngân sách Nhà nước, tương đương hơn 677.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt 29,75% kế hoạch năm. Vì vậy, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu cho ngành thép.
Ngoài ra, các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8 sẽ giúp thị trường bất động sản (ngành tiêu thụ thép lớn nhất) phát triển lành mạnh, đẩy mạnh nguồn cung trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng 1,9% đạt 1.849 triệu tấn, trong đó nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu như ASEAN, Châu Âu, và Mỹ dự kiến tăng lần lượt 5,2%, 5,8%, và 1,6% so với năm 2023, nhờ nhu cầu từ xây dựng hạ tầng. Đây sẽ là động lực cho xuất khẩu thép của Việt Nam.
Giá nguyên liệu đầu vào sụt giảm kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận (Nguồn: Agriseco) |
Từ đầu năm, giá quặng sắt đã giảm khoảng 28% và giá than cốc Trung Quốc giảm khoảng 36%, trong khi giá sản phẩm đầu ra như thép thanh chỉ giảm khoảng 3%. Điều này làm kỳ vọng biên lợi nhuận của ngành thép sẽ được cải thiện.
“Nín thở” chờ chính sách
Bộ Công Thương đã công bố hai quyết định điều tra chống bán phá giá chính thức liên quan đến ngành thép, cụ thể: (1) Đối với thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc theo mã AD19 vào ngày 14/6/2024; (2) Đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc theo mã AD20 vào ngày 26/7/2024.
Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra trong vòng 6 – 8 tháng kể từ ngày ra quyết định điều tra để đưa ra kết luận sơ bộ và áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời. Quyết định cuối cùng sẽ được ban hành trong vòng 12 – 18 tháng.
Agriseco kỳ vọng rằng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với tôn mạ sẽ được áp dụng vào khoảng cuối năm 2024, và đối với thép HRC vào tháng 2/2025 nếu có đầy đủ bằng chứng.
Trước đó, BSC Research đã phân tích rằng, nếu thuế chống bán phá giá đối với thép mạ được áp dụng, sản lượng thép mạ trong nước có thể tăng 20% so với cùng kỳ, tác động tích cực tới các công ty như đầu ngành như Hoa Sen và Nam Kim. Việc áp thuế HRC sẽ giúp Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh tăng sản lượng HRC thêm 1,5 – 3 triệu tấn/năm, tăng 20 – 30% trong giai đoạn 2025 – 2026.